Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC) và Phòng thí nghiệm Tham chiếu châu Âu (EURL) cho biết, số ca mắc bệnh ở thủy cầm và gia cầm gia tăng đáng kể.
Sự gia tăng số lượng các ổ dịch cúm gia cầm bị nghi ngờ có liên quan đến sự lây lan của virus qua các loài chim nước.
Tính đến nay, trên toàn khu vực châu Âu đã có 50 triệu con gia cầm bị tiêu hủy vì dịch cúm. Đây cũng được coi là đợt bùng phát dịch cúm gia cầm lớn nhất từng xảy ra ở lục địa già. Trong đợt dịch bệnh đầu tiên, kéo dài từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 9 năm 2022, tổng cộng có 2.520 ổ dịch cúm gia cầm, 227 ổ xảy ra ở các loài chim nuôi nhốt và 3.867 ổ dịch ở chim hoang dã đã được thông báo ở 37 quốc gia châu Âu.
Sự tồn tại dai dẳng bất thường của chủng virus cúm gia cầm độc lực cao ở các loài chim và gia cầm hoang dã trong suốt mùa hè năm 2022 có nghĩa là lần đầu tiên không có sự phân chia rõ ràng giữa thời điểm cuối năm đầu tiên xảy ra dịch bệnh và đầu mùa dịch cúm gia cầm độc lực cao, bắt đầu vào tháng 10 năm 2022.
Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (EFSA) hiện vẫn đang tiếp tục đánh giá số lượng vacxin để phòng chống chủng cúm gia cầm độc lực cao và xem xét các chiến lược tiêm phòng tiềm năng. Kết quả của công việc này dự kiến sẽ có vào nửa cuối năm 2023.
Theo giới chức ngành chăn nuôi vương quốc Anh, tác động tài chính của dịch cúm gia cầm là rất lớn, gây ra sự căng thẳng về tinh thần đối với những người chăn nuôi bị ảnh hưởng, khi nhiều chủ trang trại buộc phải xem xét lại tương lai của họ.
“Đây là đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất ở Anh cho đến nay và chưa có dấu hiệu kết thúc”, ông James Mottershead, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty gia cầm NFU cho hay.