| Hotline: 0983.970.780

Rào cản bủa vây thủy sản Nghệ An: [Bài 4] Cần tạo đột phá mang tính căn cơ

Thứ Năm 18/04/2024 , 16:09 (GMT+7)

Chuyển biến trong công tác chống khai thác IUU tại Nghệ An là có nhưng chưa nhiều, một bộ phận dân biển vẫn giữ tập tục xưa cũ, họ chưa sẵn sàng hòa vào sân chơi lớn.

Sản lượng khai thác lẫn chất lượng nguồn lợi không đảm bảo là những lực cản trong công tác chống khai thác IUU tại Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh. 

Sản lượng khai thác lẫn chất lượng nguồn lợi không đảm bảo là những lực cản trong công tác chống khai thác IUU tại Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh. 

Ngư dân chưa sẵn sàng "lên chuyên"

Nghề đi biển tại xã Diễn Bích và Diễn Ngọc (huyện Diễn Châu) có từ thời xa xưa, qua nhiều thế hệ vẫn được duy trì. Trước kia ngư trường rộng mênh mông, tài nguyên dư dả nên ngư dân dùng thuyền bè cỡ nhỏ cũng đủ thu về nguồn lợi lớn. Nay gió đổi chiều, đẩy nghề đi biển vào thế khó.

Sự thể hôm nay đến từ nhiều nguyên do, bao gồm cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Trước tiên, phải thừa nhận ngư dân nơi đây “ngại” thay đổi, họ chưa sẵn sàng hòa vào sân chơi lớn, vẫn bám riết, trung thành với phương thức xưa cũ. Đành rằng có những hộ sẵn sàng "chơi tất tay", dám dốc tiền trăm bạc tỷ để nâng cấp, mua sắm thuyền to máy lớn nhưng con số trên không nhiều, ngược lại, cơ bản là tàu nhỏ dưới 15m, chuyên đánh bắt vùng lộng và gần bờ.

Đổ hết trách nhiệm cho ngư dân cũng không thỏa đáng, bởi lẽ là người trong cuộc họ hiểu rõ những góc khuất của nghề. Nguồn lợi suy giảm, ngư trường thu hẹp, sản lượng bấp bênh, cơ sở hạ tầng chưa tương xứng… đặt trong bối cảnh áp lực chất chồng, xem ra việc đắn đo là điều dễ hiểu.   

Ngư dân 2 xã Diễn Bích, Diễn Ngọc vẫn trung thành với phương tiện cỡ nhỏ, chuyên khai thác vùng lộng và gần bờ. Ảnh: Việt Khánh.

Ngư dân 2 xã Diễn Bích, Diễn Ngọc vẫn trung thành với phương tiện cỡ nhỏ, chuyên khai thác vùng lộng và gần bờ. Ảnh: Việt Khánh.

Cảng trưởng cảng Lạch Vạn, ông Ngô Xuân Thủy khẳng định, cảng cá đủ sức chứa 70 đôi tàu nhưng hiếm khi hoạt động hết công suất. Do luồng lạch bị bồi lắng nên chủ yếu phục vụ tàu thuyền loại nhỏ của 2 xã Diễn Bích và Diễn Ngọc, riêng đội tàu công suất lớn ở những vùng lân cận như Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai), Quỳnh Tiến (Quỳnh Lưu) hay của người quanh đây đều phải lựa chọn bến đỗ phù hợp hơn.

Truyền thống nối tiếp truyền thống, vùng này mỗi nhà sắm sửa tàu giã kéo, khi ra khơi thì cào bằng sạch, to nhỏ bắt hết, không trừ thứ gì, tạp nham đủ chủng loại, thành phần. Giá trị thấp thành thử lời lãi chẳng được mấy đồng. Trừ công cán thuê mướn nhân công, chi phí đầu vào, may lắm chủ tàu bỏ túi 500.000 - 1.000.000 đồng/chuyến. Ngược lại, nhiều hôm xui rủi, thua lỗ ngập mặt. 

