| Hotline: 0983.970.780

Nghêu Tiền Giang nâng tầm thương hiệu nghêu Việt Nam

Thứ Tư 15/11/2023 , 10:18 (GMT+7)

Ngày 9/11, Chi cục Thủy sản Tiền Giang cho biết, tỉnh có 350 ha diện tích nuôi nghêu của Ban quản lý cồn Bãi được Tổ chức Control Union chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC.

Nghêu Tiền Giang vừa đạt chứng nhận ASC ngày 7/11/2023. Ảnh: Minh Đảm.

Nghêu Tiền Giang vừa đạt chứng nhận ASC ngày 7/11/2023. Ảnh: Minh Đảm.

Nghêu là một trong 4 đối tượng sản phẩm thủy sản chủ lực cấp tỉnh theo Quyết định số 164/QĐ-UBND ngày 25/01/2021 của UBND tỉnh Tiền Giang và được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Úc… Phát triển nghề nuôi nghêu đã khai thác hiệu quả diện tích bãi triều ven biển và tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động.

Tiền Giang là một trong những tỉnh có nghề nghêu phát triển tại Việt Nam từ rất sớm với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 187 hộ được Nhà nước cho thuê đất để nuôi nghêu với tổng diện tích 2.320ha, riêng huyện Gò Công Đông có 182 hộ với diện tích 2.200ha, góp phần giải quyết nhiều vấn đề kinh tế - xã hội của địa phương, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Tuy có quá trình phát triển lâu dài nhưng nghề nuôi nghêu ở Gò Công Đông trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, dịch bệnh, giá cả bấp bênh thu nhập thiếu ổn định, đặc biệt trong bối cảnh “suy thoái kinh tế toàn cầu”, yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngày càng cao.

Để nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm nghêu Tiền Giang, năm 2011, UBND tỉnh đã chấp thuận cho triển khai đề tài khoa học công nghệ “Xây dựng vùng quản lý khai thác nghêu (Meretrix lyrata) tại Gò Công, Tiền Giang theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý biển (MSC - Marine Stewardship Council)”.

Đến năm 2018, ngành NN-PTNT tỉnh tiếp tục phối hợp với Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững Việt Nam (ICAFIS) triển khai thực hiện dự án “Phát triển chuỗi giá trị Ngao - Tre toàn diện, bền vững tại Việt Nam”. Tuy nhiên trong quá trình đánh giá chứng nhận vào tháng 9/2022 đã có những phát sinh không mong muốn nên việc đánh giá chứng nhận MSC cho vùng nghêu Tiền Giang buộc phải dừng lại mặc dù các hoạt động của dự án đã nhận được sự ủng hộ và sự tham gia nhiệt tình, đông đảo của tổ cộng đồng nghề nghêu thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông.

Qua đánh giá của Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, UBND huyện Gò Công Đông, OxFam và ICAFIS chứng nhận ASC là một chứng nhận nuôi thuỷ sản bền vững đã và đang được đông đảo thị trường quốc tế ưa chuộng như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản…

Ngành chức năng làm việc với Ban quản lý cồn Bãi về vùng nuôi nghêu chứng nhận ASC. Ảnh: Minh Đảm.

Ngành chức năng làm việc với Ban quản lý cồn Bãi về vùng nuôi nghêu chứng nhận ASC. Ảnh: Minh Đảm.

Bên cạnh đó, ASC cho phép phân bổ mật độ và sản lượng nuôi theo kế hoạch nên sẽ phù hợp với nghề nghêu tỉnh Tiền Giang hơn chứng nhận MSC. Vì vậy, OxFam và ICAFIS đồng ý tiếp tục hỗ trợ nghề nghêu tỉnh Tiền Giang áp dụng chứng nhận ASC để tạo cơ hội cho người sản xuất quy mô nhỏ có điều kiện tham gia hội nhập.

Từ quý 4/2022 đến nay, ngành thủy sản thế giới nói chung, ngành nghêu và thủy sản Việt Nam nói riêng đối mặt với nhiều thách thức từ ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu thị trường giảm mạnh, giá nghêu và nhiều sản phẩm thủy sản giảm sâu, yêu cầu của các nước nhập khẩu ngày càng tăng cao.

Sự kiện nghề nghêu tỉnh Tiền Giang đạt chứng nhận ASC là một niềm vui lớn cho cộng đồng ngư dân, cũng là một cú hích “phá băng” thời kỳ suy thoái, giúp nâng cao giá trị, hình ảnh và đặc biệt là “sức cạnh tranh” của sản phẩm nghêu Việt trên trường quốc tế.

Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết: Trước đây nghề nuôi nghêu rất thuận lợi, tuy nhiên những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu nên nghêu thường xảy ra dịch bệnh vào mùa nắng nóng, bà con nuôi nghêu gặp khó.

Hiện nay bà con không còn thả nuôi mật độ dày như trước, nuôi thưa để giảm dịch bệnh. Nghêu giống khi thả có kích cỡ khoảng 1.000 con/kg, nuôi 1 năm đạt kích cỡ 45-50 con/kg sẽ tiến hành thu hoạch. Năng suất khoảng 25-30 tấn/ha. Giá bán tại sân dao động bình quân khoảng 25.000 đồng/kg. Trừ các chi phí thuê sân, trông giữ, con giống… người nuôi có thể đạt lợi nhuận trên 50%. Khi con nghêu được chứng nhận ASC sẽ là giấy thông hành để tiến sang thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ… giúp nâng cao giá trị.

Lễ trao chứng nhận và ký liên kết chuỗi giá trị nghêu theo chứng nhận ASC sẽ được diễn ra vào ngày 15/11/2023 tại Trung tâm Văn hóa xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông. Được biết, Tiền Giang là tỉnh thứ 4 của cả nước sau Nam Định, Ninh Bình và Trà Vinh có đơn vị đạt được chứng nhận này. Ban quản lý cồn Bãi sẽ là đơn vị quản lý khai thác, phát huy giá trị thương hiệu con nghêu ASC. Đối với diện tích nghêu còn lại, Chi cục thủy sản Tiền Giang cho biết thêm, sẽ có kế hoạch để mở rộng diện tích đạt ASC.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển