Được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Tổng cục Lâm nghiệp và PEFC, từ năm 2019, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã tạo điều kiện cho các thành viên xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo Thông tư số 28/2018 của Bộ NN-PTNT và đăng ký thực hiện chứng chỉ rừng VFCS/PEFC cho rừng trồng cây cao su và nhà máy chế biến mủ cao su.
Đến tháng 7/2021, 11 thành viên VRG đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FM) theo tiêu chuẩn quốc tế PEFC ST 1001:2010 trên 51.317 ha cao su và được cấp chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) theo tiêu chuẩn quốc tế PEFC ST 2002:2013 cho 20 nhà máy.
11 đơn vị này gồm: Công ty Cổ phần Cao su Bà Rịa, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú, Công ty TNHH MTV Cao su Lộc Ninh, Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng, Công ty Cổ phần Cao su Tân Biên, Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông và Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận.
Hai tổ chức chứng nhận đã đánh giá và cấp chứng chỉ cho các công ty này là GFA Certification GmbH (Đức) và SGS Société Générale de Surveillance SA (Thụy Sĩ). Một số công ty khác đang chờ đánh giá để được cấp chứng chỉ.
VRG dự kiến đến cuối năm 2021 có trên 268.000 ha cao su tại Việt Nam hoàn thành Phương án quản lý rừng bền vững theo VFCS, trong đó, khoảng 100.000 ha có chứng chỉ VFCS/PEFC-FM và khoảng 38 nhà máy chế biến có chứng chỉ PEFC-CoC (gồm 36 nhà máy chế biến mủ cao su và 2 nhà máy chế biến gỗ cao su).
Bên cạnh đó, VRG đang tích cực làm việc với Tổ chức FSC để thống nhất lộ trình tái kết nối và triển khai thực hiện theo lộ trình tái kết nối với mục đích phấn đấu đến cuối năm 2022 có thể hợp tác đầy đủ, toàn diện với FSC trong việc thực hiện hệ thống quản lý rừng bền vững theo hệ thống FSC song song với bên cạnh việc duy trì và thực hiện chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo PEFC.