| Hotline: 0983.970.780

Nghị định quản lý phân bón mới: Nhiều điều khoản khiến doanh nghiệp...'tắc thở'!

Thứ Hai 09/10/2017 , 13:15 (GMT+7)

Việc tăng GDP quý 3/2017 lên 7,46% được lý giải là hiệu ứng bước đầu của việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, là tạo ra khuôn khổ thể chế để từng người dân và doanh nghiệp dễ dàng làm ăn, tự do kinh doanh, nhưng Nghị định 108/2017 về quản lý phân bón, dường như đang... đi ngược lại!

Muốn khởi nghiệp phải... 3 năm

Đây là lần thứ 2 ngành nông nghiệp được đón nhận một văn bản luật không cần văn bản hướng dẫn, lần thứ 1 là vào năm 1981 khi đón nhận Chỉ thị 100 (còn gọi là Khoán 100) và lần này là Nghị định 108/2017 về quản lý phân bón ngày 20/9/2017 “có hiệu lực thi hành từ ngày ký ban hành”.

phn181358201
SX-KD phân bón đang bị "bó chặt" bởi nghị định mới

Không thể nhớ hết các nghị định, thông tư, thông tư sửa đổi đã được ban hành từ ngày đổi mới năm 1986 đến nay về quản lý phân bón nhưng điều chắc chắn rằng nghị định có độ dài hơn 105 trang A4 lần này là nghị định chặt chẽ nhất, toàn diện nhất. Điều toát lên rõ nhất “ý tại ngôn ngoại” của 49 điều và 5 phụ lục của nghị định là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ trong lĩnh vực phân bón dần dần phải “bỏ cuộc chơi” vì quá nhiều cửa ải mà chỉ có các doanh nghiệp lớn có trang thiết bị hiện đại, có tiềm lực tài chính hùng mạnh mới có thể vượt qua “vũ môn”.

Mục 2 Điều 13 quy định các loại phân bón không phải khảo nghiệm chỉ có phân đơn, phân phức hợp, phân hữu cơ (loại a – thành phần chất chính chỉ có hữu cơ và các dinh dưỡng có nguồn gốc nguyên liệu hữu cơ), phân hữu cơ truyền thống, ngoài 4 loại trên thì tất tần tật đều phải khảo nghiệm mới, ngay cả các loại phân bón NPK xưa như trái đất và được làm mới bằng công nghệ hơi nước.

Mù mờ về phân cấp quản lý

Trước Nghị định 108/2017, việc quản lý phân bón có nhiều chồng chéo giữa thanh tra ngành nông nghiệp với quản lý thị trường và UBND các huyện và ai cũng có quyền lực, cũng có quyền lấy mẫu, phân tích và… phạt (dù chỉ là tham mưu). Thi hành nghị định này việc chồng chéo lại tiếp diễn. Khoản 3, điều 42 ghi “Bộ Công thương chỉ đạo các cơ quan quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong hoạt động buôn bán phân bón”; Khoản 7 ghi UBND cấp tỉnh “chỉ đạo cơ quan chuyên môn, cơ quan chức năng, nhiệm vụ trong kiểm tra, kiểm soát chất lượng phân bón… thanh kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất” – nghĩa là... vẫn như cũ.

Tuy rằng Nghị định có điều 47 quy định chuyển tiếp gồm 13 khoản cho phép sản xuất lưu thông tiếp từ 12 tháng đến 5 năm (tùy loại) nhưng việc khảo nghiệm lại là cả vấn đề. Hiện chưa biết giá biểu chi phí nhưng việc khảo nghiệm lại các bộ sản phẩm hàng mấy trăm sản phẩm của các công ty như Bình Điền, Phân bón miền Nam, Tiến Nông, Lâm Thao… cũng sẽ là một khoản khổng lồ.

Cũng theo nghị định mới thì những ai có ý định Start-up (khởi nghiệp) từ phân bón, hoặc nhập khẩu phân bón mới không hề dễ,  ngược lại quá khó, chỉ riêng khảo nghiệm diện hẹp, diện rộng mất 2 năm và 1 năm hoàn thành các thủ tục thành lập doanh nghiệp như “chạy” quy hoạch ngành, giấy phép, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy, trang thiết bị, phân tích thí nghiệm…
 

Nơi sản xuất giấy phép con

Trước 27/11/2013 việc quản lý phân bón theo danh mục của Bộ NN-PTNT, sau đấy Nghị định 202/2013 đã đạt được bước tiến bộ quan trọng là bỏ danh mục thay bằng giấy chứng nhận trên cơ sở hợp quy của các sở NN-PTNT.

Nay cũng là giấy chứng nhận nhưng lại được gom về Cục BVTV bao gồm quản lý đăng ký, khảo nghiệm, sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu, quản lý chất lượng, ghi nhãn, quảng cáo (khoản C điều 42). Như vậy giấy chứng nhận của Cục BVTV hiện nay còn to hơn, khó hơn nhiều so với danh mục xưa của Cục Trồng trọt.

Hiện đã có rất, rất nhiều sản phẩm phân bón do Bộ NN-PTNT quản lý lại chuẩn bị tiếp nhận thêm khoảng 15.000 sản phẩm từ Bộ Công thương chuyển qua, không hiểu Cục BVTV đánh vật như thế nào với kho dữ liệu đồ sộ đó và người nông dân, người quản lý phân bón ở các ban ngành địa phương cũng sẽ lạc vào mê cung trận nếu không có một App và điện thoại thông minh.

Có người nại ra rằng do VN chưa có tiêu chuẩn phân bón nên tạm thời quản lý bằng giấy chứng nhận. Tuy nhiên ai cũng biết rằng cái gọi là tiêu chuẩn phân bón ấy chẳng có gì là cao siêu, nếu Chính phủ muốn thì chỉ trong 1 ngày các chuyên gia sẽ biên soạn xong.

Không thể nhớ hết các nghị định, thông tư, thông tư sửa đổi đã được ban hành từ ngày đổi mới năm 1986 đến nay về quản lý phân bón (Ảnh minh họa)

Các doanh nghiệp đề nghị làm rõ thêm 3 điểm:

Ứng xử thế nào với những sản phẩm chuẩn bị hết hạn giấy chứng nhận hợp quy?

Ứng xử thế nào với những sản phẩm mà tiêu chuẩn có độ vênh giữa nghị định mới và cũ (hàm lượng axit humic, axit fulvic, các nguyên tố trung lượng, vi lượng, trong một số loại phân bón)?

Tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là thương hiệu gắn với sản phẩm cụ thể. Làm thế nào để giữ được tên, nhận dạng sản phẩm như cũ?

 

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Cargill tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ngành chăn nuôi Việt Nam

Gần 30 năm gắn bó với Việt Nam, Cargill luôn khẳng định vị thế dẫn đầu về dinh dưỡng và sức khỏe vật nuôi...