| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Gian nan quản lý tài nguyên rừng

Thứ Năm 16/05/2019 , 08:48 (GMT+7)

Với hơn 1.160.242 ha, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước. Dù sở hữu tiềm năng to lớn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại còn khá nhỏ giọt.

Bài toán khó

Đến cuối năm 2017, tại 9 huyện, thị (Con Cuông, Yên Thành, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Thanh Chương, Diễn Châu, Tân Kỳ, Hoàng Mai) thường xuyên xảy ra tình trạng mua bán, chuyển nhượng trái phép và sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích với tổng diện tích hơn 13.673 ha. Trong đó việc mua bán, chuyển nhượng trái phép hơn 8.675 ha, sử dụng sai mục đích gần 5.000 ha.

09-00-15_1
Vấn đề quản lý đất rừng tại Nghệ An còn tồn tại rất nhiều vấn đề.

Nhờ sự vào cuộc của kiểm lâm, công an, biên phòng, chủ rừng, và chính quyền địa phương, an ninh rừng ít nhiều có những chuyển biến. Dù vậy, nếu nhìn nhận khách quan thì tình trạng vi phạm, đặc biệt là tại những địa phương có diện tích đất rừng lớn, trữ lượng gỗ dồi dào vẫn chưa xử lý triệt để, hàng loạt nút thắt chưa có hướng tháo gỡ.

Nguyên do bắt nguồn phần nhiều từ những tồn tại trong chủ trương giao đất gắn với giao rừng trước kia. Thực tế việc giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN-QSDĐ) lâm nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng đã được thực hiện nhưng cơ bản không găn với công tác giao rừng, chưa kể sự phối hợp giữa 2 ngành Tài nguyên-Môi trường (đơn vị chủ trì) và Kiểm lâm còn khá khiên cưỡng.

Nhiều diện tích đã giao đất, cấp GCN-QSDĐ nhưng không thể xác định được ranh giới ngoài thực địa, kéo theo tình trạng tranh chấp liên miên, vấn nạn này diễn ra phổ biến tại huyện miền núi Kỳ Sơn.

Thực trạng mua bán, chuyển nhượng chui có giảm nhưng không đáng kể, các đối tượng thực hiện dưới nhiều hình thức (vay mượn, cầm cố, thế chấp, bán trao tay) khiến công tác quản lý gặp muôn vàn khó khăn. Tính đến tháng 9/2018, tổng diện tích đất lâm nghiệp dạng này không dưới 10.000 ha, phổ biến nhiều nhất là các huyện Quỳ Hợp, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông và Anh Sơn.

09-00-15_2
Trường hợp vi phạm như ông Vũ Văn Toàn xuất hiện nhan nhản tại khu vực quản lý của BQL RPH Bắc Nghệ An.

Vấn đề lấn chiếm, chồng lấn đất lâm nghiệp giữa các chủ rừng diễn ra nhiều nơi với chiều hướng hết sức phức tạp, do chất lượng hồ sơ trước đây chưa tốt, độ chính xác không cao nên việc phân giải mất nhiều thời gian và không thực sự khả thi, thể hiện rõ tại 3 huyện là Tân Kỳ, Quỳnh Lưu và Anh Sơn.

Lúc này Ban quản lý Rừng phòng hộ (BQL RPH) Bắc Nghệ An được phân công quản lý khoảng 5.000 ha rừng và đất rừng phòng hộ, qua rà soát có trên 400 ha diện tích chưa có rừng đang bị người dân lấn chiếm trái phép để trồng cây nông nghiệp (mía, sắn, dứa, hương, bài...), đào ao nuôi tôm và xây dựng hệ thống công trình. Nghiêm trọng hơn khi 3.500 ha/ 4.500 ha còn lại dù được trồng theo các chương trình dự án của Nhà nước (327, 661...) đều bị các hộ khai thác và ngang nhiên chiếm đất.

Theo quy định hiện hành về phân cấp phân quyền, BQL RPH Bắc Nghệ An là chủ rừng nhưng không có trách nhiệm xử phạt, trong khi đơn vị chuyên trách (Hạt kiểm lâm địa bàn và chính quyền địa phương) không xử lý đến nơi đến chốn khiến đối tượng vi phạm càng được thể làm càn. Điển hình là trường hợp của ông Vũ Văn Toàn (trú tại khối 4, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai) xây 1 nhà ở kiên cố trên diện tích 200 m2 tại tiểu khu 343A khoảnh 3 lô 4 thuộc địa giới xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu. Sai phạm rành rành nhưng ông Toàn không có biện pháp khắc phục, trái lại còn tự ý xây dựng hệ thống trang trại và cải tạo trái phép trồng cây sai mục đích...
 

