| Hotline: 0983.970.780

Nghề 'sửa giọng' cho chiêng

Thứ Sáu 30/03/2018 , 14:30 (GMT+7)

Chiêng là một trong những báu vật, là món ăn tinh thần của người dân Tây Nguyên. Nhưng, nếu không có những nghệ nhân làm nghề chỉnh chiêng, thì những tiếng ngân dài, du dương của chiêng trở thành những âm thanh rất khó nghe. 

Chúng tôi đã gặp những nghệ nhân chỉnh chiêng ở Gia Lai để tìm hiểu về nghệ thuật chỉnh chiêng.
 

Người chỉnh chiêng giỏi nhất Gia Lai

Gặp tôi, anh bạn đồng nghiệp đang công tác ở Gia Lai, bảo: “Nghề chỉnh chiêng coi vậy chứ cực khó, ngoài kinh nghiệm đầy mình, còn phải có một năng khiếu đặc biệt nữa. Cho nên, những nghệ nhân chỉnh chiêng đã hiếm, nay càng khó hơn”.

Theo chân anh bạn, chúng tôi về làng Ngó, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai, tìm đến nhà nghệ nhân chỉnh chiêng kỳ cựu Rơ Chăm Uek.

14-19-50_nh_1
Nghệ nhân chỉnh chiêng kỳ cựu Rơ Chăm Uek

Năm nay đã 92 tuổi, ông Rơ Chăm Uek không còn nhanh nhẹn lắm, mặc dù ông còn minh mẫn và vẫn đang làm công việc chỉnh chiêng. Lúc chúng tôi đến, ông đang thu dọn những thanh sắt, dùi gỗ, đế gỗ…trong bộ vật dụng chỉnh chiêng cất vào tủ. “Đây là người chỉnh chiêng “khét tiếng” của Gia lai. Mai này, sẽ không có người thứ 2 chỉnh chiêng giỏi như ổng”, bạn tôi nói.

Già Uek bảo, ông biết đánh chiêng hồi còn bé, nhưng mãi đến năm 30 tuổi mới biết chỉnh chiêng. Trong suốt cuộc đời của mình, già tham gia chỉnh khoảng 1.000 bộ chiêng cho người dân khắp nơi. Những bộ chiêng người dân mang đến sửa chủ yếu bị nứt, móp, làm bể, dẫn đến hư tiếng. Tất cả khi được già “nắn giọng” thì thành chiêng chuẩn, âm vang rền.

“Để chỉnh được chiêng, đầu tiên phải biết đánh chiêng thành thạo. Thứ hai đôi tai phải thính để nghe được tiếng chiêng hòng nhận ra âm nào nào bị lạc mà chỉnh”, già Uek tâm sự và thú nhận: “Ở cái tuổi của tôi, đôi tai giờ không còn thính, tay bắt đầu run nên nhiều lúc chỉnh chiêng không chuẩn như hồi trẻ. Với cái đà này, khoảng một hoặc hai năm tới, tôi sẽ không thể chỉnh chiêng được nữa”, già Uek kể.

Rời nhà nghệ nhân Uek, chúng tôi tìm đến nhà ông Rơ Chăm Gúk, 46 tuổi, ở làng M’nông Yố 2, xã Ia Ka. Đây chính là một “hậu bối” có tiếng của nghệ nhân Rơ Chăm Uek. Dù tuổi đời, tuổi nghề chưa nhiều, nhưng Rơ Chăm Gúk đã bộc lộ tài năng chỉnh chiêng, được dân làng nể phục.

14-19-50_nh_2
Ông Rơ Chăm Gúk đang chỉnh chiêng

“Chiêng vốn được làm từ đồng, pha một số kim loại khác theo công thức riêng của từng vùng, từng dân tộc. Vì thế, phải biết kết cấu của từng loại chiêng, để khi nó bị móp méo hay bể thì mình chỉnh như thế nào. Chỉnh chiêng không chỉ “nắn giọng” chiêng cho hay, mà còn phục hồi âm chuẩn của những chiếc chiêng bị móp méo, bể nữa”, ông Rơ Chăm Gúk nói rồi cầm 2 chiếc chiêng đang cất giữ một góc, trong đó có 1 chiêng chuẩn và chiếc còn lại đã bị hỏng tiếng, đánh cho cho chúng tôi nghe. Khi hai tiếng chiêng vang lên, ông quay sang hỏi “có nhận ra chiếc chiêng nào bị hỏng không?”.

Chúng tôi ngần ngừ nhìn nhau, không trả lời. Ông tiếp tục cầm chiếc chiêng nhỏ bị móp 1 góc rồi huơ huơ trước mặt, nói: “Chiêng này bị móp nên đã bể tiếng, không như chiêng chuẩn”.

Tiếp đó, ông Gúk cũng lôi đồ nghề ra để “nắn giọng” cho chiêng. Ông kê chiêng hỏng lên cục gỗ và dùng thanh sắt gõ liên tục lên thành chiêng. Gõ xong, ông dùng dùi đánh chiêng để cảm nhận tiếng chiêng, rồi tiếp tục dùng thanh sắt tác động để điều chỉnh âm chiêng. Cứ như thế, ông mất 30 phút mới chỉnh chiêng thành công. Để chứng minh chiêng đã sửa xong, ông đánh thử chiếc chiêng hỏng vừa sửa thì âm thanh phát ra giống với chiêng chuẩn của nhà.

