| Hotline: 0983.970.780

Nghề nuôi tôm lao dốc không phanh: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Thứ Năm 13/06/2024 , 11:18 (GMT+7)

'Lên voi xuống chó' là câu nói chuẩn xác nhất về thực trạng chua chát của nghề nuôi tôm trên địa bàn Nghệ An, lúc này đây mọi thứ đã vượt ngoài tầm kiểm soát.

Nghề nuôi tôm tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp 2 Hưng Hòa đang lao dốc không phanh, không gắng gượng nổi nhiều hộ phải treo đầm. Ảnh: Ngọc Linh.

Nghề nuôi tôm tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp 2 Hưng Hòa đang lao dốc không phanh, không gắng gượng nổi nhiều hộ phải treo đầm. Ảnh: Ngọc Linh.

Thời hoàng kim con tôm luôn giữ vững thế độc tôn, khắp các vùng nuôi người người, nhà nhà ưu tiên chọn nó vì lợi ích kinh tế hoàn toàn vượt trội. Con tôm phút chốc giúp người dân đổi đời chóng vánh, đó là sự thật không thể phủ nhận. Có điều ký ức tươi đẹp đã trôi vào dĩ vãng xa xăm, nay vật đổi sao dời đẩy nghề nuôi vào cảnh bế tắc toàn tập.

Bi đát ra sao cứ nhìn vào đà trượt dốc không phanh của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp 2 Hưng Hòa (thành phố Vinh, Nghệ An) sẽ thấy. Sau 20 năm mọi thứ đã hoàn toàn đảo lộn, đến mức chính những người trong cuộc cũng không dám tin.

Còn nhớ, vào đầu những năm 2000 bà con xã viên vẫn trung thành với nghề trồng cói truyền thống, nhưng khi nhận thấy thị trường không còn “mặn mà” ban lãnh đạo Hợp tác xã Hưng Hòa 2 đã họp bàn, thống nhất xin chủ trương chuyển đổi phần nhiều diện tích sang nuôi trồng thủy sản, lấy con tôm làm đầu tàu.

Con tôm từng mang lại tiền trăm bạc tỷ dễ như bỡn cho gia đình ông Trần Huy Thao, nay chính nó là tác nhân khiến người nuôi khốn đốn. Ảnh: Ngọc Linh.

Con tôm từng mang lại tiền trăm bạc tỷ dễ như bỡn cho gia đình ông Trần Huy Thao, nay chính nó là tác nhân khiến người nuôi khốn đốn. Ảnh: Ngọc Linh.

Đành rằng nuôi tôm một vốn bốn lời nhưng chi phí dàn trải lớn, bắt buộc người dân phải tính toán chi li để dễ bề ứng phó. Ban đầu đa phần chỉ nuôi thử nghiệm trên quy mô nhỏ, qua một thời gian thấy thuận mới từng bước nâng tầm quy mô. Cần nói thêm, ngày đó dòng chảy, con nước chưa bị tác động nhiều nên các công đoạn xử lý được giảm thiểu tối đa, chi phí đầu tư trong ngưỡng cho phép, thị trường lại được giá giúp nhiều hộ kiếm tiềm trăm bạc tỷ dễ như bỡn. 

Từ 500 hộ nay khu vực HTX Hưng Hòa chỉ còn trên dưới 70 hộ bám trụ với nghề. Ảnh: Ngọc Linh.

Từ 500 hộ nay khu vực HTX Hưng Hòa chỉ còn trên dưới 70 hộ bám trụ với nghề. Ảnh: Ngọc Linh.

Chỉ việc bỏ vốn là sinh lời, chẳng mấy nghề này đã phát triển cực thịnh. Qua 3 lần chuyển đổi, diện tích nuôi tôm của HTX Hưng Hòa được nâng lên 120 ha, thu hút khoảng 500 hộ tham gia. Lúc bấy giờ không khí tựa như ngày hội, quanh năm không ngớt tiếng cười.    

Tưởng chừng con tôm sẽ bám trụ vững bền với vùng đất này, chẳng ngờ con tạo xoay vần chóng vánh, nay bi đát đến mức chính những người trong cuộc phải thốt lên đầy chua chát: “Ông trời như thể đang trêu ngươi chúng tôi, thích thì cho bằng không sẽ cướp trắng. Số hộ được có lẽ chưa đếm nổi 10 đầu ngón tay, còn lại bết bát từ đầu chí cuối, nuôi vụ nào lỗ chỏng vó vụ đó, tình trạng kéo dài mải miết đẩy số đông vào cảnh kiệt quệ”, ông Trần Huy Thao, một hộ nuôi lão luyện của đất Phong Hảo, xã Hưng Hòa nói trong buồn bã.

Nhiều vụ tôm giống không sống nổi đến cuối chu kỳ. Ảnh: Việt Khánh. 

Nhiều vụ tôm giống không sống nổi đến cuối chu kỳ. Ảnh: Việt Khánh. 

Giàu nhờ con tôm, khó cũng từ con tôm mà ra, từ chỗ tiền bạc rủng rỉnh, có của ăn của để nay phần lớn đều trắng tay, sau nữa là nợ nần chất chồng, của cải, vốn liếng, sổ đỏ như thể không cánh mà bay. Không đủ vốn quay vòng buộc nhiều hộ phải bỏ nghề, để ao đầm trống trơn. Hệ quả là diện tích giảm mạnh qua năm tháng, trong phạm vi toàn HTX Hưng Hòa chỉ sót lại chừng 30 ha với khoảng 70 gia đình còn bám trụ mà thôi. Đáng nói tình cảnh ngặt nghèo vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, ghi nhận sơ bộ từ đầu năm 2024 đến nay ước chừng 90 - 95% hộ nuôi chịu cảnh thua lỗ. Với đà này, chẳng chóng thì chày nghề nuôi tôm ven sông Lam dễ biến mất dạng.

