| Hotline: 0983.970.780

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL:

Ngập đô thị, chìa khóa vấn đề lại nằm ở ngành nông nghiệp

Thứ Ba 08/11/2022 , 14:50 (GMT+7)

ĐBSCL Muốn phục hồi sông ngòi thì phải kiểm soát ô nhiễm môi trường và giảm bớt công trình cản trở dòng chảy. Như vậy chìa khóa vấn đề lại nằm ở ngành nông nghiệp.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vừa qua các đô thị vùng giữa ĐBSCL như Ngã Bảy (Hậu Giang), TP Cần Thơ, Vĩnh Long bị ngập nặng, làm đảo lộn cuộc sống của người dân và ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế, xã hội của các đô thị này. Phóng viên NNVN đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL xoay quanh vấn đề này.

Triều cường năm 2019 được xem là cao nhất từ trước đến nay, nhưng năm 2022 triều cường xuất hiện cao trong tháng 10 đã phá vỡ kỷ lục so với năm 2019, nguyên nhân từ đâu thưa ông?

Mực nước đo được trên sông Hậu tại Cần Thơ trong những đợt ngập vừa qua nó là tổng của 3 loại nước. Đó là nước thủy triều từ biển Đông vào, nước từ sông Mekong chảy xuống đóng góp vào và cộng thêm mưa nội vùng đổ trực tiếp xuống làm tăng mực nước. Thủy triều biển Đông thì giao động theo ngày, theo tháng và theo năm. Trong một ngày thì có nước lớn, nước ròng. Trong một tháng thì có 2 lần nước rong xung quanh ngày rằm và ngày ba mươi âm lịch, mỗi đợt khoảng 3-4 ngày. Trong một năm thì những con nước rong từ rằm tháng 8 âm lịch qua tới rằm tháng 2 năm sau là cao hơn các tháng còn lại. Nhưng nếu chỉ riêng nước thủy triều vào các đợt nước rong này sẽ không đủ để gây ngập nặng cho các đô thị như Cần Thơ, Ngã Bảy (Hậu Giang), Vĩnh Long. Do đó, các đô thị này chỉ ngập 3-4 lần trong năm vào các dịp rằm tháng 8, ba mươi tháng 8, rằm tháng 9 và ba mươi tháng 9 khi có thêm nước lũ sông Mekong.

Thủy triều từ biển đẩy vào theo các cửa sông Cửu Long còn nước lũ sông Mekong từ trên dồn xuống. Hai lượng nước này gặp nhau ở vùng giữa đồng bằng làm dâng nước lên ở vùng từ Quốc lộ 1 ra biển và làm ngập các đô thị ở đây. Như vậy các đô thị không phải ngập cố định mà chỉ ngập 3-4 đợt mỗi năm, mỗi đợt 3-4 ngày; mỗi ngày 2 lần theo các giờ nước lớn trong ngày.

Triều cường dâng cao làm ngập các tuyến đường ở TP Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Triều cường dâng cao làm ngập các tuyến đường ở TP Cần Thơ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thưa ông vì sao có vẻ mức ngập càng ngày càng sâu thêm, cụ thể là mực nước năm 2019 được xem là kỷ lục đã bị phá vỡ trong năm nay?

Việc ngập các đô thị ngày càng trầm trọng hơn là vì mấy lý do. Thứ nhất là không có không gian cho nước lan tỏa. Nước sông Mekong từ trên thượng nguồn đổ vì thì ngày xưa chúng ta có hai cánh đồng trũng rất lớn là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, mỗi bên hấp thu được 9-10 tỷ mét khối nước tạm lưu giữ trong đó. Nhưng bây giờ, nước lũ không còn tràn đồng vào hai vùng này được nữa vì gặp đê bao khép kín làm lúa 3 vụ trong đó. Nước không vào trong đồng được nên ở trong sông và tràn xuống vùng dưới.

Còn thủy triều từ biển vào theo các cửa sông Cửu Long cũng không lan tỏa đi đâu được vì sông nào cũng có đê hai bên ven sông và vào các sông nhánh cũng vậy. Ruộng vườn ở vùng giữa cũng đê bao khép kín khắp nơi. Do đó thủy triều chỉ chảy trong sông và đụng với nước lũ sông Mekong từ trên dội xuống, gây ngập các đô thị. Có một nghịch lý là trong khi các đô thị như Cần Thơ bị ngập nặng thì chỉ cần ra khỏi nội ô thành phố ra ngoại ô vài km thì sẽ không thấy ngập. Tức là thành phố thì ngập lênh láng trong khi ruộng vườn không ngập.

Trong khoảng thời gian từ năm 2000-2011, khả năng trữ lũ của vùng Tứ giác Long Xuyên đã bị giảm đến khoảng 4,7 tỷ m3 do việc xây dựng đê bao khép kín ở vùng này với diện tích hơn 1.000km2. Trong mùa lũ, bên trong các ô đê bao này không có nước, trong khi bên ngoài nước ngập 3-4m. Các ô đê bao này chiếm không gian rất lớn. Nước không vào được thì phải tìm nơi khác, gây tăng ngập những vùng bên ngoài đê bao và các làng mạc, thành phố phía bên dưới, và thoát ra biển nhanh hơn.

