| Hotline: 0983.970.780

Nghiên cứu khoa học đóng góp lớn trong phòng trị bệnh vật nuôi

Thứ Tư 31/05/2023 , 08:31 (GMT+7)

Sự phát triển của ngành thú y gắn kết chặt chẽ với công tác nghiên cứu khoa học ở ĐBSCL, đóng góp to lớn vào việc phòng và trị các bệnh ở vật nuôi.

Sự phát triển của ngành thú y gắn kết chặt chẽ với công tác nghiên cứu khoa học. Ảnh: Kim Anh.

Sự phát triển của ngành thú y gắn kết chặt chẽ với công tác nghiên cứu khoa học. Ảnh: Kim Anh.

Những năm gần đây, lĩnh vực thú y vùng ĐBSCL có sự phát triển vượt bậc và ngày càng được quan tâm. Sự phát triển của ngành thú y có sự gắn kết chặt chẽ với công tác nghiên cứu khoa học, đóng góp to lớn vào việc phòng và trị các bệnh ở vật nuôi. Nhất là trong bối cảnh các dịch bệnh nguy hiểm lây lan nhanh giữa các quốc gia thông qua con đường nhập lậu động vật qua biên giới, nguy cơ lây lan sang người.

Nhiều đề tài nghiên cứu về thực trạng dịch bệnh trên gia súc gia cầm và biện pháp phòng chống bệnh có hiệu quả, do các chuyên gia Đại học Cần Thơ thực hiện đã góp phần giải quyết những vấn đề lớn cho ngành chăn nuôi vùng ĐBSCL.

Điển hình, đề tài nghiên cứu tình hình bệnh viêm da nổi cục trên bò tại tỉnh Tiền Giang. Đề tài đặc điểm dịch tễ và di truyền của virus gây bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò tại tỉnh Bến Tre. Đề tài khảo sát tỷ lệ bệnh tiêu chảy cấp trên các đàn heo tại một số tỉnh ĐBSCL giai đoạn 2015 - 2028…

Đây là những công trình nghiên cứu gắn với thực tế tình hình chăn nuôi tại các địa phương trong vùng. Từ đó giúp các địa phương chủ động xây dựng quy trình phòng, trị bệnh với các loại vắc xin, hóa chất. Đồng thời chủ động ứng dụng công nghệ sinh học trong xác định các dòng vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh biến chủng ở ĐBSCL.

Sóc Trăng là một trong những địa phương chăn nuôi bò quy mô lớn ở ĐBSCL. Những năm gần đây, tình hình bệnh lở mồm long móng diễn biến phức tạp, mặc dù địa phương đã có chiến lược tiêm phòng vắc xin phòng bệnh.

Đề tài nghiên cứu khoa học 'Khảo sát tình hình và yếu tố nguy cơ bệnh lở mồm long móng trên bò tại tỉnh Sóc Trăng', giúp tìm ra phương án quản lý và kiểm soát bệnh hiệu quả. Ảnh: Kim Anh.

Đề tài nghiên cứu khoa học “Khảo sát tình hình và yếu tố nguy cơ bệnh lở mồm long móng trên bò tại tỉnh Sóc Trăng”, giúp tìm ra phương án quản lý và kiểm soát bệnh hiệu quả. Ảnh: Kim Anh.

Nhằm nghiên cứu về loại bệnh này để tìm ra phương án quản lý và kiểm soát bệnh hiệu quả hơn tại Sóc Trăng. Mới đây Khoa Thú y, Trường Nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) đã bảo vệ thành công Đề tài nghiên cứu khoa học “Khảo sát tình hình và yếu tố nguy cơ bệnh lở mồm long móng trên bò tại tỉnh Sóc Trăng”.

Theo ông Phạm Minh Tú, thành viên nhóm tác giả của đề tài, qua thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm của bò khỏe và bò nghi mắc bệnh lở mồm long móng tại các nông hộ ở tỉnh Sóc Trăng, tỷ lệ phát hiện virus lở mồm long móng là 25,3%. Từ kết quả nghiên cứu, các chuyên gia đã tìm ra tiêm phòng là yếu tố ảnh hưởng nhất đến khả năng mắc bệnh lở mồm long móng trên bò ở tỉnh Sóc Trăng.

Với bò không được tiêm phòng vắc xin có khả năng mắc bệnh cao gấp 3 lần so với bò đã tiêm. Nghiên cứu cũng chỉ ra, việc không tiêm phòng vắc xin là một trong những yếu tố nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh ra diện rộng.

Qua đó, ông Tú cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức người chăn nuôi, đặc biệt là việc tiêm phòng cần được nâng cao hơn nữa tại Sóc Trăng. Nhất là những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, công tác tiêm phòng giúp vật nuôi có miễn dịch, chống sự xâm nhập của virus lở mồm long móng từ bên ngoài là vô cùng quan trọng.

Song hành và hỗ trợ cho công tác nghiên cứu khoa học, tại Khoa Thú y, Trường Nông nghiệp cũng đã xây dựng Bệnh xá Thú y phục vụ công tác nghiên cứu khoa học cho ngành thú y.

Bệnh xá xây dựng được đầu tư hệ thống phòng xét nghiệm hiện đại, như: Máy chụp X quang, máy siêu âm, máy sinh lý sinh hóa, test phản ứng nhanh, máy PCR,…. Cùng với đội ngũ bác sĩ thú y chuyên môn cao được đào tạo chuyên nghiệp trong và ngoài nước, giúp việc chẩn đoán, điều trị bệnh trên động vật chất lượng, hiệu quả hơn.

Tính đến nay, Khoa Thú y đã có hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ cho ngành chăn nuôi thú y vùng ĐBSCL. Trọng tâm là những đề tài nghiên cứu thực trạng dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, biện pháp phòng chống, tiến tới “thanh toán” các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi ở ĐBSCL.

Trọng tâm của các đề tài nghiên cứu khoa học tiến tới thanh toán các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi ở ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Trọng tâm của các đề tài nghiên cứu khoa học tiến tới thanh toán các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi ở ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Các nghiên cứu cũng hướng đến phương pháp sử dụng thuốc phòng, trị bệnh hiệu quả, sản xuất thảo dược thay thế một phần kháng sinh trong điều trị bệnh. Hay những đề tài đi sâu khảo sát yếu tố môi trường tác động đến năng suất chăn nuôi và phát sinh dịch bệnh. Ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống gia súc, gia cầm có khả năng kháng bệnh, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả chăn nuôi.

Vai trò của nghiên cứu khoa học, phát triển khoa học công nghệ đã được Bộ NN-PTNT khẳng định tại Quyết định số 296/QĐ-BNN-KHCN ngày 16/1/2023 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành NN-PTNT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trọng tâm là thực hiện nghiên cứu chọn tạo giống vật nuôi chủ lực có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện chăn nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao.

Nghiên cứu ứng dụng các quy trình công nghệ mới, tiên tiến, ứng dụng công nghệ số, nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, giảm phát thải khí nhà kính.

Nghiên cứu dịch tễ học, mô hình mô phỏng, dự báo dịch bệnh, làm cơ sở đề xuất giải pháp kỹ thuật phù hợp kiểm soát, phòng trừ dịch bệnh. Nhất là những nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ gen để phát triển các loại vắc xin thế hệ mới, cải tiến.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.