| Hotline: 0983.970.780

Ngành thủy sản phải giữ vững 3 trụ cột: nuôi trồng, khai thác, bảo tồn

Thứ Ba 27/12/2022 , 17:54 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chúc mừng những kết quả ngành thủy sản đạt được trong năm 2022, đồng thời kêu gọi toàn ngành giữ vững tinh thần đoàn kết, gắn bó.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Cần coi 'thẻ vàng' IUU là một cơ hội để thay đổi. Ảnh: Bá Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Cần coi "thẻ vàng" IUU là một cơ hội để thay đổi. Ảnh: Bá Thắng.

Tại Hội nghị Tổng kết năm 2022 và Triển khai kế hoạch năm 2023 của Tổng cục Thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, ngành thủy sản đã xây dựng được không gian phát triển, với nền tảng là Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

"Từ không gian này, chúng ta đã xây dựng được bộ khung giải pháp, dự báo được cơ hội và nhìn thẳng vào khó khăn, thách thức", Thứ trưởng nói.

Theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, 2022 là năm mà ngành thủy sản chịu rất nhiều cái áp lực. Tuy nhiên, bằng suy nghĩ, cách làm chủ động, sáng tạo, toàn ngành đã giảm được áp lực của thách thức, biến nguy thành cơ. 

Đầu tiên là việc đa dạng hóa đối tượng mục tiêu. Thứ trưởng lấy ví dụ về mặt hàng rong biển. Đây là ngành hàng nhiều tiềm năng, có thể chế biến thành nhiều sản phẩm giàu dinh dưỡng, thậm chí làm mỹ phẩm. Khoảng 90% rong biển được Việt Nam nhập khẩu hàng năm, trong đó khoảng 1 triệu tấn từ Indonesia. Tuy nhiên, nhờ định hướng "tăng nuôi trồng, giảm cường lực khai thác", ngành thủy sản đã làm chủ được công nghệ sản xuất rong biển, và nhân rộng nhiều mô hình hay tại nhiều tỉnh, thành phố.

Cũng trong định hướng tăng cường nuôi trồng, ngành thủy sản đã tập trung thí điểm, khai thác, sử dụng các lòng hồ. Với diện tích mặt nước lớn, trải rộng khắp tại nhiều khu vực trên cả nước, lòng hồ giúp bà con nông dân đảm bảo, nâng cao sinh kế, đồng thời góp phần giảm việc khai thác ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

"Thủy sản giờ không còn chỉ là tôm, cá tra, và khai thác hải sản, chúng ta đã có nhiều biện pháp, kế hoạch nuôi trồng nhuyễn thể hai mảnh vỏ, các sản phẩm thường được coi là thị trường ngách. Nhờ vậy, sản lượng nuôi trồng đã đạt 5,19 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2021.

Những đóng góp này có ý nghĩa quan trọng trong tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp. Đây cũng là nỗ lực của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng ngành hàng, trong đó có các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản", Thứ trưởng chia sẻ.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, năm 2023 sẽ có nhiều thách thức với ngành thủy sản. Ảnh: Bá Thắng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, năm 2023 sẽ có nhiều thách thức với ngành thủy sản. Ảnh: Bá Thắng.

Qua báo cáo của Tổng cục Thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao hoạt động xúc tiến, nhất là công tác mở rộng thị trường sản phẩm thủy sản. Hầu hết doanh nghiệp đối tác, người tiêu dùng tại Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... đều đón nhận sản phẩm Việt Nam, dù nhiều chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm trên thế giới bị đứt gãy.

Điểm nổi bật nữa được Thứ trưởng chỉ ra tại Hội nghị, là giá trị xuất khẩu đạt gần 11 tỷ USD, mức kỷ lục trong lịch sử. Ông nhấn mạnh: "Đây sẽ là nền tảng để Bộ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản trong công tác điều hành đầu năm 2023, thời điểm được dự báo kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn".

