Bộ NN-PTNT vừa tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Đề án “Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050”.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, nông sản là ngành đặc thù về yêu cầu bảo quản, vận chuyển nên cần hệ thống logistics để tránh thất thoát, giữ được chất lượng. Hiện nay, nhiều ngành hàng nông sản Việt Nam chi phí logistics đang chiếm tới 20 - 40% trong cơ cấu giá, cao hơn nhiều nước trong khu vực do chưa có hệ thống logistics nông sản hoàn chỉnh.
Chính vì vậy, Đề án tập trung vào nghiên cứu xây dựng hệ thống trung tâm logistics 3 cấp gắn kết chặt chẽ với nhau trong cung ứng và phân phối sản phẩm ra thị trường.
Hệ thống trung tâm logistics này gồm các trung tâm logistics nông nghiệp cấp vùng; các trung tâm logistics nông nghiệp tại các vùng sản xuất tập trung; các trung tâm logistics nông nghiệp phục vụ xuất khẩu. Hệ thống các trung tâm 3 cấp này gắn kết chặt chẽ với nhau và với hệ thống chợ hiện tại để phục vụ sản xuất và kinh doanh nông sản.
Trung tâm logistics nông nghiệp cấp vùng là nơi liên kết giữa vùng sản xuất nguyên liệu với khu vực chế biến và đưa hàng hóa vào các đô thị, kết nối thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời là nơi cung cấp các dịch vụ về logistics, chuyển giao công nghệ, đào tạo… nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản, hướng tới giám sát cung cầu nông sản.
Trung tâm logistics nông nghiệp tại các vùng sản xuất tập trung là địa điểm thu hút, tập hợp các nông sản địa phương tại các vùng sản xuất trọng điểm, vùng nguyên liệu gỗ, vùng nuôi trồng thủy sản để sơ chế, gia công và cung ứng cho các trung tâm logistics nông nghiệp cấp vùng, trung tâm logistics nông nghiệp phục vụ xuất khẩu đặt gần các cửa khẩu chính, đảm bảo khả năng cung ứng nông sản có chất lượng cao, đạt yêu cầu an toàn thực phẩm, giám sát được chất lượng và truy xuất được nguồn gốc hàng nông sản.
Trung tâm logistics nông nghiệp phục vụ xuất khẩu, phục vụ các hoạt động thương mại tại các cửa khẩu lớn với các nước xung quanh (như Trung Quốc, Lào, Camphuchia) và hoạt động thương mại tại các cảng lớn. Trung tâm này là nơi tập kết hàng hóa, kiểm tra hàng hóa đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm theo quy định các nước xuất nhập khẩu, giảm chi phí thông quan và rút ngắn thời gian thông quan, tiện lợi trong thanh toán quốc tế, tạo điều kiện phát triển thương mại biên giới và công tác quản lý nông sản xuất nhập khẩu.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là đến đến 2035, đảm bảo cung ứng sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu, giữ được vị thế Việt Nam về xuất khẩu nông sản, phấn đấu lọt vào nhóm 10 nước về chế biến nông sản hàng đầu trên thế giới; nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics hỗ trợ sản xuất kinh doanh nông sản, giảm 20% chi phí logistics và hao hụt sau thu hoạch cho nông sản so với hiện tại. Đảm bảo các vùng nguyên liệu lớn đều có hệ thống logistics giúp đảm bảo chất lượng nông sản.
Đồng thời, hình thành hệ thống logistics hỗ trợ sản xuất kinh doanh nông sản đồng bộ kết nối giữa vùng sản xuất trọng điểm với các chợ đầu mối, các thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Hoàn thiện hệ thống các nhà cung cấp dịch vụ logistics nông nghiệp.
Bên cạnh đó, hình thành được đội ngũ doanh nghiệp, HTX và thương lái chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, logistics “xanh” tham gia hệ thống logistics nông nghiệp. Hoàn thiện thể chế hỗ trợ phát triển logistics cho sản xuất, kinh doanh nông sản. Thành lập được Hiệp hội logistics nông sản, trong đó có sự tham gia của các chủ thể trong hệ thống logistics nông nghiệp.
Đặc biệt, sẽ có Dự án nâng cao năng lực logistics cho các HTX. Dự án sẽ hỗ trợ HTX đầu tư kết cấu hạ tầng vùng nguyên liệu, hạ tầng logistics, tư vấn, nâng cao năng lực cho các HTX về logistics xúc tiến thương mại, kết nối thị trường.
Dự án cũng sẽ có chương trình khuyến nông và chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ cho các HTX, tập huấn về hệ thống canh tác tốt, kiểm soát dư lượng thuốc BVTV, hỗ trợ lấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng (như VietGAP, GlobalGAP…), ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc nông sản.