| Hotline: 0983.970.780

Nghiên cứu sản xuất vắc xin dịch tả heo Châu Phi tại NAVETCO

Thứ Sáu 03/12/2021 , 10:19 (GMT+7)

Dự án nghiên cứu vắc xin DTHCP tại NAVETCO thu được kết quả khoa học và thực tiễn quan trọng, có thể trình Cục Thú y xin cấp phép để sản xuất và lưu hành.

Hình ảnh sản phẩm vắc xin DTHCP do Công ty NAVETCO nghiên cứu sản xuất.

Hình ảnh sản phẩm vắc xin DTHCP do Công ty NAVETCO nghiên cứu sản xuất.

Bệnh dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút thuộc họ Asfarviridae gây ra cho heo hoang dại và heo nuôi. Tùy độc lực của vi rút, bệnh có thể biểu hiện ở thể cấp tính, mãn tính và ẩn tính. Ở thể cấp tính có thể gây chết 100% heo bệnh.  Vi rút DTHCP không gây bệnh cho người và các loài động vật khác. Bệnh chủ yếu lây trực tiếp từ heo mắc bệnh sang heo mẫn cảm và gián tiếp thông qua côn trùng hoặc phương tiện vận chuyển, dụng cụ sử dụng trong quá trình chăn nuôi. Hiện tại chưa có vắc xin và phương pháp điều trị đặc hiệu.

Thử nghiệm vắc xin DTHCP trong điều kiện sản xuất.

Thử nghiệm vắc xin DTHCP trong điều kiện sản xuất.

Bệnh DTHCP được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1921 tại Kenya. Năm 2007 phát hiện có bệnh ở Geogia, sau đó lan đến Liên Bang Nga và một số các nước ở Châu Âu khác.  Gần đây bệnh  được phát hiện ở Trung Quốc (2018) và nhiều nước thuộc Châu Á. Theo báo cáo của Cục Thú y, bệnh DTHCP xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 2/2019 tại tỉnh Thái Bình và Hưng Yên. Dịch bệnh sau đó lây nhanh trên diện rộng. Đến nay bệnh DTHCP vẫn tiếp tục xảy ra ở các mức độ khác nhau trong phạm vi toàn quốc và là một nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển và ổn định đàn heo nuôi ở nước ta.

Thử nghiệm vắc xin DTHCP trong điều kiện sản xuất.

Thử nghiệm vắc xin DTHCP trong điều kiện sản xuất.

Trong một thời gian dài mức độ nguy hiểm của bệnh đối với nghề chăn nuôi heo chưa được chú ý đúng mức, khi mà bệnh chủ yếu khu trú ở các nước thuộc Châu Phi. Hơn nữa do đặc điểm cấu tạo phức tạp của vi rút DTHCP và hơn thế nữa có lẽ liên quan đến hiệu quả thu được về kinh tế khi nghiên cứu sản xuất vắc xin, nên mặc dù bệnh xuất hiện đã lâu nhưng việc nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh vẫn không được quan tâm nhiều, rất ít nghiên cứu về vắc xin được thực hiện. Thật vậy chỉ sau khi dịch xuất hiện ở Geogia năm 2007 và một số nước Châu Âu, đặc biệt năm 2018 khi bệnh xảy ra ở Trung Quốc và lan nhanh đến các nước Châu Á thì việc nghiên cứu các biện pháp phòng bệnh, trong đó có nghiên cứu vắc xin được nhiều nước quan tâm.

Thử nghiệm vắc xin DTHCP trong điều kiện sản xuất.

Thử nghiệm vắc xin DTHCP trong điều kiện sản xuất.

Vắc xin vô hoạt DTHCP không hiệu quả, mặc dù sử dụng liều kháng nguyên cao. Vắc xin tái tổ hợp protein (subunit) có kết quả bảo hộ thấp và không ổn định. Bằng phương pháp cấy chuyển liên tục vi rút DTHCP cường độc trên tế bào dòng (Vero cells), vi rút DTHCP đã được  giảm độc hoàn toàn, tuy nhiên chủng này mất hoàn toàn tính sinh miễn dịch trên heo. Từ các chứng cứ đã dẫn, phát triển vắc xin theo hướng tiếp cận nêu trên là không thể hoặc không đảm bảo có một vắc xin đạt các yêu cầu về kỹ thuật và ổn định có chất lượng.

