Thế nhưng, chất lượng Ngày Thơ Việt Nam luôn là vấn đề khiến dư luận băn khoăn.
Ngày Thơ Việt Nam tại TP. HCM
Ngay tại Văn Miếu, Ngày Thơ Việt Nam do Hội Nhà văn Việt Nam đăng cai, được xem là điểm hẹn lớn nhất. Qui mô quốc gia thì cờ quạt phất phới, không có gì lạ. Đáng tiếc, do vội vàng hoặc do cẩu thả, Ngày Thơ Việt Nam vừa qua đã để lại nhiều dư âm không mấy tích cực.
Ngày Thơ Việt Nam mà sai sót về nhà thơ và câu thơ. Với sáng kiến thiết kế Con đường thi nhân, Hội Nhà văn Việt Nam đã trưng bày hình ảnh và trích dẫn tiêu biểu của các nhà thơ nổi tiếng.
Câu thơ quen thuộc trong Truyện Kiều của Nguyễn Du “Trời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời” bị lệch lạc thành: “Đời còn để có hôm nay/Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Chữ “trời” bỗng đổi sang chữ “đời” khiến ý nghĩa của câu thơ không còn tinh thần nguyên bản.
Nhầm lẫn về thơ đã buồn cười, mà nhầm lần về hình ảnh nhà thơ còn đáng ái ngại hơn. Hình ảnh Nguyễn Khuyến bị thay bằng hình ảnh Phan Thanh Giản, còn hình ảnh Hàn Mặc Tử bị thay bằng hình ảnh Yến Lan. Hai cụ Nguyễn Khuyến và Phan Thanh Giản có thể biện minh do… sự cách ngăn thời gian khó nhận diện, nhưng Hàn Mặc Tử và Yến Lan đều là thi nhân Việt Nam trong thế kỷ 20. Nhất là cụ Yến Lan chỉ mới mất chưa tròn 20 năm.
Một Ngày Thơ Việt Nam tiêu biểu của đất nước còn bất cập như vậy, thì những Ngày Thơ Việt Nam ở địa phương cũng khó chỉn chu và thuyết phục. Tại TP.HCM, Ngày Thơ Việt Nam mang tên “Xuân nghĩa tình” rất rộn ràng ở những hoạt động câu lạc bộ, nhưng đêm thơ chính lại rất vụng về. Vì sao? Vì đưa thơ vào khán phòng mà không có kỹ năng sân khấu để dàn dựng. Các tiết mục nối nhau một cách chệch choạc và lạc lõng, khiến không khí buồn tẻ và đơn điệu.
Sau 15 năm tổ chức, đã đến lúc phải nghiêm túc đánh giá lại Ngày Thơ Việt Nam. Bởi lẽ, Ngày Thơ đang ngày càng thiếu vắng tính thi ca, mà chỉ như một dịp tụ bạ tay bắt mặt mừng. Để Ngày Thơ Việt Nam hấp dẫn hơn, bổ ích hơn, cần quan tâm đến ba yếu tố: địa điểm, kinh phí và nhân lực.
Về địa điểm, Hà Nội có Văn Miếu quá lý tưởng. Kế đến là Quảng Ninh có Núi Bài Thơ, tiếp nữa là Phú Yên có Núi Nhạn giữa lòng đô thị. Địa điểm quyết định 50% thành bại của Ngày Thơ Việt Nam. Ở Hà Nội vẫn để Ngày Thơ Việt Nam bất cập vì muốn phô diễn mà không đủ khả năng kiểm soát.
Về kinh phí, đây là chuyện tế nhị nhưng không thể không tính toán. Nếu không có ngân sách chi cho lễ hội, thì phải huy động tài chính từ các nguồn xã hội hóa. Một Ngày Thơ Việt Nam mà chỉ chi ra vài chục triệu đồng thì không thể nào đòi hỏi gì được. Chưa cần kể tiền quảng bá sự kiện, mà những tiết mục cũng phải đầu tư đúng mức.
Ngày Thơ Việt Nam ở mọi nơi đều do các lãnh đạo hội làm… đạo diễn, mà họ thì chẳng có chuyên môn gì về sân khấu hóa lễ hội. Một đạo diễn sâu chuỗi được các hoạt động và biết tạo điểm nhất cho Ngày Thơ Việt Nam không thể là mấy anh chỉ biết đong đưa vài câu thơ. Phải mời đạo diễn chuyên nghiệp tham gia dàn dựng thì may ra mới có Ngày Thơ Việt Nam đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của công chúng.
Về nhân sự, hầu hết các tên tuổi văn chương đều cư ngụ ở Hà Nội và TPHCM. Huy động được họ góp mặt đầy đủ và trọn vẹn, phải cần đến người cầm cân nảy mực có tài, có tâm và có tầm. Những địa phương nhỏ, nhà thơ đích thực không nhiều thì đành trông giỏ bỏ thóc. Ví dụ, Ngày thơ Việt Nam ở Phú Yên có thêm cuộc thi Người đẹp Nguyên Tiêu, mà phần phụ có khuynh hướng che khuất cả phần chính.
Nữ sĩ Ba Lan đoạt giải Nobel văn học - Wisława Szymborska từng cho rằng “làm thơ là cái nghề không ăn ảnh một cách tuyệt vọng”. Muốn Ngày Thơ Việt Nam “ăn ảnh” không thể thực hiện một cách ngẫu hứng và tạm bợ như lâu nay.