| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An tập trung nâng cao giá trị vốn rừng

Thứ Năm 20/06/2019 , 07:30 (GMT+7)

Sở hữu tài nguyên rừng vượt trội nhưng lâu nay Nghệ An chưa tận dụng được lợi thế đó. Để khắc phục, nhất thiết phải thực hiện những giải pháp mang tính căn cơ...

Trồng rừng gỗ lớn

Dựa trên kế hoạch “nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng sản xuất giai đoạn 2011 - 2020” của Bộ NN-PTNT, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ 50% giá trị cây giống cho các hộ nông dân trồng rừng bằng cây gỗ lớn và cây bản địa nhằm tạo đà thúc đẩy. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển rừng kinh doanh gỗ lớn giai đoạn 2016 - 2025”, phấn đấu đạt 168.915ha, bao gồm 81.042ha khai thác và trồng lại, 75.376ha trồng mới, 12.407ha chuyển hóa.

Sở hữu tài nguyên rừng vượt trội nhưng lâu nay Nghệ An chưa tận dụng được lợi thế.

Hiện tại tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn toàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt trên 8.000ha, trong số này 1.803,6ha được trồng theo chính sách hỗ trợ, số còn lại từ vốn đầu tư của các DN và người dân.

Quá trình triển khai, bên cạnh những mặt thuận lợi nhìn chung vẫn còn tồn tại khá nhiều vấn đề (vốn ngân sách hàng năm hạn chế nên trường hợp được hỗ trợ áp dụng cho trồng rừng gỗ lớn (8 triệu đồng/ha) còn hạn chế; phần lớn chủ rừng, đặc biệt là các hộ dân miền núi không kham nổi kinh phí triển khai dài hơi; khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng; thời hạn cho vay ngắn hơn chu kỳ kinh doanh rừng…)

Xuất phát từ đòi hỏi thực tế, các chuyên gia đầu ngành nhấn mạnh, trước mắt Nghệ An cần điều chỉnh phù hợp, tăng mức hỗ trợ tối thiểu về cây giống, từ 50% lên 100%. Đồng thời phải áp dụng chính sách hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng kinh doanh gỗ lớn,vừa đảm bảo đẩy nhanh tiến độ, vừa tăng diện tích và tăng cả sản lượng.  

Đi đầu trong phong trào trồng rừng gỗ lớn phải nói đến Cty TNHH 1TV Lâm nông nghiệp Sông Hiếu. Sau khi thực hiện chuyển đổi, đơn vị này đã chủ động xây dựng và triển khai phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, tổ chức lại hình thức sản xuất. Hòa trong xu thế mới, công ty xác định trồng, kinh doanh cây nguyên liệu và rừng gỗ lớn làm tiền đề.

Năm 2001 Cty Sông Hiếu chính thức triển khai dự án trồng rừng nguyên liệu trên quy mô 5.000ha, đến nay đã nhân rộng lên 8.400ha. TGĐ Nguyễn Ngọc Hoàng nhẩm tính, nếu triển khai theo cách thức thông thường bình quân sản lượng trên mỗi ha chỉ đạt khoảng 70m3, tổng doanh thu trên dưới 80 triệu đồng, trừ chi phí liên quan (phân, giống; trồng, chăm sóc; khai thác, chế biến; tiêu thụ) chủ rừng chỉ thực nhận từ 10 - 15 triệu đồng/ha.

Trong khi đó với quy trình 8 - 12 năm, sản lượng gỗ bình quân đạt 135 - 250 m3/ha, thêm sự chủ động trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nên chi phí trồng rừng (28 triệu) và khai thác (64 triệu) được giảm thiểu xuống mức tối đa, tính chi ly mỗi chu kỳ đơn vị lãi ròng 100 - 130 triệu đồng/ha.
 

Hình thành khu lâm nghiệp công nghệ cao

Cùng với hệ thống các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, những năm qua Nghệ An đã triển khai tương đối đồng bộ quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng, đã xây dựng một số nhà máy chế biến sản phẩm gỗ có quy mô (ván MDF, ván ghép thanh, than hoạt tính, viên nén sinh học…).

Ảnh: Việt Khánh.

Năm 2018 kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm đạt 221 triệu USD. Dù vậy theo đánh giá chung, Nghệ An vẫn chưa phát huy tốt tiềm năng lợi thế về tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng, chưa khẳng định được vị trí chiến lược trong quá trình phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Để tháo gỡ nút thắt, vừa qua Nghệ An đã trình Bộ NN-PTNT xin chủ trương xây dựng Khu lâm nghiệp công nghệ cao với các hạng mục: Khu công nghiệp chế biến gỗ tập trung; Trung tâm giống cây lâm nghiệp; Chợ đầu mối về nguyên liệu gỗ.

Bàn về nội dung này, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nêu rõ: “Bộ NN-PTNT ủng hộ chủ trương thành lập khu lâm nghiệp CNN. Tuy nhiên địa phương phải xem xét, đánh giá tổng thể, nghiên cứu khi thành lập có đủ nguyên liệu để hoạt động không, các sản phẩm chủ lực của cụm công nghiệp là gì. Muốn thu hút hiệu quả DN vào đầu tư, nhất thiết phải chủ động xây dựng các cơ chế đặc thù”.

Xem thêm
Nhiều rào cản trong phát triển rừng gỗ lớn

Quảng Nam Phát triển rừng gỗ lớn giúp tăng hiệu quả kinh tế, hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này thì cần phải tháo gỡ những rào cản.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.