| Hotline: 0983.970.780

Nghiên cứu thành công máy đo tỷ lệ sáp trong trái dừa

Thứ Năm 03/06/2021 , 08:18 (GMT+7)

Thiết bị do nhóm nghiên cứu Trường ĐH Trà Vinh chế tạo xác định dừa sáp hay dừa thường với xác suất 95%, xác định tỷ lệ sáp đặc, lỏng với xác suất 80%.

Dừa sáp, đặc sản nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh. Ảnh: MĐ.

Dừa sáp, đặc sản nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh. Ảnh: MĐ.

Hội đồng đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ KHCN tỉnh Trà Vinh vừa nghiệm thu đề tài “Thiết kế chế tạo thiết bị xác định tỷ lệ sáp trong trái dừa” do TS. Nguyễn Minh Hoà, Trường Đại học Trà Vinh làm chủ nhiệm.

Dừa sáp là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên, việc xác định tỷ lệ sáp trong trái dừa lâu nay chủ yếu phụ thuộc vào kinh nghiệm nhà vườn. Việc sử dụng thiết bị phân loại Deep Learning giúp nhà vườn xác định tỷ lệ sáp trong trái dừa có hay không xác suất đúng lên tới 95%, xác định tỷ lệ sáp đặc, sáp lỏng xác suất 80% nên được hội đồng xếp loại khá.

Ông Lưu Văn Nhạnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho biết, trước đây để chọn dừa sáp, kinh nghiệm nhà vườn là cầm lắc, nhưng thường không chính xác tuyệt đối. Ông Nhạnh kể, ngày còn công tác ở Cầu Kè, có đoàn đại biểu Quốc hội đặt hàng 50 trái dừa sáp, ông nhờ đại lý uy tín thu gom. Nhưng sau hỏi thăm mới biết trong đó có rất nhiều trái như dừa khô bình thường.

Hội đồng nghiệm thu thiết bị đo dừa sáp. Ảnh: Minh Đảm.

Hội đồng nghiệm thu thiết bị đo dừa sáp. Ảnh: Minh Đảm.

"Trong những trường hợp như vậy, tôi tin nhà vườn không cố ý mà chỉ là nhầm lẫn. Do đó, việc xác định được tỉ lệ trái dừa sáp vô cùng ý nghĩa để tránh việc một trái dừa sáp 150.000 đồng biến thành trái dừa khô 10.000 đồng. Tôi thấy nghiên cứu này rất sát với tình hình thực tế và có ý nghĩa ứng dụng thực tiễn cao", ông Nhạnh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nhạnh, khi áp dụng thiết bị này, những nông hộ có quy mô sản xuất lớn, doanh nghiệp thu mua dừa sáp nguyên liệu, các cơ sở mua bán sẽ có điều kiện thuận lợi hơn trong kinh doanh, nhất là vấn đề không còn nghi ngờ giữa người mua và người bán. Giờ ông Nhạnh muốn mua 50 trái dừa sáp, cứ đưa vô máy sẽ có kết quả, từ kết quả đó thương lượng giá cả sẽ rất sát thực tế. Nhưng ông Nhanh cho rằng, để tiến tới thương mại hoá, sản phẩm của nhóm nghiên cứu nên cải tiến càng gọn nhẹ càng tốt để dễ dàng di chuyển.

Máy đo tỷ lệ sáp trong trái dừa hoạt động tại buổi nghiệm thu đề tài nghiên cứu.

Theo TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, nền kinh tế tri thức đang phát triển theo xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng hơn để tìm ra tri thức mới, truyền bá tri thức và ứng dụng tri thức ấy qua các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ vào trong thực tiễn.

Đồng thời, các trường cần cập nhật những nghiên cứu mới nhất từ những kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ này đưa vào giảng dạy cho sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Bởi đây là thước đo đối với nhà trường trong ứng dụng tri thức để tạo ra các giá trị thiết thực phục vụ cuộc sống.

Ở Đại học Trà Vinh xác định rõ 3 thành tố cơ bản gồm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ là không thể tách rời, xu thế phát triển mở rộng theo thời gian để đáp ứng với yêu cầu đổi mới giáo dục đại học.

Nghiên cứu thành công đông trùng hạ thảo ở ĐH Trà Vinh. Ảnh: Minh Đảm.

Nghiên cứu thành công đông trùng hạ thảo ở ĐH Trà Vinh. Ảnh: Minh Đảm.

TS. Nguyễn Minh Hòa chia sẻ: “Trong những năm qua, Đại học Trà Vinh đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong giảng viên, sinh viên. Đặc biệt, chú trọng phát triển mạnh không gian sáng chế trong sinh viên, giảng viên - khu makerspace, phát triển các nhóm sinh viên nghiên cứu – IEEE Student Chapter tại Đại học Trà Vinh, phát triển Lab - không gian sáng chế cho sinh viên, giảng viên, các mô hình hợp tác xã sinh viên, chi hội nông dân là sinh viên, cùng các chính sách khuyến khích ươm mầm ý tưởng khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học ứng dụng và chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng".

Thời gian tới, Trường ĐH Trà Vinh tiếp tục ưu tiên thực hiện các dự án triển khai các sản phẩm nghiên cứu có tiềm năng thương mại, chú trọng đầu tư vào các hướng nghiên cứu có thế mạnh, ưu tiên phục vụ cộng đồng và gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, các sở ngành trong, ngoài tỉnh trong việc đặt hàng nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.