Nói về cơ duyên gắn kết với nghề chăn nuôi thủy cầm, anh Phạm Văn Nguyên ở thôn Ngọc Lập, xã Tân Trào, Thanh Miện (Hải Dương) cho hay. Trong một lần đến hàn xì các đồ cơ khí cho Trạm Khuyến nông huyện, thấy anh làm lụng vất vả, lúc nào mồ hôi cũng vã ra như tắm, chị cán bộ ở đây đã hỏi có muốn đi học kỹ thuật nuôi gia cầm không? Sau một thoáng đắn đo, anh Nguyên liền gật đầu đồng ý. Không ngờ, đó lại là bước ngoặt giúp anh có được cuộc sống sung túc suốt 22 năm nay.
Nhiều lứa chăn nuôi lãi 2 cây vàng
Khi quyết định tham gia lớp học khuyến nông ở Hải Phòng, anh Nguyên chỉ đơn giản nghĩ, coi như đi du lịch miễn phí, vì được nhà nước hỗ trợ tiền tàu xe và nơi ăn chốn nghỉ. Nhưng tới khi được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi từng loại gia cầm, anh Nguyên đã bị cuốn hút ngay từ buổi học đầu tiên. Càng nghe càng thấy hấp dẫn, anh Nguyên càng muốn bỏ nghề hàn xì, chuyển sang nuôi gia cầm.
Mãn khóa đào tạo 10 ngày về kỹ năng chăn nuôi các loại thủy cầm, anh Nguyên liền xuống tiền mua ngay 750 ngan, vịt bố mẹ. Toàn bộ số trứng thủy cầm này đẻ ra, anh đưa hết vào ấp nở, sau xuất bán con giống cho các hộ chăn nuôi thương phẩm tại địa phương. Kết quả được lãi đậm ngay từ mấy lứa chăn nuôi khởi đầu. “Các năm 2.000 - 2002 giá vàng vào khoảng 5 triệu đồng 1 lượng, nhưng có lứa chăn nuôi, tôi lãi được 2 cây vàng 4 số 9”, anh Nguyên kể.
Phấn khởi trước thành công đổi nghề, anh Nguyên tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi lên 1.500 con, bao gồm 500 ngan, 1.000 vịt sinh sản và chừng đó giống chăn nuôi hậu bị. Đồng thời mua 2 máy ấp trứng công suất 1,8 vạn quả/mẻ, vừa khỏi phải đi thuê ấp nở, vừa tăng thêm thu nhập.
Tuy nhiên, kết quả nuôi lần này đã không còn "mỉm cười” với anh Nguyên, vì tỷ lệ hao hụt trong đàn nuôi hậu bị quá cao (gần 20%). Tìm tòi mãi vẫn không biết hao hụt do đâu, anh phải lên tận Trung tâm Nghiên cứu giống gia cầm Thụy Phương (Hà Nội), mô tả tỷ mỉ toàn bộ quá trình chăn nuôi của mình cho các chuyên gia tư vấn.
Nhờ được tư vấn từ các chuyên gia, anh đã biết thêm trong nuôi trồng nói chung, chuồng trại mới làm hoặc đất mới canh tác mấy vụ đầu thường ít nấm bệnh hại, ít thất thoát hao hụt, làm tới đâu dễ cho ăn tới đó. Nhưng sau một thời gian chăn nuôi/trồng trọt nhất định, chuồng trại và đất trồng sẽ tích tụ nhiều nấm bệnh, gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất, nhất là với những ruộng vườn, trại chăn nuôi không tiến hành vệ sinh, khử trùng sạch sẽ, triệt để.
Cùng với đó, anh Nguyên còn mắc thêm sai lầm, chọn con nuôi hậu bị từ các đàn ngan, vịt gần kề, chất lượng con giống không cao, hay bị cận huyết, giảm thể trọng, giảm khả năng đề kháng, dễ phát sinh dịch bệnh...
Thời điểm ngan, vịt dễ phát sinh dịch bệnh nhất
Kể từ lần thiệt hại đó đến nay, sau mỗi vòng đời khai thác trứng trên ngan, vịt bố mẹ, anh Nguyên bao giờ cũng đặt mua con giống từ các cơ quan nghiên cứu gia cầm. Trước khi chăn nuôi trở lại, anh đều tiến hành vệ sinh, tẩy trùng trong và ngoài gia trại cực kỳ cẩn thận, và phải cho trại nghỉ từ 1,5 - 2 tháng mới thả con giống vào chuồng để nuôi lứa mới. Kết hợp với các giải pháp nuôi theo quy trình VietGAHP, anh Nguyên đã giảm tỷ lệ hao hụt chăn nuôi xuống còn 5%, sản xuất luôn có lãi bình quân 7 - 8 triệu đồng/ngày.
Theo anh Nguyên, tỷ lệ hao hụt nuôi ngan, vịt xảy ra cao nhất vào các thời kỳ 2 ngày tuổi, chớm đẻ và khi thời tiết thay đổi. Để giảm thiểu thiệt hại, cần tiêm vacxin phòng bệnh đúng lịch thú y; cho uống thuốc phòng trước lúc trời giao mùa. Vừa nuôi ngan, vừa nuôi vịt cho thu nhập ổn định hơn, vì thường khi ngan được giá, vịt lại dễ mất giá và ngược lại. Tuy nhiên vẫn phải có trại cho nuôi ngan riêng, vịt riêng.
Anh Nguyên cho biết, mua con giống từ các cơ sở của Trung tâm Nghiên cứu giống gia cầm Thụy Phương chất lượng rất đảm bảo, nuôi mau lớn, ngan đực cho trọng lượng xuất chuồng 4,5 - 5kg/con, ngan cái từ 3,2kg/con trở lên. Với giống vịt bầu cánh trắng, anh Nguyên vẫn chọn nuôi con trống thương phẩm, xuất chuồng nhẹ nhất cũng được 3,5kg/con, con mái khoảng 2,7 - 3kg mỗi con.
Nhờ những cách chăn nuôi vừa nêu, các loại con giống ngan, vịt của anh Nguyên sản xuất đều tiêu thụ hết trong xã và địa phương lân cận như Ngô Quyên, Nhân Quyền (trong huyện), Tiền Phong, Đa Lộc, huyện Ân Thi (Hưng Yên). Cũng nhờ con giống cung ứng được cho người chăn nuôi tại chỗ, trong 2 năm 2020 và 2021 xảy ra dịch Covid-19, anh Nguyên ít bị rủi ro khó bán.
“Gia trại nhân giống thủy cầm của anh Nguyên đã góp phần thúc đẩy phong trào chăn nuôi ngan, vịt thương phẩm ở một số xã thuần nông. Quá đó, giúp ổn định đời sống cho nhiều nhà nông trong khu vực”, ông Vũ Thế Sảng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT Thanh Miện đánh giá.