| Hotline: 0983.970.780

Ngày Thơ Việt Nam nhìn từ đô thị nhộn nhịp nhất phương Nam

Thứ Sáu 03/02/2023 , 08:33 (GMT+7)

Ngày Thơ Việt Nam được xác lập một lễ hội văn hóa cấp quốc gia từ năm 2003, và tồn tại với những sắc thái khác nhau suốt hai thập niên vừa qua.

Ngày Thơ Việt Nam tái ngộ sau 3 năm tạm ngưng vì Covid-19.

Ngày Thơ Việt Nam tái ngộ sau 3 năm tạm ngưng vì Covid-19.

Ngày Thơ Việt Nam bị gián đoạn 3 năm vì đại dịch Covid-19. Ngày Thơ Việt Nam năm nay được tái ngộ với nhiều sự chờ đợi từ công chúng. Tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam quyết định chi 1 tỷ đồng để mời đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng Ngày Thơ Việt Nam ở khu vực Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long.

Ngày Thơ Việt Nam tại TP.HCM năm 2023 được diễn ra hai ngày 14 và 15 tháng giêng Quý Mão (ngày 4-5/2/), với chủ đề “Khát vọng phương Nam”. Là đô thị sầm uất bậc nhất cả nước, TP.HCM ngoài địa chỉ quy tụ chính thức Hội Nhà văn TP.HCM, còn có rất nhiều câu lạc bộ thơ hoạt động sôi nổi ở các quận huyện. Thế nhưng, tính từ Ngày thơ Việt Nam đầu tiên vào dịp Nguyên Tiêu 2003 đến nay, thì câu chuyện đáng băn khoăn nhất của những người yêu thơ TP.HCM vẫn là địa điểm tổ chức.

Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM từng được tổ chức ở nhiều địa điểm khác nhau. Có năm tổ chức tại Nhà hát TP.HCM chỉ vỏn vẹn một buổi sáng, khiến nhiều nhà thơ tiếc nuối. Sau khi trụ sở Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM được xây mới tại 81 Trần Quốc Thảo, thì Ngày Thơ Việt Nam có một địa điểm cố định nhưng chưa phải ưng ý lắm.

Ngày Thơ Việt Nam ra đời, nâng ý nghĩa thi ca trong xã hội lên một tầm vóc mới. Và từ đó cũng đặt ra nhiều đòi hỏi hơn về quy mô cũng như trình độ tổ chức Ngày Thơ Việt Nam. Để Ngày Thơ Việt Nam thực sự là một lễ hội văn hóa, có hai tiêu chí phải được tính toán: địa điểm và phương pháp. Nếu so với Hà Nội, Quảng Ninh và Phú Yên thì TP.HCM lại thua thiệt về địa điểm tổ chức Ngày Thơ Việt Nam. Bởi lẽ hơn trăm mét vuông khoảng sân của trụ sở Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TPHCM để tổ chức Ngày Thơ Việt Nam, thì người ngoài nhìn vào sẽ thấy không khác gì hội trại của học sinh phổ thông.

Vì sao TP.HCM chưa đầu tư thỏa đáng cho Ngày Thơ Việt Nam xứng tầm với vị trí một trung tâm kinh tế - văn hóa của cả nước? Đó là câu hỏi day dứt của không ít người tâm huyết với hoạt động thi ca. Có phải TP.HCM không có địa điểm nào phù hợp cho Ngày Thơ Việt Nam không? Không hề, xin thưa, khuôn viên Bến Nhà Rồng, hoa viên Bách Tùng Diệp hoặc khu vực Bảo tàng Lịch sử nằm trong Thảo Cầm Viên, đều là những địa điểm đáng được trưng dụng cho Ngày Thơ Việt Nam.  

Hãy nhớ rằng Ngày Thơ Việt Nam là một ngày hội cho công chúng, chứ không phải một ngày cho riêng những người làm thơ. Đọc thơ, ngâm thơ, vịnh thơ… chỉ nên là một phần quan trọng, chứ không thể là phần duy nhất trong Ngày Thơ Việt Nam. Phải nhìn nhận Ngày Thơ Việt Nam như thế nào cho thuyết phục? Nếu ví von Thơ là một chiến mã, thì Ngày Thơ Việt Nam là dịp để người ta đi xem… con ngựa vằn.

Không ai đến Ngày Thơ Việt Nam để đoán định về một con ngựa có khả năng tung vó vạn dặm thiên lý, mà người ta muốn thấy nét vằn của con ngựa. Cho nên, dáng ngựa và sức ngựa đều không quyến rũ bằng nét vằn. Muốn có lễ hội ngựa vằn thì phải lưu ý đến nhu cầu của đám đông, phải có tổng đạo diễn để chất “lễ” chan hòa chất “hội”. Triển lãm thơ, trưng bày thơ, sắp đặt thơ, video-art thơ… dễ tạo hưng phấn hơn cho những người xúng xính đến Ngày Thơ Việt Nam.

Một tiết mục trên sân khấu Ngày Thơ Việt Nam.

Một tiết mục trên sân khấu Ngày Thơ Việt Nam.

Nếu muốn bàn chuyện thơ hay hoặc thơ dở, thơ tuyệt vời hoặc thơ tuyệt diệu, thơ xuất sắc hoặc thơ nhan sắc, thơ lâm ly hoặc thơ lâm tặc, thơ thần thánh hoặc thơ thần sầu… thì chuyển qua hội thảo, tọa đàm những nhà chuyên môn. Năm 2023, Ngày Thơ Việt Nam tại TP.HCM quyết định mời nhà văn đang hành nghề sân khấu là Nguyễn Thu Phương đảm nhận vai trò tổng đạo diễn.

