| Hotline: 0983.970.780

Nghề cá ở Cát Bà đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội

Thứ Bảy 01/04/2023 , 16:59 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Các hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Cát Bà đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế của huyện Cát Hải, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với người dân Cát Bà ngày 31/3/1959. Ảnh tư liệu.

Bác Hồ về thăm và nói chuyện với người dân Cát Bà ngày 31/3/1959. Ảnh tư liệu.

Cách đây 64 năm (31/3/1959), Bác Hồ về thăm làng cá Cát Bà là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, cổ vũ quân và dân thành phố Cảng hăng say làm việc, bảo vệ vững chắc một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Phát huy truyền thống vẻ vang đó, kinh tế huyện Cát Hải nói riêng và toàn TP Hải Phòng nói chung không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng nâng cao.

Hải Phòng tiếp tục nằm trong tốp đầu các tỉnh, thành phố thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các chỉ tiêu đều hoàn thành, hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra, trong đó, năm 2022, tổng giá trị sản xuất đạt lĩnh vực thủy sản ở Hải Phòng đạt trên 5.564 tỷ đồng.

Ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, có mục tiêu phát triển Hải Phòng sẽ là một trong những trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá của cả khu vực phía Bắc.

Nuôi trồng thủy sản lồng bè ở Cát Bà trước khi thực hiện chủ trương tháo dỡ, sắp xếp lại của TP Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Nuôi trồng thủy sản lồng bè ở Cát Bà trước khi thực hiện chủ trương tháo dỡ, sắp xếp lại của TP Hải Phòng. Ảnh: Đinh Mười.

Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, Cát Bà có trên 350 hòn đảo lớn nhỏ và có khoảng 29.000 ha diện tích mặt nước biển, là nơi có tiềm năng lớn để nuôi thủy sản lồng bè gắn với phát triển du lịch, bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế của ngư dân địa phương.

Xung quanh đảo Cát Bà có nhiều dãy núi, đảo nhỏ che chắn đã tạo ra các eo, vũng, vịnh ít chịu ảnh hưởng của sóng gió, địa hình đáy biển tương đối bằng phẳng, chất đáy chủ yếu là cát bùn, quanh đảo có các rạn san hô, tạo điều kiện thuận lợi cho các loài sinh vật biển cư trú, sinh sống và phát triển.

Nghề nuôi hải sản bằng lồng nổi trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải được hình thành từ những năm 1990 và liên tục phát triển. Ban đầu chỉ có 35 bè với 150 ô lồng, đến năm 2008 đã có 571 bè với 10.049 ô lồng, 400 nhân khẩu và đến trước thời điểm, có 440 cơ sở nuôi trồng thuỷ sản với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790 m2 giàn nuôi nhuyễn thể.

Các cơ sở nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu tại các vịnh Cát Bà, vịnh Lan Hạ, vịnh Bến Bèo, vịnh Trà Báu và vịnh Gia Luận để nuôi cá song, cá giò, cá vược, cá chim, cá hồng cùng các loài nhuyễn thể như tu hài, ngao hai vòi, hàu...

Nuôi trồng thủy sản ở Cát Bà đã có đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh: Đinh Mười.

Nuôi trồng thủy sản ở Cát Bà đã có đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ảnh: Đinh Mười.

Các hoạt động nuôi trồng thủy sản đã có những đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế, xã hội của huyện Cát Hải, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ngư dân trên đảo Cát Bà, hàng năm cung cấp một lượng lớn thực phẩm cho tiêu dùng của thành phố và du khách.

Để đưa thành phố Hải Phòng trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá và tìm kiếm cứu nạn khu vực phía Bắc,… như Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, Hải Phòng đã xây dựng và triển khai đề án nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà.

