| Hotline: 0983.970.780

Ngăn chặn vận chuyển lợn trái phép qua lại biên giới Việt - Lào

Thứ Hai 08/08/2022 , 05:30 (GMT+7)

Các phương tiện vận chuyển lợn đi qua khu vực biên giới Việt - Lào đều được kiểm soát, giám sát chặt chẽ nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các vi phạm.

Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện vận chuyển lợn đi qua địa bàn Thừa Thiên - Huế. Ảnh: CĐ.

Lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện vận chuyển lợn đi qua địa bàn Thừa Thiên - Huế. Ảnh: CĐ.

Lập các điểm chốt chặn xung yếu

Do sự chênh lệch về giá lợn hơi và sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng đã dẫn đến việc buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép.

Ông Văn Lập, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện A Lưới thông tin, từ ngày 1/8 đến nay, lực lượng thú y đã phối hợp với ban ngành chức năng, các địa phương giáp ranh vùng biên giới tổ chức lập chốt chặn, kiểm soát xuất, nhập lợn trái phép sang Lào và ngược lại.

Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp lập chốt tại các điểm xung yếu, lực lượng chức năng tổ chức tuần tra thường xuyên trên các tuyến đường mòn, lối dẫn từ các địa phương sang Lào.

Các lực lượng kết hợp tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định, không buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn trái phép. Từ ngày tổ chức lực lượng kiểm soát đến nay, trên địa bàn huyện A Lưới chưa phát hiện tình trạng xuất, nhập lợn trái phép sang Lào và ngược lại.

Là một trong những địa phương có số lượng lợn nuôi đứng đầu tỉnh nên hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn ở huyện Quảng Điền thời gian qua diễn ra rất sôi động, ông Phan Văn Lự, Phó Trưởng phòng NN - PTNT huyện Quảng Điền, khẳng định, chưa xảy ra tình trạng nhập lợn, sản phẩm từ lợn trái phép từ nơi khác về địa bàn tiêu thụ. Lượng gia súc, gia cầm nuôi tại địa phương xuất bán sang các tỉnh khác đều có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan thú y, chính quyền sở tại.

“Dù vậy ngành nông nghiệp vẫn không chủ quan, đang tích cực phối hợp tổ chức kiểm soát, giám sát chăn nuôi và tiêu thụ gia súc, không để xảy ra tình trạng xuất, nhập lợn, sản phẩm từ lợn trái phép”, ông Lự cho hay.

Các phương tiện vận chuyển lợn đều được phun khử khuẩn theo đúng quy định. Ảnh: CĐ.

Các phương tiện vận chuyển lợn đều được phun khử khuẩn theo đúng quy định. Ảnh: CĐ.

Xử lý nghiêm hoạt động xuất, nhập lợn trái phép

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngành thú y cùng với các địa phương, ban ngành chức năng đang tích cực triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng xuất, nhập lợn, sản phẩm từ lợn sang nước khác trái phép.

Để ngăn chặn hoạt động xuất nhập lợn trái phéo, trên các trục đường chính, lối mòn tại các địa phương vùng biên giới, giáp ranh với Lào được ngành chức năng lập chốt chặn, mỗi chốt từ 3-5 người gồm cán bộ thú y, công an, thị trường…

Các phương tiện vận chuyển đi qua khu vực biên giới và qua các chốt Bắc, Nam, tuyến đường xung yếu đều được kiểm soát, giám sát chặt chẽ, kết hợp tuần tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn trường hợp vi phạm.

Ông Hưng thông tin thêm, tại thời điểm này, đàn lợn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế ước khoảng 155 ngàn con, tăng 6.600 con, tương ứng tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân đàn lợn tăng là do dịch tả lợn châu Phi không phát sinh trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi an toàn sinh học tái đàn.

Tính riêng từ đầu năm đến nay đã kiểm dịch xuất hơn 7.500 con lợn giống, 31 ngàn con lợn thịt; kiểm tra, giám sát việc nhập gần 152 ngàn con lợn thịt và 700 tấn sản phẩm động vật đông lạnh hợp pháp.

Sau khi có văn bản của Bộ NN-PTNT và UBDN tỉnh, đơn vị đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn trái phép.

Theo đó, đảm bảo không để xảy ra tình trạng nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật; đặc biệt ngăn chặn vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn ra, vào địa phương qua các đường mòn, lối mở… với Lào. Khi phát hiện, bắt được các lô hàng lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển bất hợp pháp sẽ xử lý nghiêm, tiêu hủy theo quy định.

Trước đó, ngày 1/8 UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có Công văn số 8092/UBNN-NN đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật trái phép.

Cụ thể, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phối hợp chặt chẽ, chủ động chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan thú y Trung ương đóng tại địa phương và cơ quan thú y địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi vi phạm.

Ngành Công an lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vi phạm vận chuyển, buôn bán lợn, động vật trái phép.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.