Những ngày qua, ở Thái Bình, không chỉ giá thực phẩm như thịt, tôm, cua cá... tăng giá, mặt hàng rau cũng có biên độ giá tăng mạnh. Những tưởng tín hiệu này mang lại niềm vui cho người nông dân sản xuất; nhưng sự thật họ đang lỗ dài.
Những ngày này, đi đến đâu nhất là tại các chợ từ thành thị tới nông thôn của tỉnh Thái Bình đều nghe người dân than phiền về giá cả thị trường tăng với tốc độ phi mã. Thịt, cá, tôm, cua..., tất tật đều đồng loạt bảo nhau tăng giá. Nhưng có lẽ, rau là mặt hàng bán chạy và tăng giá cao nhất.
Một bó rau muống, hay rau cải, rau ngót tăng từ 1.000 đ/bó lên 2.000 đ, thậm chí 3.000 đ/1 bó. Bà Nguyễn Thị Hoa - một người dân đi chợ chia sẻ: “Bây giờ cái gì cũng tăng giá. Ngoài thịt, cá, rau là tăng mạnh nhất nên gia đình tôi phải cắt bớt chi tiêu, giảm cả khẩu phần thực phẩm”.
Giá rau tăng cao tới 200 - 300% như vậy, cứ nghĩ là niềm vui lớn với người nông dân sản xuất. Nhưng khi tìm về những địa phương có truyền thống thâm canh và có nhiều diện tích rau màu như: Hồng Phong, Bách Thuận, Trung An, Hồng Lý... của huyện Vũ Thư tìm hiểu mới biết: Bà con đang ngao ngán vì lỗ dài và sản xuất vất vả gấp mấy lần so với trước.
Nhà ông Mai Văn Yên, ở thôn An Lộc, xã Trung An có gần 5 sào chuyên trồng rau màu. Nếu như trước khi chưa có cơn bão về giá rau, mỗi lứa rau gia đình ông cũng có thu nhập từ 2,5 đến 3 triệu đồng/sào. Nhưng nay, mỗi sào ông chỉ thu được 1/5 giá trị đó.
“Bình thường mỗi luống rau nhà tôi thu hoạch được khoảng 70kg, nhưng nay chỉ được 10kg thôi vì rau chết nhiều. Nhiều nhà còn mất trắng vì thời tiết mưa kéo dài và nắng đan xen vừa qua”- ông Yên nói.
Đang làm đất trồng lứa rau mới, bà Hoàng Thị Quân thôn An Lộc, xã Trung An cho biết, đây là lần thứ 3 gia đình bà trồng lại chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng. Dù biết giá rau trên thị trường tăng mạnh nhưng cũng chẳng làm bà vui. Bà Quân nói: “Rau chết hàng loạt, gieo trồng lại cũng không được vì mưa. Thêm vào đó giá phân bón, giống tăng cao. Người trồng rau như chúng tôi năm nay hòa là may mắn, không thì lỗ vốn”.
Một số loại rau như mùi, thì là, rau diếp, xà lách và cải các loại có thời vụ khoảng 35 ngày/lứa. Đây là những loại rau màu không chịu được ngập úng. Và thời tiết sau mưa to có nắng, nhiệt độ cao sẽ làm rau héo lá, thối rễ và chết. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc thâm canh của nông dân gặp rất nhiều khó khăn thời gian qua, kéo theo nguồn cung cho thị trường sụt giảm.
Ngoài bất thuận về thời tiết, hệ thống thủy lợi của nhiều địa phương còn hạn chế trong việc tưới và tiêu phục vụ sản xuất cho vùng rau màu. Mặc dù các địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tái sản xuất sau mỗi đợt mưa làm thiệt hại, nhưng việc thâm canh của bà con vẫn gặp nhiều trắc trở.
Vất vả là vậy, giá rau tăng cao là vậy nhưng với nông dân trồng rau, hòa vốn vào thời điểm này đã là quý, phần lớn bà con chẳng những không có đồng công lao động mà còn đang lỗ dài vì trồng rau.
Ông Phạm Văn Thừ - Chủ nhiệm HTX DVNN xã Trung An cho hay: “Với thời tiết cực đoan như vụ này, không những lúa giảm năng suất mà rau màu cũng thất thu tới 70% giá trị. Chúng tôi đang tích cực vận động xã viên tiếp tục đầu tư vốn trồng lứa mới, chỉ đạo lực lượng nông giang tích cực kiểm tra đồng ruộng, tổ chức điều tiết nước hợp lý không để hạn hán hay ngập úng xảy ra. Hướng dẫn bà con che phủ bảo vệ rau khi có mưa nắng đan xen”.
Giá rau tăng mạnh nhưng nông dân vẫn lỗ dài là một thực tế trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Đã đến lúc, việc đầu tư cho hệ thống thủy lợi một cách đồng bộ đáp ứng nhu cầu thâm canh và nông dân cần áp dụng những kỹ thuật tiến bộ trong sản xuất là điều cần thiết. Có như vậy, nông dân mới tránh bị thua lỗ, đảm bảo giá cả thị trường ổn định, tránh biến động mạnh như hiện nay. |