Tuy nhiên, làm thế nào để thực thi các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp, đặc biệt là gỗ NK từ các nước về Việt Nam theo các điều khoản của Hiệp định VPA/FLEGT vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
DN lớn tự tin trước VPA/FLEGT
Hiệp định VPA/FLEGT không những chỉ đề cập đến tính hợp pháp gỗ của Việt Nam, mà cả gỗ Việt Nam NK từ các nước.
Các DN gỗ lớn, sử dụng nguyên liệu trong nước tự tin trước Hiệp định VPA/FLEGT. (Ảnh: Hưng Giang) |
Theo đó, để kiểm soát gỗ NK, yêu cầu nhà NK Việt Nam phải có trách nhiệm giải trình để đánh giá tính hợp pháp của gỗ và sản phẩm gỗ mà họ NK. Điều này có nghĩa các nhà NK gỗ Việt Nam từ bây giờ trở đi, sẽ phải thu thập thông tin từ nhà cung cấp ở các nước khác, phân tích thông tin để xác định rủi ro về gỗ bất hợp pháp, có các biện pháp giảm thiểu rủi ro đối với gỗ bất hợp pháp. Vì vậy, cơ quan quản lí Nhà nước chuyên ngành của Việt Nam sẽ phải ban hành các văn bản pháp luật yêu cầu các nhà NK làm trách nhiệm giải trình đối với nguồn gốc xuất xứ gỗ hợp pháp, đồng thời sẽ áp dụng biện pháp ngăn chặn đầy đủ, cân đối, và có tính chất ngăn chặn trong trường hợp không tuân thủ với các quy định này của pháp luật...
Về ý nghĩa của Hiệp định VPA/FLEGT, ông Điền Quang Hiệp, GĐ Cty TNHH Minh Phát 2 (MIFACO) – Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho rằng: Hiệp định này là một cột mốc quan trọng để nâng tầm uy tín cho ngành gỗ Việt Nam. Bởi hiện nay, các DN Châu Âu là những nơi văn minh bậc nhất thế giới, họ rất tuân thủ luật pháp của chính phủ.
Việc Việt Nam ký hiệp định VPA với EU, sẽ giúp các DN của EU thấy rằng Việt Nam có đủ sự tin cậy để EU ký hiệp định trong biệc phối hợp thực thi các biện pháp bảo vệ môi trường bền vững cho ngành gỗ, chống khai thác bất hợp pháp. Vì vậy trong tâm tưởng của DN Châu Âu, họ cũng sẽ có đủ niềm tin vào DN Việt Nam để hợp tác và mở ra cơ hội lớn cho các DN trong ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới.
Tại thủ phủ của ngành chế biến gỗ ở Bình Dương, MIFACO mới chỉ đi vào hoạt động từ năm 2013 trở lại đây nhưng hiện là một trong những tên tuổi lớn, chuyên XK đồ gỗ dân dụng sang thị trường Mỹ. Đánh giá về triển vọng cũng như khả năng đáp ứng các yêu cầu để XK gỗ vào thị trường EU theo Hiệp định VPA/FLEGT, ông Điền Quang Hiệp cho biết: Tại MIFACO, hiện nay mỗi tháng sử dụng khoảng 1.000 m3 gỗ nguyên liệu, trong đó 100% là nguồn gỗ nguyên liệu trong nước, gồm 50% là gỗ cao su thanh lý và 50% là gỗ tràm (keo) rừng trồng tại các tỉnh phía Nam.
Bên cạnh đó, MIFACO cũng là DN đã sớm XK được sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ nhiều năm nay. Đây cũng là thị trường có yêu cầu vô cùng khắt khe cả về truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp lẫn đảm bảo tuân thủ các điều kiện và lao động, môi trường, an ninh... hết sức khắt khe. Hàng năm, phía Mỹ sẽ đều đặn hoặc sang kiểm tra đột xuất tại NM của MIFACO về việc tuân thủ các quy định theo luật pháp Việt Nam về lao động, môi trường. Các lô gỗ khi XK sang Mỹ còn phải được kiểm tra và cấp chứng chỉ đảm bảo an ninh khi XK sang Mỹ (không có nguy cơ bom mìn, hóa chất...).
Theo ông Hiệp, hiện nay, Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương có trên 200 DN thành viên. Họ đều là những DN lớn và đã XK sản phẩm gỗ sang nhiều thị trường khó tính, có yêu cầu khắt khe, nhất là về nguồn gốc gỗ hợp pháp, trong đó chủ yếu là gỗ tràm và cao su nguyên liệu trong nước. Bên cạnh đó, năng lực đáp ứng về các yêu cầu lao động, vệ sinh, môi trường... của các DN cũng đã ở mức cao.
Băn khoăn việc truy xuất tính hợp pháp của gỗ NK
Một trong những vấn đề lớn cho ngành gỗ Việt Nam thời gian qua, nhất là khi Hiệp định VPA/FLEGT được ký kết với EU, đó chính là việc kiểm soát đối với gỗ NK, đặc biệt là gỗ NK từ Campuchia và Lào. Mới đây, ngày 16/11/2018, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 44/2018/TT-BCT quy định về việc tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên từ Lào và Campuchia. Cơ chế để kiểm soát nguồn gỗ NK nhiều rủi ro này vẫn đang là điều mà các DN uy tín, các Hiệp hội trong ngành gỗ quan ngại.