Mục tiêu của đề án là hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng bè tại khu vực Hòn Thoi Quýt, Ghẹ Gầm - Gia Luận và Hang Vẹm - Vụng O thuộc quần đảo Cát Bà được tổ chức, sắp xếp theo đúng các quy định của pháp luật. Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quản lý và sản xuất để bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, sẽ gắn phát triển nuôi trồng thủy sản với du lịch, bảo vệ di sản theo hướng hợp tác để nâng cao giá trị, tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân dựa trên mô hình quản lý, tổ chức, liên kết phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương và các quy định có liên quan.

Cát Bà đã có sự phát triển vượt bậc những năm gần đây. Ảnh: Võ Việt.

Cát Bà đã có sự phát triển vượt bậc những năm gần đây. Ảnh: Võ Việt.

Đồng thời sẽ chủ động được phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái và di sản. Mặt khác, cải thiện cảnh quan thiên nhiên, góp phần bảo vệ an ninh trật tự xã hội, chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế - xã hội huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng.

Đến nay, việc thực hiện đề án đang được các cơ quan chức năng và địa phương liên quan rốt ráo thực hiện. Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã chỉ đạo UBND huyện Cát Hải và các sở, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục giao khu vực biển theo đúng quy định và đề án nuôi trồng thủy sản lồng bè cho các đối tượng nuôi trồng thủy sản, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Đồng thời tổ chức nuôi trồng thủy sản theo quy định, hướng dẫn của Sở NN-PTNT và tập trung thực hiện tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà theo đúng chỉ đạo, hoàn thành trước ngày 30/6/2023.

Quay về lịch sử, cách đây 64 năm, ngày 31/3/1959, trong chuyến thăm đảo Cát Bà và Cát Hải, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian tiếp xúc, gặp gỡ với nhân dân huyện đảo.

Nghề làm mắm phát triển ở thị trấn Cát Hải. Ảnh: Võ Việt.

Nghề làm mắm phát triển ở thị trấn Cát Hải. Ảnh: Võ Việt.

Người căn dặn rằng: “Rừng là vàng, biển là bạc, rừng biển của ta do nhân dân ta làm chủ, phải ra sức khai thác, bảo vệ, phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để đời sống nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc”.

Trải qua 64 năm làm theo lời Bác dạy, huyện đảo Cát Hải đã từng ngày “thay da đổi thịt”, từ một làng cá xa xôi, nghèo nàn, lạc hậu, Cát Hải đã trở thành trung tâm du lịch – dịch vụ, cảng biển của khu vực và cả nước.

Từ chỗ nước sạch, điện lưới không có, giao thông đi lại khó khăn, người dân trên đảo phải mất hàng ngày đi tàu, thuyền mới vào được đất liền, thì hôm nay con đường xuyên đảo trải dài và cầu Đình Vũ – Cát Hải  đã được xây dựng nối liền hải đảo với đất liền và có cả cáp treo vượt biển.

Nhân dân đảo Cát Hải từ chỗ chỉ sống bằng nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản và làm muối, kinh tế khó khăn thì hôm nay diện mạo mới cho hòn đảo này là cảng cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng và một nhà máy mang thương hiệu ô tô Việt Nam đầu tiên đã hiện hữu, tạo việc làm ổn định cho nhiều con em người địa phương đồng thời trở thành động lực quan trọng cho Hải Phòng phát triển.

Theo ông Bùi Tuấn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, năm 2013 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt về danh lam thắng cảnh, năm 2020 vịnh Lan Hạ được công nhận là thành viên Hiệp hội các vịnh đẹp nhất thế giới.

Hiện nay, quần đảo Cát Bà cùng với vịnh Hạ Long đang được Thủ tướng Chính phủ đề cử UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Cát Bà đã có nhiều sản phẩm du lịch mới, độc đáo, khác biệt, chất lượng cao, hấp dẫn du khách góp phần làm mới hình ảnh, nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của du lịch Cát Bà.

Năm 2020, Cát Bà từng là điểm du lịch được người Việt Nam lựa chọn tìm kiếm nhiều nhất trên Google và năm 2022 được bình chọn trong tốp 10 điểm đến thân thiện hàng đầu Việt Nam.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.