Một hướng tiếp cận khác là loại bỏ gen liên hệ đến độc lực của vi rút DTHCP. Thực hiện theo hướng này với các đoạn gen khác nhau được loại bỏ, Dr Borca và Dr Douglas tại Viện nghiên cứu bệnh động vật Plum Island (PIADC) Hoa Kỳ đã thành công tạo được một số chủng vi rút DTHCP nhược độc, trong đó 2 chủng có đầy đủ các tiêu chuẩn để dùng sản xuất vắc xin phòng bệnh, đó là: Vi rút DTHCP chủng G-delta-I 177 L và G-delta I 177 L/d LVR.(ASFV G-delta I 177L; ASFV G-delta I 177L/dLVR).

Công cường độc cho heo sau tiêm vắc xin.

Công cường độc cho heo sau tiêm vắc xin.

Trên cơ sở hợp tác giữa Bộ NN & PTNT và Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ; được Bộ NN & PTNT giao nhiệm vụ, sự chỉ đạo và giúp đỡ của lãnh đạo Cục Thú y và các phòng thí nghiệm chuyên ngành thuộc Cục Thú y; theo bản thỏa thuận giữa công ty NAVETCO và  ARS, Hoa Kỳ về sử dụng bản quyền của 2 chủng vi rút nêu trên; Công ty NAVETCO đã tiến hành nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh DTHCP tại Việt Nam. Hiện nay Công ty đang nghiên cứu sản xuất đồng thời 2 loại vắc xin dùng 2 chủng vi rút vắc xin DTHCP nhược độc, trong đó chủng ASFV G-delta I 177L được nhân giống sản xuất trên tế bào xơ cấp PBMC và chủng ASFV G-delta I 177L/dLVR nuôi cấy trên tế bào dòng PIPEC (Plum Island Porcine Endothelial Cell).

Công cường độc cho heo sau tiêm vắc xin.

Công cường độc cho heo sau tiêm vắc xin.

Sau một thời gian thực hiện, với sự cố gắng của cán bộ nghiên cứu thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu của Công ty NAVETCO và sự giúp đỡ có hiệu quả của các đơn vị chuyên môn thuộc Cục thú y (Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y TW 1 và Chi cục thú y vùng 6 (RAHO 6), kết hợp việc phối hợp nghiên cứu giữa Viện nghiên cứu PIADC và Công ty NAVETCO,  dự án nghiên cứu vắc xin DTHCP tại Công ty NAVETCO đã thu được những kết quả khoa học và thực tiễn quan trọng có thể sử dụng trình Cục Thú y xin cấp phép để sản xuất và lưu hành vắc xin tại Việt Nam. Kết quả thu được cho thấy vi rút DTHCP chủng G-delta I 177L an toàn trên heo khi sử dụng liều cao gấp 104 so với liều miễn dịch tối thiểu cho mức độ bảo hộ 100% heo được gây miễn dịch. Khả năng trở lại độc lực của chủng vi rút vắc xin cũng đã được kiểm tra với kết quả qua 5 lần cấy chuyển liên tục trên heo không xuất hiện các dấu hiệu bệnh DTHCP ở các đời cấy chuyển, đặc biệt ở đời 5. Điều này chứng tỏ tính ổn định của chủng vi rút G-delta I 177 L.

Vắc xin sản xuất từ chủng này cho khả năng bảo hộ tốt thông qua phương pháp đánh giá bằng công cường độc, dùng chủng vi rút DTHCP cường độc phân lập tại Việt Nam. Qua đánh giá 6 lô vắc xin sản xuất thử nghiệm, tất cả 6 lô vắc xin đều đạt yêu cầu với 100% heo tiêm vắc xin được bảo hộ và 100% heo đối chứng chết do vi rút DTHCP cường độc gây ra. Kết quả ghi nhận khả năng kích thích sinh miễn dịch tốt của chủng vi rút vắc xin và chứng tỏ có sự tương đồng kháng nguyên bảo hộ giữa chủng vi rút vắc xin và vi rút DTHCP cường độc lưu hành và gây bệnh DTHCP cho đàn heo nuôi tại nước ta từ năm 2019 đến nay.

Kiểm tra heo sau công cường độc.

Kiểm tra heo sau công cường độc.

Kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và kết quả thử nghiệm tiêm phòng vắc xin trên thực địa ở một số trại heo nuôi tại Phía Nam, với khoảng trên 1500 heo đủ các lứa tuổi, các giống heo đã được tiêm thử nghiệm. Những heo thử nghiệm được nuôi ở các trại khác nhau có các đặc điểm dịch tễ khác nhau liên quan đến bệnh DTHCP, như: trại an toàn dịch, trại có nguy cơ rất cao hay trại có lịch sử bệnh DTHCP. Thực nghiệm đã được ghi nhận có kết quả tốt, chứng minh vắc xin có hiệu quả bảo vệ đàn heo nuôi, biểu hiện: Heo tiêm vắc xin an toàn, có đáp ứng kháng thể, đạt trên 90% và đàn heo tiêm được bảo vệ chống lại vi rút bệnh DTHCP, ngay cả ở những trại bị đe dọa, có nguy cơ dịch xảy ra rất cao. Khả năng truyền lây khi tiêm vắc xin trong điều kiện sản xuất cũng được kiểm tra trên giống heo lai Yorshire & Landrace. Bằng việc sử dụng kỹ thuật Realtime PCR phát hiện kháng nguyên và phương pháp ELISA kiểm tra kháng thể không phát hiện bằng chứng có sự truyền ngang chủng vi rút vắc xin từ heo tiêm vắc xin và heo tiếp xúc trực tiếp. Hiệu quả của vắc xin tiêm cho heo trên thực địa, đánh giá bằng công cường độc đạt tỷ lệ bảo hộ từ 80 – 100%. Kết quả từ thực địa cung cấp thêm bằng chứng chứng minh tính an toàn, tính miễn dịch của chủng vi rút vắc xin DTHCP dùng sản xuất, cũng như sự phù hợp về kháng nguyên giữa chủng vi rút vắc xin và vi rút gây bệnh DTHCP đã và đang lưu hành ở nước ta.

Việc tìm kiếm các công cụ để đánh giá, giám sát sau tiêm phòng sao cho đơn giản dễ thực hiện và có thể đánh giá được tình trạng miễn dịch của đàn heo cũng được tiến hành nghiên cứu, trong đó phương pháp huyết thanh học sử dụng một số Kit ELISA thương mại khác nhau đã được nghiên cứu so sánh và có thể áp dụng vào thực tế sản xuất. Để thuận lợi cho công tác giám sát, nhóm nghiên cứu đã nghiên cứu thành công phương pháp giám định để phân biệt chủng vi rút vắc xin và chủng vi rút DTHCP cường độc và hiện đang tiếp tục nghiên cứu sử dụng phương pháp huyết thanh học nhằm phân biệt được miễn dịch do tiêm vắc xin và miễn dịch thu được do nhiễm tự nhiên.

Kiểm tra heo sau công cường độc.

Kiểm tra heo sau công cường độc.

 Đối với vi rút DTHCP thích ứng trên tế bào PIPEC, chủng ASFV-G-delta I 177L/dLVR. Kết quả nghiên cứu cho thấy cũng giống như chủng ASFV-G-delta I 177L, chủng vi rút thích ứng tế bào có tính an toàn và có khả năng kích thích đáp ứng miễn dịch tốt trên heo, ngay cả khi gây miễn dịch cho heo với liều thấp 102HAD50/con, heo vẫn được bảo hộ 100% chống lại vi rút DTHCP cường độc với liều 102HAD50. Hiện tại, đã sản xuất thành công vắc xin dùng chủng vi rút thích ứng trên tế bào dòng PIPEC và kiểm tra cho thấy tất cả các lô vắc xin đều đạt các yêu cầu về: vô trùng, an toàn và hiệu lực.