Cá nhân ông Nguyễn Văn Hoàn, trú tại xóm Phong Yên cũng hết sức mông lung, lắm lúc tự vấn không biết còn trụ lại với nghề được bao lâu nữa. Diễn biến tình hình ngày càng tệ, năm 2023 gia đình may mắn lãi chút đỉnh, kỳ vọng đây là bàn đạp để tạo đà thăng hoa trở lại, rốt cuộc vẫn là kịch bản đầy nhàm chán:

Phó Giám đốc Đinh Quốc Trung âu lo trước thực trạng buồn của nghề nuôi tôm. Ảnh: Việt Khánh.

Phó Giám đốc Đinh Quốc Trung âu lo trước thực trạng buồn của nghề nuôi tôm. Ảnh: Việt Khánh.

“Từ đầu năm đến nay đã xuống giống 3 lần nhưng đều thất bại, cứ sau 15 – 20 ngày là tôm đổ bệnh và chết hàng loạt. Do giống hay nguồn nước cũng chẳng ai hay, người nuôi vẫn phải lọ mọ xoay xở, thiệt hại phải nai lưng gánh chịu. Tiền trong dân cạn vơi lâu rồi, năm lần bảy lượt thua lỗ thì chịu sao thấu, nhiều nhà muốn gỡ gạc nhưng chẳng còn khả năng. Sự thể đối lập hoàn toàn so với khi xuôi chèo mát mái, xưa kia ngày cũng như đêm, đông cũng như như hè chẳng lúc nào ngơi việc, máy móc, trang thiết bị trong đầm hoạt động 24/24, điện đêm sáng rực cả một vùng”, ông Hoàn bùi ngùi nhớ lại những ngày hoàng kim.

Bản thân ông Đinh Quốc Trung, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp 2 Hưng Hòa cũng thuộc diện sành sõi trong nghề, đã nếm đủ những thăng trầm nên hiểu hơn ai hết tình thực trạng buồn: “Diện tích giảm mạnh, nhiều hộ bỏ nghề một phần do chủ trương thu hồi đất của Nhà nước để phục vụ dự án trọng điểm. Ngoài ra còn muôn vàn lực cản khác, thực tế môi trường, nguồn nước đang ô nhiễm trầm trọng, thời tiết diễn biến bất thường, con giống đa phần trôi nổi, không đảm bảo, công tác quản lý, thẩm định chất lượng đầu vào gần như bỏ ngõ, trăm thứ dồn lại khiến áp lực ngày một chất chồng”.

Xem thêm
Khó khăn xử lý tàu cá vi phạm mất kết nối thiết bị VMS

Xử lý triệt để, đủ sức răn đe với các tàu cá vi phạm IUU để người dân tuân thủ, chấp hành nghiêm các quy định, từng bước gỡ 'thẻ vàng' của EC.

Lê Gia làm nhà máy thủy sản đóng hộp kết hợp tham quan trải nghiệm

Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia vừa khánh thành nhà máy sản xuất thực phẩm đóng hộp từ thủy sản, kết hợp tham quan trải nghiệm.

Khám bệnh, tặng quà cho ngư dân Tiền Giang

Chương trình thực hiện nhiều hoạt động thiết thực tại tỉnh Tiền Giang như tặng quà cho 200 ngư dân, học bổng cho 200 thiếu nhi và khám chữa bệnh miễn phí 500 người dân.

Bình luận mới nhất

Những thông tin từ bài viết này càng gợi cho những người làm thủy lợi ở ĐBSCL nhớ tới món nợ thủy lợi cho Cà Mau hơn bao giờ hết! Dự án “Hệ thống công trình phân ranh mặn, ngọt Sóc Trăng - Bạc Liêu” (giai đoạn 2009 - 2012) ra đời sau sự kiện phá đập Láng Châm mới chỉ là biện pháp đối phó tình thế (khi mà mặn đã xâm nhập vào đến Thị xã Ngã Năm). Khi phê duyệt chủ trương đầu tư Hệ thống Thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Rà soát, bổ sung quy hoạch, đề xuất các giải pháp trữ ngọt, cấp ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong điều kiện hạn hán, thích ứng với biến đổi khí hậu, sụt lún và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông ảnh hưởng đến vùng Bán đảo Cà Mau. Dự án “Cống âu thuyền Ninh Quới” là bước đột phá trung gian đầu tiên của Hệ thống, thuộc giai đoạn 2 nhưng lại được làm trước đã phát huy hiệu quả bất ngờ, tạo ra được cục diện mới, lòng tin vào cách làm mới đáp ứng thực tế đời sống và hợp với lòng dân, từng bước tháo gỡ thế bí do xung đột mặn ngọt ở 3 tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu trên bán đảo Cà Mau. Hướng chuyển nước ngọt mới bây giờ là rạch Xẻo Chít. Để nước về đến TP Cà Mau, Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 2 cần có nội dung tiếp nước cho con rạch này trong thời gian tới. (KS thủy lợi Nguyễn Anh Tuấn – Hội Khoa kọc kỹ thuật thủy lợi TP Hồ Chí Minh)
+ xem thêm