Hiệu quả kinh tế thấp

Phần lớn các chuyên gia đầu ngành đều chung nhận định, tỉnh Nghệ An có tài nguyên rừng phong phú, đa dạng nhưng đóng góp giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp còn thấp. Mặc dù chiếm đến 1/15 tổng diện tích rừng cả nước nhưng tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 1,36% (sản lượng gỗ rừng trồng khai thác đạt từ 1.000.000 – 1.500.000 m3), một con số thực sự khiêm tốn.

Qua thống kê thực tế, dù nhiều rừng nguyên liệu nhưng cơ bản mới chỉ thích ứng cho mô hình sản xuất gỗ nhỏ, điều này ảnh hưởng lớn đến giá trị kinh tế hàng hóa. So sánh đơn thuần, nếu bán gỗ dăm hoặc gỗ nguyên liệu giấy chỉ thu dao động từ 700.000 – 1.000.000 đồng/ tấn, trong khi áp dụng quy trình trồng rừng gỗ lớn, cây đủ chu kỳ (8 – 12 năm) thì giá trị tăng tốc độ phi mã, đường kính càng lớn nguồn thu càng nhiều, có thể gấp 5 hoặc 10 lần so với cách thức thông thường.

09-00-15_3
Người dân chưa khai thác được lợi thế từ vốn rừng, có đến 80 % vẫn tiến hành thu hoạch keo non.

Sự khác biệt là điều không khó để nhận biết, nhưng hàng loạt rào cản về cơ chế, chủ trương hay tiềm lực kinh tế hạn hẹp là nguyên nhân bóp chẹt sự phát tiết của tài nguyên rừng Nghệ An.

Toàn tỉnh có trên 165.000 ha keo nguyên liệu, hàng năm tiến hành thu hoạch trên 30.000 ha nhưng 80% diện tích khai thác lại là keo non để băm dăm. Đành rằng UBND tỉnh, Sở NN-PTNT cùng các cơ quan, ban, ngành liên quan đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn chủ rừng thực hiện, chăm sóc đúng quy trình. Có điều do gánh nặng cơm áo gạo tiền, đại bộ phận người dân vùng cao đều ưu tiên lựa chọn rút ngắn tối đa chu kỳ: “Riêng kinh phí thuê mướn nhân công, làm đường thu gom nguyên liệu đã trầy trật lắm rồi. Đành liệu cơm gắp mắm, đến đâu hay đến đó thôi”, già làng Lương Văn Thành ở bản Đồng Minh (Châu Thái, Quỳ Hợp) nói.

Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT Việt Nam, ông Hồ Xuân Hùng nhận định: “Nguyên nhân bán rừng non chủ yếu do dân nghèo, không đủ vốn kéo dài thời gian sinh trưởng gỗ đến thời kỳ năng suất cao nhất. Mặt khác địa phương chưa quản lý được các đơn vị kinh doanh trong, ngoài tỉnh thu mua gỗ non phục vụ cho mục tiêu, lợi ích cục bộ. Nếu còn tình trạng mỗi huyện có từ 6-8 máy băm dăm đặt tại các cửa rừng như hiện nay thì khó tăng tỷ lệ gỗ lớn.

Nghệ An cần xây dựng một hoặc hai cụm công nghiệp chế biến gỗ, tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, làm tiền đề cho các doanh nghiệp hình thành liên kết”.

Thực hiện chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mới đây UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành công văn số 2468/UBND-NN, đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2035 đưa ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu trở thành kinh tế mũi nhọn, trở thành tỉnh có thương hiệu, uy tín trong nước và khu vực.

Trên tinh thần đó, Sở NN-PTNT với tư cách chủ trì sẽ sớm hoàn thiện, trình Bộ NN-PTNT thẩm định, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND thông qua kết quả rà soát, điều chỉnh quỹ đất lâm nghiệp gắn với điều chỉnh diện tích, ranh giới 3 loại rừng.

 

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.