Lễ Kỷ niệm 30 năm gia nhập Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) và Ngày Cà phê Việt Nam lần thứ 4 được Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, UBND TP HCM và Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, tổ chức ngày 15/1 tại TP HCM.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, cà phê được trồng ở Việt Nam từ cuối thế kỷ 19. Sau năm 1975, trong chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp của Đảng và nhà nước, cây cà phê đã được chọn trồng trên đất đỏ bazan của các tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Trong 30 năm trở lại đây, ngành cà phê Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc. Năm 1990, sản lượng cả phê nước ta chỉ chiếm 1,5% sản lượng cà phê thế giới. Đến nay Việt Nam đã trở thành nước đứng thứ 2 trên thế giới về sản lượng cà phê.
Năm 2020, sản lượng cà phê của Việt Nam ước đạt 1,74 triệu tấn, năng suất 2,73 tấn/ha, gấp trên 3 lần mức năng suất bình quân của cà phê thế giới. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, xuất khẩu cà phê năm 2020 vẫn đạt gần 3 tỷ USD.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, ngày 26/3/1991 đánh dấu mốc quan trọng trong ngành cà phê Việt Nam khi chúng ta chính thức gia nhập Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO). Đây là một sự vươn lên mạnh mẽ để hội nhập với thế giới.
Trong 30 năm qua, Việt Nam đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm khi là thành viên chính thức của ICO và chứng minh với thế giới rằng nông dân Việt Nam rất cần cù, sáng tạo để đưa năng suất cà phê Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Bên cạnh đó, chúng ta luôn lắng nghe những phản hồi của các nước tiêu thụ cà phê để hoàn thiện quy trình sản xuất, đảm bảo ATTP, đồng thuận không ngừng nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng.