| Hotline: 0983.970.780

Bãi thải Đông Cao Sơn ở Cẩm Phả bị 'chuyển nhượng' trái phép

Thứ Ba 05/12/2023 , 11:35 (GMT+7)

QUẢNG NINH Hội Cựu chiến binh chuyển nhượng cây trồng trên bãi thải, gây ra nhiều hệ lụy về sau cho TKV trong quá trình bảo vệ tài nguyên, ranh giới mỏ.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh trong kỳ trước, bãi thải Đông Cao Sơn (phường Mông Dương, TP Cẩm Phả) do Công ty CP Than Cọc Sáu quản lý. Đây là một loại khoáng sản đi kèm, phát sinh trong quá trình khai thác than và được quản lý hết sức chặt chẽ. Thế nhưng, Công ty CP Thiên Nam - một doanh nghiệp tư nhân nhiều năm qua đã khai thác đất đá thải mỏ tại bãi thải Đông Cao Sơn để sản xuất cát nghiền nhân tạo mà chưa được sự chấp nhuận của "chủ bãi thải" là Công ty Than Cọc Sáu. Điều này dẫn đến những tranh chấp, bất ổn khu vực trên, khiến cho Than Cọc Sáu bị xử phạt và phải liên tục kêu cứu.

Bán cây trồng hay bán bãi thải mỏ?

Tranh chấp tại bãi thải Đông Cao Sơn giữa Công ty Thiên Nam và Than Cọc Sáu bắt nguồn từ nhiều năm về trước, liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng tài sản trong khai trường mỏ.

Bãi thải Đông Cao Sơn do Than Cọc Sáu quản lý. Phía chân bãi thải là dự án sản xuất cát nghiền nhân tạo từ đất đá thải mỏ của Công ty Thiên Nam. 

Bãi thải Đông Cao Sơn do Than Cọc Sáu quản lý. Phía chân bãi thải là dự án sản xuất cát nghiền nhân tạo từ đất đá thải mỏ của Công ty Thiên Nam. 

Lật lại lịch sử từ giai đoạn 2003, thời điểm bãi thải Đông Cao Sơn vẫn còn là khu vực nằm trong giấy phép khai thác than của Công ty Than Mông Dương. Do lúc đó kinh tế khó khăn, để có kinh phí duy trì hoạt động cho Hội Cựu chiến binh Than Mông Dương, lãnh đạo Công ty Than Mông Dương đã ký quyết định giao cho Hội Cựu chiến binh Than Mông Dương quản lý, bảo vệ và khai thác cây trồng trong tổng diện tích là 115,9ha. Sau khi quản lý và sử dụng đúng mục đích số cây trồng trên trong khoảng 10 năm thì đến ngày 15/8/2013, Hội Cựu chiến binh Than Mông Dương đã chuyển nhượng toàn bộ số vốn đầu tư của Hội sang cho ông Phạm Đức Long (hiện chưa rõ là ai - PV) và Chi hội bảo vệ quân sự Công ty Than Mông Dương.

Ngày 10/3/2014, Hội Cựu chiến binh Than Mông Dương có biên bản thỏa thuận với Công ty Thiên Nam. Cụ thể, sau khi chuyển nhượng xong 200 triệu đồng số tiền đầu tư của Hội và hơn 1,7 tỷ đồng số tiền thanh toán cho ông Phạm Đức Long thì Thiên Nam có quyền được tiếp quản đồi cây, đầu tư, cải tạo trồng mới, khai thác số cây hiện có và được thụ hưởng toàn bộ giá trị tài sản trên diện tích được giao khi có phương án giải phóng mặt bằng. Trùng hợp với thời điểm này, cũng là lúc tỉnh Quảng Ninh đang chuẩn bị thu hồi đất ở đây để giao cho Công ty Than Cọc Sáu đổ thải.

Nhận thức việc làm của mình là sai quy định pháp luật, ngày 26/12/2014, Hội Cựu chiến binh Than Mông Dương tiến hành lập biên bản làm việc với Thiên Nam để mong muốn "đòi lại" đồi cây mà hội đã chuyển nhượng, tuy nhiên Thiên Nam không có ý định chuyển nhượng lại vì đã có kế hoạch sử dụng. Đến ngày 30/12/2014, Công ty Than Mông Dương làm việc với Hội Cựu chiến binh Than Mông Dương, kiểm điểm Hội Cựu chiến binh thực hiện công việc chưa có sự thống nhất; ban hành văn bản, có những thỏa thuận không đúng chức năng, thẩm quyền. Công ty Than Mông Dương đã giao Hội Cựu chiến binh có trách nhiệm thu hồi lại toàn bộ tài sản đã chuyển nhượng cho Thiên Nam và các cá nhân khác, nếu không có khả năng thì báo cáo để Giám đốc Công ty xem xét quyết định.

Trong khi việc nội bộ tại Công ty than Mông Dương chưa được giải quyết, thì ngày 31/12/2014, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định thu hồi đất để giao cho Công ty Than Cọc Sáu thuê làm bãi đổ thải. Trong đó thu hồi của Công ty Than Mông Dương là 358.970,30 m² (có phần diện tích được sử dụng để trồng cây mà Hội Cựu chiến binh than Mông Dương đã chuyển nhượng cho Công ty Thiên Nam).

Đáng lưu ý, ngày 11/2/2015, UBND TP Cẩm Phả có Công văn số 280, yêu cầu Chi nhánh Công ty Thiên Nam quản lý và sử dụng tài sản trên đất (cây trồng) đã nhận chuyển nhượng của Hội Cựu chiến binh Công ty Than Mông Dương theo đúng ranh giới đã nhận chuyển nhượng, sau khi khai thác hết số cây trồng trên phải giao lại toàn bộ diện tích cho UBND phường Mông Dương quản lý theo quy định. 

Ngày 22/4/2015, được UBND TP Cẩm Phả chủ trì, UBND phường Mông Dương và Công ty Than Mông Dương đã tổ chức bàn giao phần diện tích 527.387,8 m² (có phần diện tích được sử dụng để trồng cây mà Hội Cựu chiến binh Than Mông Dương đã chuyển nhượng cho Công ty Thiên Nam) cho Công ty Than Cọc Sáu. Than Cọc Sáu phải thực hiện chuyển trả gần 26 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích Công ty Than Mông Dương đã thực hiện bồi thường. Ngoài ra, Than Cọc Sáu không phải thực hiện thêm nghĩa vụ tài chính nào khác.

Mặc dù Than Cọc Sáu là đơn vị được giao quản lý bãi thải Đông Cao Sơn, song dựa vào việc nhận chuyển nhượng trước đó từ Hội Cựu chiến binh Công ty Than Mông Dương nên Công ty Thiên Nam mặc sức khai thác đất đá thải tại bãi Đông Cao Sơn để sản xuất cát nghiền, phớt lờ các quy định của pháp luật về khoáng sản.

Thiên Nam 'lập lờ đánh lận con đen'?

Ngày 18/1/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận cho Công ty CP Thiên Nam được lập dự án thu hồi, chế biến đá cát kết tại các vị trí đầu tầng thải tại bãi thải Đông Cao Sơn, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả.

Để Công ty Thiên Nam có cơ sở lập hồ sơ dự án, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh tại Công văn số 331/UBND-NLN3, Công ty CP Than Cọc Sáu đã phối hợp với Thiên Nam dưới sự chứng kiến của UBND TP Cẩm Phả lập biên bản ngày 22/3/2016 thống nhất và lập bản đồ vị trí mặt bằng ổn định để Công ty Thiên Nam xây dựng lắp đặt dây chuyền công nghệ với diện tích 20.400 m².

Các vị trí mặt bằng khác trong dự án của Thiên Nam gồm: Khu vực dự kiến thu gom cấp liệu 172.000 m² và mặt bằng tập kết sản phẩm 40.000 m².

Hoạt động sản xuất cát của Công ty Thiên Nam tại chân bãi thải Đông Cao Sơn phát sinh bụi ra môi trường. 

Hoạt động sản xuất cát của Công ty Thiên Nam tại chân bãi thải Đông Cao Sơn phát sinh bụi ra môi trường. 

Do nằm trong khu vực biến động, Công ty Than Cọc Sáu thời điểm đó đang thi công đổ thải hoàn thiện các công trình thoát nước, bảo vệ môi trường theo quy hoạch nên hai đơn vị thống nhất dự kiến khu vực tạm thời để Công ty Thiên Nam lập hồ sơ dự án. Đến ngày 28/11/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định chủ trương đầu tư số 4911/QĐ-UBND của Dự án mặt bằng dây chuyền thu gom đá cát kết tại bãi thải Đông Cao Sơn, phường Mông Dương, TP Cẩm Phả.

Như vậy, căn cứ các văn bản của tỉnh Quảng Ninh đã nêu ở trên, nội dung biên bản làm việc của Công ty Than Cọc Sáu đã thống nhất ngày 22/3/2016 chỉ thực hiện mục tiêu là làm cơ sở để Công ty Thiên Nam hoàn chỉnh dự án. Để đưa dây chuyền thu gom đá cát kết vào vận hành, Công ty Thiên Nam và Than Cọc Sáu cần phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về khoáng sản và các quy chuẩn quốc gia về an toàn khai thác mỏ lộ thiên trong việc thu gom, khai thác đất đá thải tại bãi thải Đông Cao Sơn.

Theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh Quảng Ninh, Công ty Thiên Nam phải phối hợp với Than Cọc Sáu để xây dựng, ký kết hợp đồng nguyên liệu, xác định rõ trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động khai thác khoáng sản đi kèm, thực hiện nghiêm nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật. Đồng thời chỉ đạo Công ty Than Cọc Sáu quản lý chặt chẽ khoáng sản đi kèm là đất đá thải mỏ tại bãi thải Đông Cao Sơn, phối hợp với Thiên Nam để ký kết hợp đồng cung cấp nguyên liệu.

Sau khi nhận được đề nghị phối hợp của Than Cọc Sáu, ngày 28/12/2020, Công ty Thiên Nam có phản hồi. Doanh nghiệp này cho rằng việc đề nghị của Than Cọc Sáu là hoàn toàn không có cơ sở vì Than Cọc Sáu vẫn chưa thực hiện giải quyết việc giải phóng mặt bằng, chi trả tài sản trên đất (bao gồm chi phí đã đầu tư cải tạo đất và cây cối trên đất) cho Công ty Thiên Nam theo quy định của Luật đất đai.

Nhận thấy Công ty Thiên Nam vẫn chưa hiểu rõ vấn đề nên ngày 8/1/2021, Than Cọc Sáu tiếp tục đề nghị Thiên Nam khi chưa thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh thì không được phép đưa thiết bị, phương tiện máy móc thu gom, khai thác đất đá thải và làm ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước công trình phòng chống mưa bão khu vực bãi thải Đông Cao Sơn trong phạm vi ranh giới Công ty Than Cọc Sáu quản lý.

Tưởng chừng lần này sẽ có hiệu quả, đến ngày 11/1/2021 Thiên Nam lại một lần nữa khẳng định, trong khi Than Cọc Sáu chưa thực hiện giải quyết dứt điểm vấn đề tài chính liên quan nêu trên thì Công ty Thiên Nam được toàn quyền sử dụng và bảo vệ tài sản hợp pháp của Công ty tại khu vực bãi thải Đông Cao Sơn. Cực chẳng đã, Công ty Than Cọc Sáu ngày đêm đưa công nhân ra để bảo vệ bãi thải mỏ. Nhưng do lực lượng bảo vệ mỏng, công cụ hỗ trợ lại thô sơ, phía bên kia máy móc cơ giới nặng, khu vực khai thác lại là chân bãi thải mỏ rất nguy hiểm nên đành "lực bất tòng tâm" nhìn Thiên Nam đưa máy móc vào để khai thác tài nguyên của mình.

Mới đây, trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đào Văn Kĩnh, phụ trách Thanh tra pháp chế Công ty Than Cọc Sáu, tái khẳng định Công ty chưa bao giờ đồng ý cho Công ty Thiên Nam khai thác đất đá thải mỏ tại bãi thải Đông Cao Sơn. Phần đất này Than Cọc Sáu đã nhận bàn giao từ Công ty Than Mông Dương theo đúng trình tự, quy định pháp luật.

Cũng theo ông Kĩnh, việc Thiên Nam cho rằng khu vực đó họ được sử dụng do đã nhận chuyện nhượng cây trồng trên đất từ Hội Cựu chiến binh Than Mông Dương thì Hội đó không có tư cách pháp lý để sang nhượng đất đai, tài sản của Công ty. Kể cả, nếu mua bán hợp pháp thì Thiên Nam cũng chỉ được khai thác cây trồng trên đất chứ không có chuyện được phép múc luôn cả đất đai đem đi nghiền cát. Bởi vậy, nếu Công ty Thiên Nam vẫn cố tình khai thác đất đá thải mỏ là làm trái quy định, gây khó khăn cho Than Cọc Sáu trong việc bảo vệ tài nguyên, ranh giới mỏ.

Ông Kĩnh cho biết thêm, để giải quyết dứt điểm tranh chấp này, Công ty Than Cọc Sáu đã gửi rất nhiều văn bản đến các cơ quan chức năng từ địa phương đến Trung ương, đề nghị được giúp đỡ trong việc quản lý ranh giới thuê đất, ranh giới quản lý tài nguyên, quản lý khoáng sản đi kèm là đất đá thải mỏ. Tuy nhiên, đến nay sự việc vẫn đang vô cùng bế tắc.

Xem thêm
Quy Nhơn: Điều tra vụ học sinh lớp 7 bị đánh dã man giữa đường

Tỉnh Bình Định xác nhận Công an xã Nhơn Hội đã chuyển hồ sơ vụ cháu Đ.N.A.K (học sinh lớp 7) bị đánh dã man giữa đường cho Công an TP Quy Nhơn điều tra.

Dự án Đại Ninh: Quyền lực, hối lộ và sai phạm trong quản lý đất đai

Phiên tòa vụ án Đại Ninh tập trung làm rõ trách nhiệm 10 bị cáo, từ những sai phạm trong xử lý dự án đến lời thú nhận đau đớn của các cựu quan chức.