Cần sớm có chế tài cụ thể cho việc kiểm tra tính hợp pháp của gỗ NK. (Ảnh: Hưng Giang) |
Tại địa bàn tỉnh Gia Lai, những năm gần đây, lượng gỗ NK từ Campuchia về Việt Nam chủ yếu qua Cửa khẩu Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai). Không công bố số liệu về lượng gỗ NK từ Campuchia về Việt Nam qua địa bàn Gia Lai thời gian qua, tuy nhiên theo Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum, năm 2017, nguồn thu thuế đối với gỗ NK của Gia Lai lên tới 140 tỉ đồng, chiếm 70% tổng nguồn thu thuế NK qua địa bàn tỉnh. Năm 2018, nguồn thuế NK gỗ từ Campuchia của Gia Lai mặc dù tụt giảm, nhưng ước đạt khoảng 50 tỉ đồng.
Bà Lê Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Gia Lai – Kon Tum cho biết: Theo các quy định hiện hành về thủ tục hải quan, gỗ NK chỉ cần có các giấy tờ như hợp đồng mua bán; bảng kê sản phẩm; giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và giấy phép Cites (đối với loại gỗ phải yêu cầu). Vì vậy trên thực tế, cơ quan hải quan chỉ căn cứ vào các giấy tờ hợp lệ đối với lô hàng NK để cho thông quan, còn việc truy xuất nguồn gốc thực sự của gỗ đó có hợp pháp hay không theo các điều khoản của Hiệp định VPA/FLEGT hiện nay thì cơ quan hải quan không có thẩm quyền.
Theo bà Huyền, trước đây, chúng ta từng có quy định gỗ NK từ Campuchia về Việt Nam thì phải có giấy phép của Bộ Công thương Việt Nam và cả Bộ Thương mại Campuchia, tuy nhiên quy định này sau đó đã bãi bỏ. Vì vậy, cơ quan hải quan hiện không đủ các các cơ sở pháp lí cho phép để truy xuất tính hợp pháp của gỗ NK từ Campuchia.
“Cần phải có những hướng dẫn, quy định cụ thể, rõ ràng hơn về cơ chế kiểm soát, truy xuất đối với gỗ NK theo quy định của Hiệp định VPA/FLEGT. Các chế tài quy định phải thực thi được ngoài thực tế. Bởi kể cả khi chúng ta yêu cầu nước NK phải có cả tờ khai về truy xuất nguồn gốc gỗ NK, thì phải đảm bảo có cơ chế nào đó để chúng ta kiểm tra truy xuất được trên thực tế ngay tại nước XK. Điều đó còn phụ thuộc cả vào các quy định luật pháp ngay tại nước XK có đồng ý cho phép điều đó hay không...?” – bà Huyền băn khoăn.
Đồng tình với quan điểm này, ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho biết: HAWA đã nhiều lần kiến nghị các Bộ ngành, thậm chí cấp Chính phủ giữa Việt Nam và Campuchia cần phải có những cơ chế thỏa thuận, hợp tác trong việc kiểm soát và ngăn chặn đối với gỗ NK từ Campuchia, đặc biệt là không để “lọt lưới” gỗ rừng tự nhiên của Campuchia được NK về Việt Nam. Bởi đây cũng là điều phù hợp với tinh thần mà Hiệp định VPA/FLEGT mà Việt Nam vừa ký kết với EU.
“Hiện nay, các DN chế biến gỗ trong HAWA cần gỗ rừng trồng, gỗ hợp pháp, chứ không hoan nghênh, và cũng không cần nguồn gỗ NK bất hợp pháp, nhất là gỗ rừng tự nhiên từ Campuchia. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị cả phía Việt Nam và Campuchia cần phải có các giải pháp hợp tác song phương để ngăn chặn, không để gỗ rừng tự nhiên của Campuchia tuồn về Việt Nam” – ông Hạnh khẳng định.
Không sử dụng gỗ tự nhiên quý hiếm lim, gụ, cẩm lai… Bản thân các DN chế biến, XK gỗ lớn hiện nay cũng không thể nào sử dụng nguồn gỗ tự nhiên quý hiếm, bất hợp pháp như lim, gụ, sến, hương, cẩm lai... Bởi các loại gỗ này đều bị cấm lưu hành ở Mỹ hay EU, và giá cũng quá đắt đỏ, lên tới 2.000 – 3.000 USD/khối, trong khi gỗ nguyên liệu hiện nay chỉ có 400 USD/khối. Vì vậy, việc đáp ứng các điều kiện của EU theo Hiệp định VPA/FLEGT đối với các DN trong Hiệp hội theo tôi là hoàn toàn đạt yêu cầu. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là phải để tinh thần của Hiệp định VPA/FLEGT lan tỏa tới ngành gỗ cả nước, nhất là các DN có sử dụng gỗ nguyên liệu NK hoặc nguồn gỗ trôi nổi. Bởi xét cho cùng, bản chất của Hiệp định này là tốt cho chính ngành lâm nghiệp của chúng ta, chứ không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu XK sang EU. (Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương - Điền Quang Hiệp) |