| Hotline: 0983.970.780

Ngao chết tại Thanh Hóa do mật độ nuôi quá dày

Thứ Ba 02/04/2019 , 20:18 (GMT+7)

Mật độ thả được khuyến cáo ở mức 250 - 300 con/m2, nhưng thực tế bà con tăng lên gấp 10 lần, cá biệt có nơi cao gấp 20 lần khiến sức đề kháng của ngao giảm mạnh. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân khi đi kiểm tra đã rất bất ngờ trước thực tế ở một xã có tỷ lệ ngao chết gần hết.

Chiều 2/4/2019, đoàn công tác Tổng cục Thủy sản do ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản làm trưởng đoàn đã vào Thanh Hóa tìm hiểu nguyên nhân ngao chết. Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc cũng vào lấy mẫu xét nghiệm.

Theo báo cáo của UBND huyện Hậu Lộc, từ ngày 23/3 tại 3 xã Hải Lộc, Minh Lộc và Đa Lộc xuất hiện ngao nuôi bị chết. Tình trạng này hầu như năm nào cũng xảy ra nhưng năm nay thiệt hại rất lớn. Trong đó, xã Hải Lộc bị thiệt hại nặng nề nhất với 100% diện tích. Hiện UBND huyện Hậu Lộc chưa có thống kê cụ thể về tình hình thiệt hại trên địa bàn toàn huyện.

Hàng trăm ha ngao tại Hậu Lộc bị chết

Ông Nguyễn Quốc Tý, Chủ tịch UBND xã Hải Lộc cho biết, toàn xã có 221ha nuôi ngao với 248 hộ nuôi thì có 143ha của 161 hộ nuôi bị chết từ 70 - 100%; 78 ha của 87 hộ nuôi bị thiệt hại 30 - 70%. Tình trạng ngao chết vài ngày nay có giảm nhưng không đáng kể.

Tranh thủ thời điểm thủy triều xuống, người nuôi ngao Hải Lộc đang tích cực thuê nhân công thu gom ngao chết; sử dụng máy hút công suất lớn để súc rửa bãi ngao.

Người nuôi tranh thủ thu gom ngao chết
Chất thành từng bì trên bãi biển
Người nuôi ngao súc rửa bãi, cứu vãn tình thế

Có mặt tại bãi ngao xã Hải Lộc, ông Trần Đình Luân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy Sản cũng có nhận định tương tự về nguyên nhân ngao chết.

“Tôi bất ngờ vì mật độ thả ngao giống quá cao. Theo khuyến cáo, chỉ nên thả ngao với mật độ 250 - 300 con/m2. Nhưng qua thực tế, ở đây mật độ phải đến 2.500 - 3.000 con/m2. Điều này khiến sức đề kháng của con ngao giảm do phải cạnh tranh thức ăn, môi trường sống; gặp thời tiết bất thuận sẽ dễ bị chết. Chính quyền địa phương cần động viên người dân thu gom ngao chết; san thưa, súc rửa bão ngao để cải thiện tình hình. Về lâu dài cần tập huấn để người nuôi ngao tuân thủ quy trình, mật độ nuôi”.

Ông Trần Đình Luân (ngoài cùng bên phải), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: Mật độ thả ngao giống quá dày

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc cho rằng, mật độ ngao là nguyên nhân chính dẫn đến ngao bị chết: “Trước mắt, chúng tôi đã lấy mẫu nước để xem môi trường nước bị ô nhiễm không;  mẫu ngao để xem ngao bệnh gì không và mẫu bùn cát để xác định có chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe không. Về yếu tố môi trường, chúng tôi chỉ mất 1 - 2 ngày để có kết quả. Còn yếu tố bệnh trên con ngao sẽ phải mất 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, nhìn thực tế tại bãi ngao Hải Lộc thì bước đầu chúng tôi nhận định nguyên nhân là do mật độ ngao quá dày, cục bộ có điểm đến 5.000 con/m2”.

Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc lấy mẫu xét nghiệm

Trước đó, ngày 1/4/2019, sau khi có kết quả xét nghiệm từ Chi cục Thú y vùng III, Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa kết luận nguyên nhân ngao chết tại Hải Lộc. Theo đó, các mẫu xét nghiệm đều âm tính với kí sinh trùng Perkinsus; các chỉ tiêu về định lượng Vibrio tổng số 8 mẫu nước và mẫu ngao đều trong ngưỡng giới hạn cho phép; phân tích chỉ tiêu thành phần vô cơ 5 mẫu nước đều không phát hiện các chỉ tiêu kim loại asen, chì và thủy ngân.

Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa kết luận, ngao chết do mật độ quá dày, không gian sinh sống bị hạn chế và phải cạnh tranh nguồn thức ăn, ảnh hưởng đến sức khỏe; khi môi trường không thuận lợi (thời điểm chuyển mùa) dẫn đến tình trạng ngao chết gây ô nhiễm môi trường cục bộ trong vùng nuôi ngao và lây lan khiến ngao khỏe bị chết theo.

Xem thêm
Tôm hùm bông chết tại Vạn Ninh, Cục Thủy sản đề nghị tăng cường quản lý

Cục Thủy sản đề nghị Cục Thú y hỗ trợ, hướng dẫn địa phương tìm tác nhân để xác định nguyên nhân gây ra tình trạng tôm hùm chết ở Khánh Hòa.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.