| Hotline: 0983.970.780

Quản lý thuốc BVTV - nhìn từ cơ sở

Nghi vấn tiêu cực quanh chuyện lập “hàng rào” ở Hà Nam

Thứ Hai 10/03/2014 , 09:26 (GMT+7)

Hầu hết đại lý kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh Hà Nam đều khẳng định: Việc ban hành "Bộ thuốc hướng dẫn..." của Chi cục BVTV tỉnh là tiêu cực.

Trước thực trạng bát nháo của thị trường thuốc BVTV và công tác quản lý còn nhiều vấn đề bất cập, Chi cục BVTV tỉnh Hà Nam đã lập ra các danh sách “Hướng dẫn của Chi cục BVTV Hà Nam bộ thuốc sử dụng...". Nó giống như một "hàng rào" của tỉnh, về hình thức thì có vẻ vì quyền lợi người dân, nhưng thực tế có quá nhiều kẽ hở, dễ nả̉y sinh tiêu cực.

Vừa đá bóng vừa thổi còi

Trước hết xin được nói rằng Hà Nam gần như là tỉnh duy nhất bày ra danh mục Bộ thuốc hướng dẫn cho nông dân trong vòng hơn chục năm qua. Hàng năm, cứ đầu vụ Chi cục BVTV tỉnh ban hành "Bộ thuốc hướng dẫn", họp tất cả các trạm BVTV, đại lý, HTX trên địa bàn tỉnh để phổ biến.

Ông Bạch Văn Huy, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh này giải thích với lý do hết sức tích cực: Tôi làm Chi cục trưởng 11 năm, Bộ thuốc cũng được ban hành 10 năm rồi. Lý do là vì thông tin về thuốc BVTV hiện nay nhiễu quá, cần phải có một Bộ thuốc của tỉnh để hướng dẫn cho bà con nông dân. Tất cả các loại thuốc có trong danh mục của Cục BVTV chúng tôi không cấm, nhưng chúng tôi có quyền khuyến cáo sử dụng những loại thuốc đã được Chi cục xác nhận có hiệu quả.

Cũng theo ông Huy, tất cả các công ty kinh doanh thuốc BVTV, muốn đưa sản phẩm của mình vào Bộ thuốc của tỉnh phải trình diễn thử và thông qua Phòng kỹ thuật của Chi cục kiểm tra trước khi Chi cục trưởng phê duyệt. Thông thường, mỗi một năm Chi cục ban hành 2 Bộ thuốc cho hai vụ để khuyến cáo trong cuộc họp giao ban đầu năm. Tại cuộc họp này, tất cả các đại lý, HTX đều phải mua Bộ thuốc hướng dẫn với giá từ 200 - 500 ngàn đồng.

16-08-26_anh1
Bộ hướng dẫn thuốc BVTV của Chi cục BVTV tỉnh Hà Nam

Để củng cố thông tin, PV NNVN đã thực hiện một cuộc điều tra với nhiều đại lý kinh doanh thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Tất cả họ đều khẳng định: Việc ban hành Bộ thuốc hướng dẫn của Chi cục BVTV tỉnh Hà Nam là tiêu cực.

Bà H, nguyên Trạm trưởng Trạm BVTV một huyện, hiện đang làm chủ một đại lý kinh doanh thuốc BVTV khá uy tín, khẳng định: Bộ thuốc không hề khách quan. Nhiều công ty lớn, sản phẩm có chất lượng không vào được vì thiếu tiền bôi trơn. Trong khi đó các công ty thương mại không có tiếng tăm gì thì sản phẩm vào ầm ầm.

Bà này lấy ví dụ các sản phẩm của Cty Việt Thắng. Nhiều sản phẩm làm nhái, có độ độc cao nhưng chính công ty này lại chiếm số lượng khá lớn trong bộ thuốc của Chi cục. “Tôi nghe người ta nói lãnh đạo Chi cục có chân hưởng hoa hồng của Việt Thắng nên đi đâu cũng khuyến cáo sử dụng sản phẩm thuốc BVTV Việt Thắng, từ các cuộc họp cho đến các văn bản chỉ đạo”, bà H nói.

Một chủ đại lý khác tên N ở Đồng Văn bức xúc: “Ông nào nhiều tiền thì được đưa vào khuyến cáo".

Ông N dùng cụm từ “bọn trẻ con” để gọi các đại lý kinh doanh thuốc BVTV nhỏ lẻ. Theo ông, trong các cuộc họp đầu năm do Chi cục trưởng Chi cục BVTV chủ trì, “bọn trẻ con” được mời tất. Ngoài chuyện phải “mua tài liệu giá cao”, chủ các đại lý còn phải nghe răm rắp hướng dẫn trong Bộ thuốc.