Cảng trưởng Ngô Xuân Thủy khẳng định sản lượng đánh bắt qua cảng rất thấp. Ảnh: Việt Khánh.

Cảng trưởng Ngô Xuân Thủy khẳng định sản lượng đánh bắt qua cảng rất thấp. Ảnh: Việt Khánh.

“Tàu nhỏ thường đánh bắt trong ngày, sản lượng thu về chỉ dăm ba khay nên thời gian cập cảng rất ngắn, thông thường chỉ 15 phút rồi rời đi. Nguồn lợi suy giảm, hiệu quả khai thác không tương xứng nên chẳng mấy ai đóng mới tàu thuyền. Ngược lại, nhiều nhà bán tống bán tháo phương tiện quyết chuyển đổi nghề, tình trạng này phổ biến tại xã Diễn Bích. Để hạn chế khai thác gần bờ, qua đó góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản đòi hỏi ngư dân cần nâng cấp thuyền to máy lớn, tuy nhiên rất khó làm với tình hình hiện tại”, Cảng trưởng Ngô Xuân Thủy tâm tư.

Cập nhật số liệu qua cảng Lạch Vạn thật đáng quan ngại, cả sản lượng đánh bắt lẫn chất lượng sản phẩm đều giảm mạnh. Đỉnh điểm, trước kia mỗi ngày có hàng chục tàu thuyền ra vào, tiếng người cười nói vang khắp một vùng, nay lác đác trên dưới 20 tàu/ngày, thậm chí có lúc nằm bờ tất thảy.

Ông Cao Khắc Thượng, 57 tuổi, là chủ đôi tàu giã kéo tại xã Diễn Ngọc, một chiếc mang số hiệu NA 2562 TS, chiếc còn lại tạm thời “mất biển”. Qua hàng chục năm theo nghề, ông Thượng chua chát thừa nhận, đây là giai đoạn khốn khó bậc nhất:

“Ngày trước cá to, sản lượng nhiều nhưng nay ít hẳn, loanh quanh chỉ có tôm, ghẹ, bề bề, vài con cá đối, thi thoảng mới kéo được đôi ba con cá giá trị. Nguồn lợi trên biển suy giảm bắt buộc ngư dân phải linh hoạt ứng phó, thường ngày đánh bắt trong phạm vi 2-3 hải lý nhưng lắm hôm phải mở rộng ngư trường tít mãi khơi xa, vận dụng đủ cách là vậy cũng chẳng ăn thua.

Thu không bù nổi chi nên dân biển bỏ nghề rất nhiều, lao động khan hiếm nên chi phí thuê mướn tăng cao hơn trước, nâng lên 350.000 - 400.000 đồng/người mà lắm lúc tìm mỏi mắt không ra. Mỗi thứ một chút thành gánh nặng, tính ra mỗi chuyến phải thu về 5 triệu đồng mới đủ vốn, mang tiếng chủ tàu mà lời lãi chẳng hơn người làm”.

Mang tiếng chủ tàu nhưng thực chất mỗi chuyến vươn khơi ông Thủy chỉ lãi 500.000 - 1.000.000 đồng, chưa kể nhiều chuyến lỗ nặng. Ảnh: Việt Khánh.

Mang tiếng chủ tàu nhưng thực chất mỗi chuyến vươn khơi ông Thủy chỉ lãi 500.000 - 1.000.000 đồng, chưa kể nhiều chuyến lỗ nặng. Ảnh: Việt Khánh.

Dành trọn một đời người gắn bó với nghiệp sông nước vẫn chưa thoát khỏi nỗi lo cơm áo gạo tiền, ông Thượng hiểu đã đến lúc phải thay đổi: “Vợ chồng tôi có 2 mặt con, dù thiếu thốn vẫn gắng sức chạy vạy cho thằng đầu đi xuất khẩu lao động nhằm thoát khỏi vũng lầy, cha mẹ khổ sở một đời rồi, không thể để con cái lặp lại vòng quay luẩn quẩn này”.

Gia đình chị Cao Thị Đào, anh Trần Văn Lương, chủ tàu NA 80319 TS cũng trầy trật chẳng kém. Thật thà như đếm, chị Đào kể trước kia mỗi ngày một chuyến đều như vắt tranh, lâu nay lỗ chổng vó phải giảm thiểu tối đa thời gian bám biển, có tháng chỉ 1, 2 chuyến: “Chuyến nào đi cũng phải nợ tiền dầu, tiền đá, được thì có trả, lỗ phải dừng. Hôm nào suôn sẻ lãi dăm bảy trăm ngàn thôi, tính ra chưa đủ trả nợ lời”.

Nhìn thẳng vào thực tế để tập trung tháo gỡ

Lát cắt chân thực nêu trên là một trong số hàng loạt vấn đề nan giải của ngành thủy sản Nghệ An, đồng thời là rào cản cực lớn trong nhiệm vụ tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu trong thời gian tới.

Nói có sách, mách có chứng, sau chuyến kiểm tra trực tiếp vào tháng 1/2024, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định: “Công tác phòng, chống khai thác IUU tại Nghệ An chưa có nhiều chuyển biến tích cực”.

Đoàn kiểm tra nhận thấy số lượng tàu cá mất kết nối giám sát hành trình tương đối lớn, tình trạng này diễn ra thường xuyên nhưng chưa có hướng xử lý triệt để; việc kiểm tra, kiểm soát giám sát sản lượng tại cảng cá, bến cá bộc lộ nhiều vấn đề; sản lượng được giám sát rất thấp; chất lượng nhật ký khai thác không đảm bảo theo quy định (ghi sai, thiếu thông tin, ghi không đúng mẻ lưới…); nhiều tàu cá đánh dấu, kẻ số đăng ký không đúng…

Thủy sản Nghệ An còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn xóa 'thẻ vàng' của EC. Ảnh: Việt Khánh.

Thủy sản Nghệ An còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn xóa "thẻ vàng" của EC. Ảnh: Việt Khánh.

Trách nhiệm chính thuộc về các đơn vị liên quan, trong đó một số địa phương chưa quyết liệt, thiếu sâu sát trong quá trình thực thi. Người đứng đầu chính quyền các cấp, các sở, ngành và lực lượng chức năng tại địa phương chưa nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai theo định hướng của Trung ương, của tỉnh.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, qua đó cùng cả nước gỡ cảnh cáo “thẻ vàng” của EC, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã ven biển nêu cao trách nhiệm người đứng đầu; tập trung chỉ đạo, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm.

Nỗi lo cơm áo gạo tiền còn đeo bám, rất khó để 'lên chuyên'. Ảnh: Việt Khánh.

Nỗi lo cơm áo gạo tiền còn đeo bám, rất khó để "lên chuyên". Ảnh: Việt Khánh.

Lĩnh hội ý kiến chỉ đạo, các bên liên quan đã xắn tay vào cuộc nhưng tình hình chuyển biến chậm, nhìn chung chưa có bước đột phá. Điều này được thể hiện rõ qua Thông báo số 259/TB-ĐKT của Đoàn Kiểm tra theo Quyết định số 614/QĐ-UBND, cụ thể:

Tiến độ kiểm tra, xác minh, xử lý tàu cá vi phạm mất kết nối giám sát hành trình (GSHT) còn chậm, đặc biệt là các phương tiện vi phạm trong năm 2023. Ghi nhận đến ngày 28/3/2024 mới xử phạt được 8/253 tàu mất kết nối trên 10 ngày.

Công tác kiểm tra, giám sát tàu cá, sản lượng qua cảng có lúc chưa nghiêm túc; việc kiểm tra nhật ký khai thác chưa kỹ dẫn tới tình trạng ghi sai, ghi không đúng, thông tin không đầy đủ; công tác rà soát, thống kê, quản lý nhóm tàu cá “3 không” chưa sâu sát, chưa có phương án tối ưu nhằm khắc chế nhóm này…

Công việc chất chồng như núi nhưng thời gian lại không còn nhiều, quả thực ngành thủy sản Nghệ An đang đối mặt với bài toán khó.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.