Để đảm bảo tính khoa học và khách quan về các kết quả của dự án, sau khi vắc xin được Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y TW 1 đánh giá đạt các yêu cầu về: vô trùng, an toàn và hiệu lực, Cục Thú y đã đề nghị Bộ NN&PTNT thành lập Hội đồng khoa học nhằm đánh giá tính khoa học và tính khả thi của việc nghiên cứu sản xuất vắc xin tại công ty NAVETCO dùng chủng G-delta I 177 L. Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng khoa học Bộ NN&PTNT, căn cứ trên kết quả nghiên cứu của Công ty, Cục Thú y đã chính thức chấp nhận cấp phép thực hiện khảo nghiệm vắc xin DTHCP do công ty NAVETCO nghiên cứu sản xuất làm cơ sở cho việc đăng ký lưu hành vắc xin này tại Việt Nam. Do đặc điểm của vắc xin và diễn biến của dịch bệnh Covid-19,  theo yêu cầu, vắc xin sẽ được tiến hành khảo nghiệm tại 2 địa điểm. Hiện tại công tác khảo nghiệm đã kết thúc tại 1 địa điểm, một trại heo nuôi tại phía Bắc và cho kết quả tốt, trong khi tại địa điểm thứ 2 đang tiếp tục theo dõi và dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12/2021.

Đoàn lãnh đạo Bộ NN&PTNT, lãnh đạo Cục Thú y kiểm tra trại heo sau khi tiêm vắc xin DTHCP.

Đoàn lãnh đạo Bộ NN&PTNT, lãnh đạo Cục Thú y kiểm tra trại heo sau khi tiêm vắc xin DTHCP.

Với hướng tiếp cận như vậy và kết quả đạt được cho đến nay đã chứng minh tính đúng đắn trong chỉ đạo của lãnh đạo Bộ NN&PTNT, sự kịp thời và có trách nhiệm của lãnh đạo Cục Thú y khi nhanh chóng đề xuất các giải pháp phòng chống bệnh có hiệu quả đối với các bệnh mới ở nước ta, trong đó có bệnh DTHCP. Qua đó cũng cho thấy việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu tại các doanh nghiệp thú y là điều kiện quan trọng làm cơ sở nắm bắt các cơ hội, đủ năng lực để  hợp tác nghiên cứu, thực hiện chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, có lợi thế cạnh tranh đáp ứng được nhu cầu cho nội địa và xuất khẩu.

Ngày 22/12/2020, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT đã kiểm tra Dự án nghiên cứu sản xuất vắc xin DTHCP tại Công ty Navetco.

Ngày 22/12/2020, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT đã kiểm tra Dự án nghiên cứu sản xuất vắc xin DTHCP tại Công ty Navetco.

Với hy vọng có thêm một giải pháp phòng bệnh hữu hiệu bệnh DTHCP cho đàn heo nuôi ở nước ta, ngoài giải pháp an toàn sinh học, phát hiện nhanh và loại thải đang áp dụng; với sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Bộ NN&PTNT và sự khẩn trương xem xét của Cục Thú y, hy vọng vắc xin DTHCP do Công ty NAVETCO nghiên cứu sản xuất trước hết là chủng ASFV G-delta I 177L và sau đó là chủng ASFV G- Delta I 177L/d LVR sẽ được Cục Thú y sớm cho phép sản xuất và lưu hành. Thiết nghĩ đây không chỉ đơn giản là thực hiện một nhiệm vụ của ngành thú y do Bộ NN & PTNT giao, mà nó còn là sự mong muốn của toàn xã hội, của người chăn nuôi heo để giúp ổn định nghề chăn nuôi heo, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nông nghiệp vượt qua được những khó khăn chồng chất do đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra ở nước ta. Với đội ngũ khoa học hiện tại, có bề dày trong nghiên cứu và sản xuất vắc xin thú y và các trang thiết bị chuyên dùng đạt chuẩn, Công ty NAVETCO có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được lãnh đạo Bộ NN & PTNT, lãnh đạo Cục Thú y giao để sản xuất và cung ứng đảm bảo về số lượng và chất lượng vắc xin.  

Triển vọng về một vắc xin phòng bệnh DTHCP ở nước ta là có cơ sở. Một biện pháp phòng bệnh DTHCP toàn diện hơn sẽ được áp dụng nếu chúng ta quân tâm đầu tư hơn nữa cho nghiên cứu cơ bản về bệnh DTHCP. Sự hiểu biết có hệ thống về bệnh, kết hợp với việc sản xuất được vắc xin phòng bệnh DTHCP trong nước sẽ là cơ sở khoa học và thực tiễn giúp xây dựng các giải pháp toàn diện phòng bệnh hiệu quả vắc xin DTHCP ở nước ta trong tương lai gần.

Xem thêm
Ngành điều hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2024 chỉ trong 10 tháng

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành điều Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo nên kỷ lục mới trong tháng cuối năm 2024.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.