14-19-50_nh_4
Đồ nghề chỉnh chiêng của ông Rơ Chăm Gúk

Cũng theo ông Gúk, nhiều năm trước, số lượng người chỉnh chiêng ở làng rất nhiều nhưng do họ lần lượt chết nên hiện chỉ có 1 mình ông biết sửa. Hai năm nay, ông cũng đang truyền dạy sửa chiêng cho Rơ Châm Phít (47 tuổi, trú cùng làng) nhưng học trò chưa ra nghề được.
 

Nỗi lo thất truyền

Cồng chiêng vốn hình thành và phát triển gắn liền với tục thờ cúng đa thần và nền nông nghiệp nương rẫy của người dân Tây Nguyên. Nhưng giờ đây, các lễ hội truyền thống, nghi lễ đang mất dần, nhất là sự thay đổi tín ngưỡng từ đa thần sang độc thần, khiến cồng chiêng không còn được xem là vật thiêng. Nhiều làng Tây Nguyên bây giờ đã không còn nhà sàn, trang phục truyền thống, tiếng cồng chiêng lại càng hiếm hoi hơn.

Gặp chúng tôi, ông Ksor Phúc, Phó trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở VH-TT-DL Gia Lai bày tỏ tiếc nuối, lo lắng khi những bộ chiêng vô giá, cha ông từng phải đánh đổi rất nhiều trâu bò, tốn công sức gìn giữ và lưu truyền, giờ đây có nguy cơ để cho bụi phủ. “Cả tỉnh giờ chỉ còn có 6 người được công nhận nghệ nhân chỉnh chiêng. Việc học chỉnh chiêng rất khó. Lớp trẻ giờ cũng thoát ly hết, ít còn ai mặn mà học nên nghề cao quý này đứng trước nguy cơ thất truyền. Để giữ nghề “nắn giọng” cho chiêng, ngành văn hóa đang ra sức triển khai các biện pháp gìn giữ, trong đó đưa chỉnh chiêng vào trường giảng dạy”, ông Ksor Phúc nói.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Ia Ka, ông Ksor Sum, cho biết, xã có 4 người biết chỉnh chiêng, trong đó có 2 người được công nhận là nghệ nhân chỉnh chiêng.

14-19-50_nh_5
Một buổi diễn tập thử tiếng chiêng tại huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai

“Những năm trước, số lượng người biết chỉnh chiêng nhiều nhưng lần lượt họ cũng chết đi, trong khi lực lượng kế nhiệm không có nên sụt giảm dần dần. Điều khiến chúng tôi lo lắng là hiện tại những người biết chỉnh chiêng đã có tuổi, trong khi lớp trẻ không có ai đam mê và cũng không học chỉnh chiêng nên sợ khi những người biết chỉnh chiêng chết đi, địa bàn sẽ không còn ai biết chỉnh chiêng nữa, những bộ chiêng khi bị hỏng sẽ cất vào kho, không thể song hành cùng dân trong các lễ hội, ma chay, cưới hỏi. Địa phương mong muốn các cấp chính quyền, ban ngành tạo điều kiện mở các lớp dạy chỉnh chiêng cho lớp trẻ, để sau này có người tiếp nối nghề thiêng liêng, cao quý này”, ông Sum nói.

Nói về nỗi lo thất truyền nghề chỉnh chiêng, nghệ nhân Rơ Chăm Uek bảo: “Tôi đã từng xuống làng vận động lớp trẻ học chỉnh chiêng, tôi dạy miễn phí, nhưng chẳng ai chịu tham gia. Tụi trẻ bây giờ không còn thích mấy thứ này bằng máy hát, điện thoại, máy tính nữa rồi. Chỉnh chiêng không theo công thức chung nào. Mà chỉ dựa vào kinh nghiệm, năng khiếu đôi tai. Vì thế, đây là một nghề rất khó, không phải ai cũng học được. Nếu không gấp rút lo việc truyền lại nghề này, mai mốt, các nghệ nhân chết đi thì nghề chỉnh chiêng sẽ mai một mất thôi”.

“Cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng là tài sản vô giá, có tiến trình lịch sử phát triển lâu đời nhất của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên, nó có giá trị tâm linh, tinh thần rất lớn trong đời sống xã hội Tây Nguyên. Nên phải bằng mọi giá bảo tồn. Việc bảo tồn này cần phải có sự vào cuộc của nhiều cấp, ngành.

Riêng ngành văn hóa đã nhiều lần tập huấn, bồi dưỡng cho những nghệ nhân chỉnh chiêng, tổ chức nhiều cuộc thi chỉnh chiêng cho các nghệ nhân. Riêng Trường văn hóa nghệ thuật tỉnh cũng có đề tài khoa học cấp tỉnh đưa chỉnh chiêng vào nhà trường giảng dạy.

Đối với người đánh chiêng giỏi, nhà nước quan tâm, công nhận nghệ nhân. Những người được công nhận nghệ nhân thì được hỗ trợ 1 lần, cũng như được hưởng 1 số chính sách”, ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở VH-TT-DL Gia Lai.

 

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.