| Hotline: 0983.970.780

Mở rộng diện tích sản xuất lúa - tôm theo chứng nhận quốc tế

Thứ Tư 25/10/2023 , 09:30 (GMT+7)

ĐBSCL mở rộng diện tích sản xuất lúa - tôm theo chứng nhận quốc tế ASC Group lên 30.000ha trong giai đoạn 2023 - 2032.

Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa - tôm có trách nhiệm tại vùng ĐBSCL lên 30.000ha trong giai đoạn 2023 - 2032. Ảnh: Trọng Linh.

Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam sẽ mở rộng diện tích sản xuất lúa - tôm có trách nhiệm tại vùng ĐBSCL lên 30.000ha trong giai đoạn 2023 - 2032. Ảnh: Trọng Linh.

UBND tỉnh Cà Mau vừa làm việc với đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF Việt Nam) và Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú (Cà Mau) liên quan đến xúc tiến dự án hỗ trợ phát triển sản xuất vùng lúa - tôm có trách nhiệm (gọi tắt là dự án). Từ thành công bước đầu, tỉnh Cà Mau tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa - tôm có trách nhiệm tại những địa phương có điều kiện phù hợp và vùng ĐBSCL lên 30.000ha trong giai đoạn từ 2023 - 2032.

Đại diện Công ty TNHH Xã hội tôm chứng nhận Minh Phú cho biết đã triển khai thí điểm dự án tại vùng lúa - tôm xã Trí Lực (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) diện tích hơn 46ha, với 17 nông hộ tham gia, có sự hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác của WWF Việt Nam và Deltares-Hà Lan.

Mô hình giúp nông dân tham gia thu lợi nhuận gấp 2,8 lần so với hộ bên ngoài. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình giúp nông dân tham gia thu lợi nhuận gấp 2,8 lần so với hộ bên ngoài. Ảnh: Trọng Linh.

Kết quả cho thấy, năng suất tôm sú đạt trên 400kg/ha; năng suất lúa đạt 4,7 tấn/ha; năng suất tôm càng xanh đạt 350kg/ha. Theo đó, lợi nhuận của nông dân tham gia dự án được cải thiện gấp 2,8 lần so với hộ bên ngoài, đặc biệt một số diện tích vùng nuôi tôm sú xen canh trên đất trồng lúa tại xã Trí Lực được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế ASC.

Từ thành công bước đầu, các đơn vị trong chuỗi dự án cho biết trong giai đoạn 2023 - 2032 sẽ triển khai mở rộng vùng nuôi lên 30.000ha tại vùng ĐBSCL. Riêng tại vùng nuôi tôm của xã Trí Lực, trong giai đoạn 2 (từ 2023 - 2024) sẽ mở rộng quy mô vùng nuôi lên 150ha. Mục tiêu lâu dài của dự án là thúc đẩy phát triển bền vững lúa - tôm. Trong đó, nâng cao năng lực, nhận thức về sản xuất có trách nhiệm và an toàn môi trường đối với các hộ dân và doanh nghiệp tham gia.

Sản phẩm từ mô hình lúa - tôm theo chứng nhận quốc tế sẽ đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Ảnh: Trọng Linh.

Sản phẩm từ mô hình lúa - tôm theo chứng nhận quốc tế sẽ đem lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Ảnh: Trọng Linh.

Thông qua thực hiện theo tiêu chuẩn ASC, nông hộ nuôi tôm đặt mục tiêu tăng năng suất tôm đạt 500 kg/ha, gấp khoảng 2 lần so với mô hình canh tác truyền thống; thu nhập tăng lên gấp 3 so với trước. Ngoài ra, mục tiêu lợi nhuận đạt ít nhất 100 triệu đồng/ha/năm và toàn bộ sản phẩm được bao tiêu đầu ra với giá tăng thêm khoảng 5.000 đồng/kg.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử khẳng định, tỉnh cũng như người dân tham gia sản xuất mô hình lúa - tôm ủng hộ và sẽ tích cực lan tỏa chuỗi dự án theo tiêu chuẩn quốc tế ASC trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy nghề nuôi tôm bền vững.

Tuy nhiên, ngoài vùng nuôi ở huyện Thới Bình, ông Sử mong muốn dự án sẽ triển khai thêm ở những vùng lúa - tôm tại các địa phương khác có điều kiện thích hợp. Song hành đó, cần nghiên cứu tính khả thi việc giúp người dân tiếp cận nguồn vay thông qua doanh nghiệp, cải thiện hạ tầng phục vụ sản xuất.

Mô hình lúa - tôm tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình (Cà Mau) đạt chứng nhận ASC Group đầu tiên tại Việt Nam, cũng là chứng nhận đầu tiên của thế giới. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình lúa - tôm tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình (Cà Mau) đạt chứng nhận ASC Group đầu tiên tại Việt Nam, cũng là chứng nhận đầu tiên của thế giới. Ảnh: Trọng Linh.

Trước đó vào tháng 10/2022, tổ chức chứng nhận quốc tế toàn cầu độc lập trong quản lý và giám sát hàng hóa (Control Union) đã trao Chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế ASC Group cho một phần diện tích tôm sú được nuôi xen canh trên đất trồng lúa tại vùng chuyên canh lúa - tôm của huyện Thới Bình. Đây cũng là diện tích nuôi tôm sú trên đất lúa đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế ASC Group đầu tiên tại Việt Nam, cũng là chứng nhận đầu tiên của thế giới.

Khi đạt được chứng nhận ASC Group, sản phẩm tôm sú Cà Mau sẽ đến được hầu hết thị trường khó tính trên thế giới, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa và thu nhập bền vững cho nông dân.

Ngành tôm Cà Mau chiếm 80% trong tổng giá trị sản xuất, và chiếm 49% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh này, với diện tích khoảng 280.000ha nuôi tôm, trong đó diện tích vùng lúa - tôm khoảng 38.000ha. Ngành chức năng Cà Mau phấn đấu đến năm 2030 sẽ xây dựng được 100% diện tích lúa - tôm đạt được một trong các chứng nhận quốc tế về hữu cơ, sinh thái, ASC…

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.