Làm rõ hơn quan điểm này, lãnh đạo ngành nông nghiệp cho biết, do lạm phát, chi phí đẩy, và khủng hoảng năng lượng tại nhiều quốc gia, thủy sản Việt Nam đã tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu ngay từ đầu năm 2022. Nhờ vậy, dù số lượng đơn hàng trong giai đoạn nửa cuối năm trồi sụt, ngành thủy sản vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng.

Trên cơ sở Quyết định 339/QĐ-TTg năm 2021 về phát triển thủy sản bền vững, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT kêu gọi toàn ngành thủy sản giữ vững 3 trụ cột là: nuôi trồng, khai thác, bảo tồn. Ông chúc cán bộ, nhân viên Tổng cục Thủy sản, dù trong cơ cấu tổ chức, sắp xếp như thế nào trong năm 2023, vẫn giữ vững sự năng động, sáng tạo và linh hoạt để quyết định tăng tốc vào những thời điểm thích hợp.

Vấn đề cuối được Thứ trưởng nhắc đến là thẻ vàng IUU. Trong năm 2023, ngành thủy sản cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, truyền thông đến với cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp và các thành phần liên quan để cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời về tình hình. Bên cạnh đó, ngành cần coi "thẻ vàng" IUU là một cơ hội để thay đổi tư duy, và phát triển bền vững hơn.

"Trong dòng chảy của nền kinh tế, ngành thủy sản cần giữ vững tinh thần đoàn kết, gắn bó. Làm được vậy, chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tổng Cục trưởng Trần Đình Luân cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo sát của lãnh đạo Bộ NN-PTNT trong năm 2022. Ảnh: Bá Thắng.

Tổng Cục trưởng Trần Đình Luân cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo sát của lãnh đạo Bộ NN-PTNT trong năm 2022. Ảnh: Bá Thắng.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ NN-PTNT, mà trực tiếp là Thứ trưởng; sự phối hợp của hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đã giúp ngành thủy sản có một năm đạt nhiều thành tựu. 

Người đứng đầu ngành thủy sản cũng kiến nghị lãnh đạo Bộ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Tổng cục trong việc xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, đề án và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm phát triển ngành thủy sản trong năm 2023 và giai đoạn 2021-2025.

Ông cũng bày tỏ mong muốn, Bộ sẽ ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư hạ tầng lĩnh vực thủy sản theo định hướng, mục tiêu Chiến lược Phát triển thủy sản đã được Thủ tướng phê duyệt.

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đánh giá, qua theo dõi những hội nghị, hội thảo mà ngành thủy sản triển khai trong năm 2022, có thể thấy rõ sự chuyển biến của ngành là tăng nuôi trồng, giảm khai thác. Đây là biện pháp hữu hiệu để phát triển ngành một cách bền vững.

Trực tiếp phối hợp chặt chẽ với ngành thủy sản trong hoạt động xuất nhập khẩu, ông Bá Anh đề nghị Tổng cục quan tâm hơn nữa đến những sản phẩm đánh vào thị trường ngách, những sản phẩm chế biến sâu để giúp nâng cao giá trị ngành hàng. 

Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cũng thông báo, rằng số lượng cảnh báo về các lô hàng thủy sản, đặc biệt là cảnh báo dư lượng kháng sinh có xu hướng giảm tại nhiều quốc gia, trong đó có cả những thị trường khó tính.

Xem thêm
Tín hiệu khả quan kết thúc năm khó khăn của ngành tôm ĐBSCL

ĐBSCL Tại ĐBSCL, thời điểm này đang cao điểm thu hoạch tôm, giá tôm nguyên liệu có tín hiệu tăng từ nửa đầu tháng 9, dự kiến còn giữ đà tăng đến đầu năm sau.

Tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng được kiểm soát

TÂY NINH Sau chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh, tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng cơ bản được kiểm soát.

Phụ phẩm ngành tôm có thể mang về cả tỷ USD

CẦN THƠ Tận dụng phụ phẩm trong ngành tôm mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp thu về hàng tỷ USD.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.