“Bọn trẻ con nghe lãnh đạo Chi cục đe bán thuốc thì bố thằng nào cũng phải nghe, phải bán thuốc theo khuyến cáo. Tôi nói thật, nếu có tâm với nông dân thì không nên làm như thế. Cái người nông dân cần nhất là chất lượng thuốc. Các đại lý lái thế nào họ nghe như vậy chứ ít người thông thái để lựa chọn. Với lại, tâm lý nhà nông, thuốc phun càng chết nhiều càng tốt chứ không quan tâm đến độc hại. Thành thử họ bị đại lý lèo lái lung tung. Kết hợp với ông quản lý nhà nước không sạch nữa thì nguy. Chi cục phải là trọng tài, cầm còi để bảo vệ người dân, đằng này ông cũng đá bóng luôn thì hỏng”, ông N phân tích.

Một ông chủ đại lý khác còn nói trắng phớ rằng: Bọn làm thị trường ở các công ty thương mại toàn bạn của anh. Chúng nó chỉ việc chi tiền rồi đi chơi. Việc bán hàng đã có Chi cục BVTV bán hộ. Ví dụ như hàng của Cty Việt Thắng, dù không muốn nhưng anh vẫn phải bán một nửa số lượng của cả đại lý này. Chi cục trưởng lệnh là các trạm, các đại lý phải nghe. Nghe chúng nó nói có công ty “thuê bao” gói 70 triệu. Vì vậy trong Bộ thuốc cũng là hàng Việt Thắng đầu tiên. Các cuộc họp phổ biến đầu năm bao giờ Cty Việt Thắng cũng được chọn để giới thiệu sản phẩm, tài trợ...

Tất nhiên, lãnh đạo Chi cục BVTV Hà Nam bác bỏ một số thông tin tiêu cực trong dư luận về công tác quản lý thuốc BVTV ở tỉnh này. Nhưng ông Huy cũng thừa nhận rằng, việc tổ chức họp đầu năm, thu tiền tài liệu và xin các đại lý hỗ trợ tiền đi nghỉ mát là có. “Số tiền 200 - 500 ngàn không phải đóng mà thuê hội trường, giáo viên, chi phí chung. Chi cục thu về để chi phí. Còn việc người ta đóng góp cho hoạt động của Chi cục là tự nguyện. Thỉnh thoảng cán bộ Chi cục đi tham quan, nghỉ mát kêu gọi các đại lý hỗ trợ thêm cũng là bình thường”, ông Huy giải thích.

16-08-26_anh2
Ông Bạch Văn Huy

Ông Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nam cũng đánh giá thuốc BVTV của Cty Việt Thắng chỉ trên mức trung bình, hầu hết nguyên liệu nhập về từ Trung Quốc nhưng đổi lại sản phẩm của công ty này rẻ nên mới được chọn nhiều như thế.

Chúng tôi đã khảo sát ý kiến của một số nông dân, các HTX, đại lý bán lẻ thì sản phẩm của Cty Việt Thắng so với các thuốc khác chỉ có chất lượng trung bình trở lại. Nhưng với bất kỳ đối tượng sâu bệnh nào, dù là sâu hại, hay bệnh hại, trong Bộ thuốc sử dụng của Hà Nam cũng đều có sản phẩm của Cty Việt Thắng. Trong đó điển hình như trong bộ thuốc trừ cỏ được khuyến cáo có 2 sản phẩm Việt Thắng, trừ lem lép hạt 2 sản phẩm, trừ rầy nâu 4 sản phẩm, trừ cuốn lá 5 sản phẩm, phân bón lá 3 sản phẩm.

Theo các đại lý, ở Hà Nam, Cty Việt Thắng chỉ cần lo sản xuất và chuyển hàng mà không cần phải phát triển thị trường, bởi dù nó có là sản phẩm gì đi chăng nữa thì cũng nghiễm nhiên nằm trong danh mục chỉ đạo của Chi cục BVTV Hà Nam. Chi cục không chỉ giúp công ty trong việc ra các thông báo chỉ đạo cho các xã, các huyện tuyên truyền nông dân sử dụng sản phẩm của Việt Thắng mà còn rất tích cực trong việc hỏi han một số đại lý xem họ đã bán sản phẩm của Việt Thắng hay chưa?

Tiếp tay cho các loại thuốc cực độc

Nhìn vào danh mục mà Chi cục BVTV tỉnh Hà Nam ban hành đúng là có nhiều kẽ hở. Chi cục trưởng Bạch Văn Huy khẳng định các loại thuốc được đưa vào Bộ hướng dẫn này được ưu tiên các sản phẩm bảo vệ môi trường, độ độc từ nhóm III đến nhóm IV. Nhưng thực tế trái ngược hoàn toàn. Rất nhiều sản phẩm cực độc vẫn lọt vào danh sách của Chi cục khuyến cáo nông dân.