Ưu điểm của Ngày Thơ Việt Nam tại TP.HCM là có nhiều gương mặt thi ca được công chúng yêu mến. Ngoài ra, phải thừa nhận TP.HCM có nhiều nhà thơ có khả năng trình diễn duyên dáng trước đám đông, từ Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Bùi Chí Vinh đến Lê Minh Quốc, Nguyễn Phong Việt, Ngô Thị Hạnh... Bên cạnh đó, những câu lạc bộ thơ có tiềm lực như Phương Nam, Sao Khuê, Lam Kinh, Nghệ Tĩnh, Phú Nhuận... đều có sẵn lực lượng đủ sức tạo nên màu sắc sôi động cho cuộc tao ngộ thi ca.

Ngày Thơ Việt Nam tại TP.HCM có tầm vóc chỉ đứng sau Ngày Thơ Việt Nam tại Hà Nội. Thế nhưng, thi ca vốn không có ranh giới hành chính và cũng không chia đều tài năng cho mỗi vùng đất. Có những tỉnh rất ít nhà thơ, thì Ngày Thơ Việt Nam cũng thưa thớt và nao núng. Nếu TP.HCM liên kết với các tỉnh khu vực miền Tây Nam bộ hoặc miền Đông Nam bộ, thì Ngày thơ Việt Nam ở phương Nam vừa tăng khí thế tưng bừng vừa mở rộng giao lưu học hỏi lẫn nhau.

Từ thực tế ở TP.HCM, cần xác định lại một lần nữa, Ngày Thơ Việt Nam phải mang tầm vóc một lễ hội văn hóa. Nghĩa là Ngày Thơ Việt Nam không nhằm để các nhà thơ khoe tài khoe cán, mà là dịp gắn kết công chúng với thi ca. Do đó, đừng bao giờ có ý nghĩ gom góp dăm bài thơ hay rồi ngâm vịnh mà thành Ngày Thơ Việt Nam. Một khi đã là lễ hội văn hóa thì phải có tổng đạo diễn, phải có một người vừa yêu thơ vừa am tường về sân khấu.

Vị tổng đạo diễn sẽ đưa ra ý tưởng xuyên suốt, từ chất liệu của các nhà thơ mà cung ứng và điều phối hoạt động cho cả không gian Ngày Thơ Việt Nam một cách khoa học và nghệ thuật. Tính độc đáo của từng Ngày Thơ Việt Nam sẽ thu hút đám đông và trực tiếp tôn vinh thi ca, không thể dựa vào sự tùy hứng và sự chen chúc của các nhà thơ.

Nói đi phải nói lại, muốn có lễ hội văn hóa thì câu hỏi đầu tiên vẫn là… tiền đâu? Kinh phí vài chục triệu đồng không thể kiến thiết một Ngày Thơ Việt Nam cho ra hồn ra vía. Tại sao có những lễ hội tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng, mà ngân sách không thể chi vài tỷ đồng cho Ngày Thơ Việt Nam? Tiền nào của nấy, không thể ép Hội Nhà văn Việt Nam hoặc Hội Văn học Nghệ thuật các địa phương tổ chức Ngày Thơ Việt Nam thật hoành tráng với khoản đầu tư rất khiêm tốn. Bối cảnh dàn dựng cũng cần tiền, mà thù lao cho người trình diễn cũng cần tiền.

Biểu tượng Ngày Thơ Việt Nam tại TP.HCM.

Biểu tượng Ngày Thơ Việt Nam tại TP.HCM.

Nếu đã xem Ngày Thơ Việt Nam là một lễ hội văn hóa thì bài toán tài chính phải được giải quyết căn cơ và thấu đáo. Những cơ quan quản lý Nhà nước đã đến lúc phải có sự quan tâm đúng mức cho Ngày Thơ Việt Nam. Hãy dành một khoản ngân sách thỏa đáng cho Ngày Thơ Việt Nam ở Văn Miếu cũng như Ngày Thơ Việt Nam ở các tỉnh, như là một dự án bồi đắp tinh thần nhân văn cho người Việt Nam. Năm 2023, lãnh đạo TPHCM đã quyết định đầu tư nguồn kinh phí lớn hơn cho Ngày Thơ Việt Nam. Và chắc chắn, nếu được đầu tư tài chính tương đương với lễ hội áo dài, thì đô thị phương Nam sẽ có lễ hội thi ca thực sự.

Góc độ khác, nếu không thể dùng ngân sách thì có thể kêu gọi xã hội hóa cho Ngày Thơ Việt Nam không? Hoàn toàn có thể. Nếu có ý tưởng và chiến lược bài bản cho Ngày Thơ Việt Nam, thì chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ không ngần ngại rút ví tài trợ. Nhiều người tin rằng, Hội Nhà văn TP.HCM hoàn toàn có thể tiên phong trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa để mở rộng quy mô và tầm vóc Ngày thơ Việt Nam ở phương Nam./.

Xem thêm
Bộ phim 'Độc đạo' vì sao thu hút khán giả truyền hình?

Bộ phim ‘Độc đạo’ phát sóng trên VTV3 vào lúc 21h40 thứ 2, 3, 4 hàng tuần thực sự khiến người xem thích thú vì lối thể hiện đề tài hình sự khá mới mẻ.

Neymar lại dính chấn thương

Sức khỏe của tiền đạo người Brazil tiếp tục bị đặt dấu hỏi sau khi chân sút này chỉ thi đấu được đúng 29 phút và bị thay khỏi sân vì đau.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.