Việc ngập các đô thị ngày càng trầm trọng hơn do ảnh hưởng làm đê bao sản xuất lúa vụ 3, cộng thêm khai thác nước ngầm làm sụt lún đất nhanh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Việc ngập các đô thị ngày càng trầm trọng hơn do ảnh hưởng làm đê bao sản xuất lúa vụ 3, cộng thêm khai thác nước ngầm làm sụt lún đất nhanh. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thứ hai là nước biển dâng, dù tốc độ chậm chỉ khoảng 3-4mm/năm nhưng tích lũy nhiều năm cũng rất đáng kể. Thứ ba là ĐBSCL đang sụt lún nhanh gấp 3-4 lần nước biển dâng. Theo nghiên cứu của Đại học Utretch, Hà Lan trong giai đoạn 1991 đến 2015 cho thấy cả ĐBSCL đã bị sụt lún tổng cộng 18cm với tốc độ 1.1cm/năm. Tốc độ này càng ngày càng gia tăng. Ở các vùng đô thị thì tốc độ sụt lún cao hơn rất nhiều so với vùng khác do sức nặng của các công trình xây dựng đè lên đất.

Nguyên nhân của việc sử dụng nước ngầm quá mức là do sông ngòi ô nhiễm không còn sử dụng cho sinh hoạt được nữa. Sông ngòi ô nhiễm là do phải tiếp nhận một lượng lớn chất ô nhiễm từ đủ các nguồn trong đó một phần lớn là từ nền nông nghiệp thâm canh chạy theo số lượng trong một thời gian dài sử dụng quá nhiều phân bón thuốc trừ sâu hóa học và có quá nhiều công trình cản trở dòng chảy. Sông ngòi không còn thông thoáng nên tù đọng ô nhiễm.

Vậy trong thời gian tới ĐBSCL có những giải pháp nào để ứng phó với triều cường?

Đối với các đô thị lớn như Cần Thơ mà bị ngập như vừa qua, ảnh hưởng kinh tế, xã hội là rất lớn. Về giải pháp thì có giải pháp ngắn hạn để ứng phó và giải pháp dài hạn để giải quyết vấn đề một cách căn cơ. Đối với giải pháp ngắn hạn thì có 2 chuyện có thể xem xét: một là năng cấp những đoạn đường xung yếu mà nếu ngập thì ảnh hưởng lớn đến người dân thành phố.

Nhưng việc này có mặt trái vấn đề. Nâng cấp đường thì ngập nhà, nâng cấp nền nhà thì ngập đường. Đây là cuộc đua không có đích đến và tất cả đều thua. Do đó, chỉ nên nâng cấp đường ở những nơi thật sự xung yếu. Giải pháp nữa là có thể nghĩ đến việc làm đê bao xung quanh khu vực thành phố phục vụ cho những lúc triều cường, nhưng nó cũng có mặt trái của nó là đê bao dễ gây tù đọng, ô nhiễm môi trường bên trong thành phố và gây gia tăng ngập cho vùng bên ngoài đê. Đó là giải pháp để cứu thành phố theo phương pháp ngắn hạn.

Nước sông Mekong từ trên thượng nguồn đổ về, ngày xưa chúng ta có hai cánh đồng trũng rất lớn là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, mỗi bên hấp thu được 9-10 tỷ mét khối nước tạm lưu giữ trong đó. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nước sông Mekong từ trên thượng nguồn đổ về, ngày xưa chúng ta có hai cánh đồng trũng rất lớn là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, mỗi bên hấp thu được 9-10 tỷ mét khối nước tạm lưu giữ trong đó. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Còn về dài hạn, cần có hai chuyện cần làm trên bình diện đồng bằng. Chuyện thứ nhất là phải giảm tốc độ sụt lún bằng cách giảm sử dụng nước ngầm. Muốn giảm sử dụng nước ngầm thì phải có nguồn nước khác thay thế.

Vì vậy chúng ta phải phục hồi sông ngòi cho sạch để có thể sử dụng được  như cách đây 30 năm về trước. Muốn phục hồi sông ngòi thì phải kiểm soát ô nhiễm và giảm bớt công trình cản trở dòng chảy. Như vậy chìa khóa vấn đề lại nằm ở ngành nông nghiệp. Chúng ra cần phải cải cách nền nông nghiệp theo chiều hướng giảm thâm canh (lúa ba vụ), giảm sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa học…như vậy sông ngòi sẽ thông thoáng và sạch hơn.

Chuyện thứ hai là phải tái tạo không gian cho nước lan tỏa thì mới bớt ngập đô thị được. Cụ thể ở hai cánh đồng trũng đầu nguồn là Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười cần phải giảm bớt vụ lúa vụ 3 (thu đông) trong mùa lũ để hai cánh đồng này có thể hấp thu nước lũ, kèm theo là phù sa bồi bổ cho đất đai và tôm cá trong nước sông Mekong.

Rất may hai chuyện này đều đã có định hướng trong Nghị quyết 120 của Chính phủ, Nghị quyết 13 của Bộ Chính Trị, Quy hoạch tích hợp ĐBSCL. Việc thực hiện các chính sách này sẽ cần nhiều thời gian nhưng chúng ta có quyền hy vọng rằng vấn đề sẽ được giải quyết.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...