Những năm gần đây, chăn nuôi vịt của tỉnh Hưng Yên đã có bước phát triển mạnh mẽ, năng suất thịt và trứng thủy cầm gia tăng khá nhanh. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận đàn vịt nuôi không đạt yêu cầu cả về chất và lượng do chưa áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Để giúp người chăn nuôi thủy cầm nâng cao hiểu biết về kỹ thuật nuôi vịt an toàn sinh học, nâng cao giá trị gia tăng, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đã xây dựng mô hình “Chăn nuôi vịt thương phẩm”.
Bà Nguyễn Thị Phương Ngoan, cán bộ khuyến nông (Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên) cho biết, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đã triển khai 4 mô hình VietGAHP trên đàn vịt thương phẩm tại các huyện Tiên Lữ, Mỹ Hào, Yên Mỹ và Ân Thi. Tống đàn vịt đưa vào chăn nuôi gồm 8.000 con. Đến nay, các mô hình đều đã xuất chuồng, thu lợi nhuận cao.
So với tiêu chuẩn chung, các đàn vịt nuôi trong mô hình đều đạt tỉ lệ sống cao hơn, tăng trọng nhanh, tiêu tốn thức ăn thấp, chất lượng thịt ngon, được thị trường ưa chuộng, thời gian chăn nuôi cũng rút ngắn hơn và cho phép quay vòng vốn đầu tư nhanh hơn.
Ông Nguyễn Văn Thịnh ở xã Hạ Lễ (huyện Ân Thi) nuôi 1.000 con vịt trong mô hình khuyến nông, sau gần 2 tháng đã có lãi trên 12 triệu đồng. Theo ông Thịnh, có nguồn lợi nhuận cao như trên là do ông được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi vịt an toàn sinh học (VietGAHP), bao gồm: Quy hoạch chuồng trại cao ráo, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, có diện tích chăn thả phù hợp với quy mô đàn vịt nuôi.
Đồng thời, phải chọn con giống khỏe, có khả năng chống chịu tốt, tăng trọng nhanh. Trước khi đưa giống vào nuôi phải vệ sinh, khử trùng chuồng trại bằng nước vôi hoặc thuốc Han iod 1% hay Biodine 0,1%. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ thức ăn, nước uống, thuốc thú y, trang thiết bị và dụng cụ chăn nuôi như máng ăn, bình uống, chất độn chuồng, đồ dùng sưởi ấm quây úm vịt con. Trong đó, thức ăn cho vịt phải đầy đủ, thơm mới, cân đối về dưỡng chất đạm, khoáng, vitamin, năng lượng và phải phù hợp với từng lứa tuổi vịt nuôi.
Phòng ngừa các dịch bệnh chính, vịt 1 ngày tuổi tiêm phòng bệnh rụt mỏ; 3 ngày tuổi phòng viêm gan virus; 7 - 10 ngày tuổi phòng dịch tả; 15 - 18 ngày tuổi phòng cúm gia cầm lần 1 (theo hướng dẫn của thú y); 28 - 46 ngày tuổi phòng tụ huyết trùng + cúm gia cầm lần 2. Trong thời gian tiêm phòng vacxin cần cho vịt uống thêm điện giải + vitamin chừng 2 - 3 ngày liên tục để nâng cao khả năng đề kháng...
Nhờ các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi nói trên, đàn vịt của ông Thịnh tăng trọng rất nhanh, ít xảy ra dịch bệnh. Các chỉ tiêu kỹ thuật lúc xuất chuồng đều vượt định mức chung như: Tỷ lệ sống đạt 96% (định mức ≥90%), tiêu tốn thức ăn tinh/kg tăng trọng 2,6kg/kg (định mức ≤ 2,7kg); trọng lượng khi xuất bán đạt 3,35kg/con (mục tiêu đặt ra 3,2kg/con).
Theo nhật ký VietGAHP của ông Hoàng Văn Mai (cùng trong mô hình), tỷ lệ hao hụt trong chăn nuôi chủ yếu ở giai đoạn vịt nhỏ, sức đề kháng thấp, mới mua về chưa quen môi trường sống. Nếu gặp thêm thời tiết nắng nóng hoặc mưa nhiều, vịt sẽ dễ bị tiêu chảy hoặc viêm đường hô hấp. Nhưng nhờ được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh kịp thời, đàn vịt của ông Mai vẫn đạt tỷ lệ sống trên 96%.
Nhờ đó, bình quân mỗi con vịt, ông Mai đã xuất bán được 151.000đ (45.000đ/kg vịt thịt). Trừ các khoản chi mua giống, thức ăn, phòng ngừa dịch bệnh, hao hụt chăn nuôi và chi khác gần 139.000đ, còn lãi được 12.100đ/con. Quy ra nuôi 1.000 vịt trong thời gian chưa đầy 2 tháng đã có thu nhập trên 12 triệu đồng. “Học hỏi được kỹ thuật VietGAHP này, từ nay tôi sẽ nuôi 4 lứa vịt/năm, mỗi lứa 2.000 con”, ông Mai phấn khích bày tỏ.
Từ thực tế đạt được tại các mô hình, ông Lương Văn Cao, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đề nghị: Sở NN-PTNT Hưng Yên tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình trong các năm tiếp theo. Đồng thời ban hành các quy định về chăn nuôi nói chung, nuôi thủy cầm nói riêng làm căn cứ để các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chỉ đạo nhà nông thực hiện. Đồng thời, tổ chức đánh giá, cấp chứng nhận VietGAHP cho nông hộ.
Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư chăn nuôi vịt gắn với bao tiêu sản phẩm. Giảm dần hình thức chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ, tăng số lượng cơ sở chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu, chế biến và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
“Hiệu quả từ các mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm sẽ góp phần đẩy nhanh thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới”, ông Nguyễn Văn Thạo nói.