Vụ mùa 2013, Chi cục BVTV Hà Nam đưa ra bộ thuốc sử dụng trên cây lúa bao gồm 107 sản phẩm. Chúng tôi đã tìm hiểu và phát hiện những sự thật kinh hoàng. Trong danh mục này chỉ có 7 sản phẩm là các loại thuốc sinh học (6,5%), còn lại là các sản phẩm thuốc hóa học.

Ông Huy khẳng định "ưu tiên môi trường", nhưng nếu chỉ xem qua danh mục nhóm 23 sản phẩm thuốc BVTV trừ sâu cuốn lá thì có tới 16 sản phẩm có hoạt chất thuộc nhóm độc II, vạch vàng, tỉ lệ thuốc trừ sâu cuốn lá có nhóm độc II lên tới 70%. Tương tự trong danh mục thuốc trừ sâu đục thân, các thuốc thuộc nhóm độc II lên tới 78%. Trong danh mục thuốc trừ rầy nâu, các thuốc thuộc nhóm độc II chiếm tỉ lệ 74%...

Chủ một đại lý kinh doanh thuốc BVTV ở Hà Nam tâm sự rằng: Đầu năm Chi cục triệu tập HTX, Trạm BVTV và các đại lý đi họp thông báo tình hình nhưng thực chất là bán tài liệu. Lãnh đạo Chi cục nói: Kinh doanh cả một năm rồi, thôi thì tạo điều kiện mua bộ hồ sơ giá cao một chút.

Mặc dù rầy nâu tại các tỉnh miền Bắc thường xuất hiện vào giai đoạn sau trỗ và theo như quy định hầu hết các tỉnh đều đang khuyến cáo nông dân không sử dụng các thuốc trừ sâu rầy có hoạt chất Acetamiprid, vì các thuốc này nằm trong nhóm để lại dư lượng thuốc lâu nhất trong nông sản sau khi phun. Tuy nhiên trong Bộ thuốc trừ rầy mà Chi cục BVTV Hà Nam khuyến cáo, có tới 22% các thuốc có hoạt chất này, mà không có bất kỳ một khuyến cáo nào đi kèm.

Mặt khác, chúng tôi được biết, tại Việt Nam, các thuốc BVTV có 3 hoạt chất đã bị cấm đăng ký từ khá lâu, tuy vậy trong bộ thuốc khuyến cáo của Hà Nam vụ mùa 2013 vẫn đưa vào. Điển hình như sản phẩm Actaone 800WP (hoạt chất Buprofezin + Imydacloprid + Thiosultap-soidium), sản phẩm PN-Balacide 22WP, 32WP (hoạt chất Streptomycin sulfate + Zinc sulfate + Copper oxy chloride).

Theo như ý kiến của các đại lý thì bộ thuốc sử dụng trên cây lúa do Chi cục BVTV Hà Nam khuyến cáo là một trong những bằng chứng cho thấy thị trường thuốc BVTV đang cực kỳ bát nháo.

Cụ thể trong danh mục thuốc BVTV của Hà Nam có rất nhiều các sản phẩm có mẫu mã, bao bì, tên thuốc nhái theo gần giống với các sản phẩm thuốc uy tín, được nông dân tin dùng trên thị trường. Ví dụ trên thị trường rất nhiều nông dân biết đến thuốc Regent 800WG thì danh mục thuốc của Hà Nam có Legend 800WG, Regal 800WG, Reagt 800WG, Reasgant 1.8EC, 3.6 EC...

Trên thị trường nhiều nông dân biết đến thuốc Actara 25WG thì trong danh mục thuốc của Hà Nam có Amira 25WG, Anfara 250WDG, Actaone 800W. Trên thị trường nhiều nông dân biết đến Tilt super 300EC thì danh mục thuốc của Hà Nam có Tilrral super 300EC, TilJapan super 300EC, TilEuro super 300EC, Cure supe 300EC… Nếu để các thuốc cùng nhau so sánh còn có thể nhầm lẫn, thì với cảnh mua bán bát nháo ở các cửa hàng, làm sao nông dân có thể phân biệt được đâu là loại thuốc mình muốn mua.

Tương tự là Bộ thuốc vụ đông xuân 2013. Trên các loại rau thập tự như bắp cải, su hào, sup lơ, cải…, những loại hạn chế thuốc BVTV độc hại nhưng Chi cục BVTV Hà Nam đưa vào khuyến cáo nhiều loại thuốc hóa học có độ độc nhóm II như DyLan 2 EC, Tasieu 5 WDG, Reasgant 1,8 EC… Đặc biệt, trong bộ thuốc này có tới hơn 40 sản phẩm của Cty Việt Thắng.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Diễn đàn kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao

PHÚ THỌ Diễn đàn phổ biến bộ giống chè chất lượng cao và yêu cầu của thị trường trọng điểm, hướng tới mục tiêu chuyển đổi 70% diện tích sang các giống chè mới vào năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.