| Hotline: 0983.970.780

Ngô công nghệ sinh học chiếm 10% diện tích tại Việt Nam

Chủ Nhật 11/04/2021 , 16:54 (GMT+7)

Việt Nam là một trong ba nước có tốc độ tăng trưởng diện tích trồng ngô công nghệ sinh học nhanh ở mức hai con số cùng với Philippines và Colombia...

Tăng trưởng hai con số

Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam (VSTA), Hội Nông dân Việt Nam cùng Tổ chức Quốc tế về Ứng dụng và Tiếp Thu Công nghệ sinh học trong Nông nghiệp (ISAAA) vừa đồng tổ chức hội thảo: Đóng góp của cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp tại Việt Nam.

Diện tích trồng ngô ở Việt Nam những năm gần đây đang giảm mạnh, tuy nhiên ngô CNSH vẫn có sự tăng trưởng ở mức khá cao. Ảnh: Vân Đình.

Diện tích trồng ngô ở Việt Nam những năm gần đây đang giảm mạnh, tuy nhiên ngô CNSH vẫn có sự tăng trưởng ở mức khá cao. Ảnh: Vân Đình.

Theo báo cáo của tổ chức ISAAA, với việc có thêm 3 quốc gia Châu Phi, số lượng các quốc gia canh tác cây trồng CNSH đã tăng lên 29 vào năm 2019. Trong đó, 5 quốc gia dẫn đầu là Hoa Kỳ, Brazil, Argentina, Canada và Ấn Độ. Năm 2019, tổng cộng có 190,4 triệu ha cây trồng CNSH được canh tác.

Tại Việt Nam, cây trồng CNSH đã được chính thức được cấp phép canh tác thương mại từ 2014-2015 trên ngô. Năm 2019, tổng diện tích canh tác ngô CNSH khoảng 92.000 ha, chiếm khoảng 10% tổng diện tích trồng ngô cả nước.

Cụ thể vào năm 2015, tỷ lệ diện tích ngô CNSH chỉ khoảng 3.500 ha, chiếm chưa tới 1% tổng diện tích, nay đã tăng hơn 26 lần. Riêng giai đoạn 2018 – 2019, tỷ lệ tăng diện tích ngô CNSH là 86%. Trong đó, việc sâu keo mùa thu bùng phát ở nước ta đã khiến nhiều nông dân phải thay đổi từ giống ngô thông thường sang giống CNSH. 

Vào năm 2019-2020, VSTA phối hợp với Viện PG Economics (Anh) đã tiến hành nghiên cứu đánh giá và phân tích tác động của cây ngô CNSH với các tính trạng chuyển gen kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ sau 5 năm canh tác. Theo đó, tổng diện tích ngô CNSH canh tác tại Việt Nam cho cả giai đoạn 2015 -2019 là 225.000 ha.

Về năng suất, các giống ngô CNSH với các tính trạng kháng sâu và chống chịu thuốc trừ cỏ cao hơn so với các giống thường từ 15,2-30%; lợi nhuận tăng khoảng 4,5-7,6 triệu đồng/ha.

Về tỷ suất đầu tư, trung bình với mỗi 1 USD (khoảng 23.000 đồng) đầu tư cho hạt giống CNSH, nông dân sẽ có lợi nhuận từ 6,84 USD và 12,55 USD (tương đương với khoảng 157.000-289.000 đồng), cao đáng kể so với các nước khác đang ứng dụng công nghệ tương tự.

Lượng thuốc BVTV sử dụng khi canh tác ngô CNSH giảm đáng kể (với thuốc trừ cỏ là 26% và thuốc trừ sâu là 78%.

Chưa đạt kỳ vọng

Việt Nam đưa các giống ngô CNSH vào sản xuất trong giai đoạn cây ngô gặp rất nhiều khó khăn. Điều này cũng giải thích phần nào khi tỷ lệ sử dụng các giống ngô này có tăng nhưng chưa đạt như kỳ vọng.

Mặc dù nhu cầu sử dụng ngô cho ngành chăn nuôi tăng nhanh mỗi năm nhưng diện tích trồng ngô trong nước 5 năm trở lại đây có xu hướng giảm. Ngô trong nước đang phải chịu áp lực rất lớn từ ngô nhập khẩu cả về giá và về chất lượng. Nông dân nhiều vùng đã chuyển sang các cây trồng khác khi giá thu mua trong nước giảm mạnh.

Khách thăm một mô hình trồng ngô giống mới. Ảnh: Vân Đình

Khách thăm một mô hình trồng ngô giống mới. Ảnh: Vân Đình

Tuy nhiên, ông Trần Xuân Định, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký VSTA khẳng định: Tỷ lệ ứng dụng ngô CNSH đang gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh xuất hiện các dịch hại mới gần đây đã cho thấy mức độ chống chịu và thích ứng rất hiệu quả của các giống mới này với điều kiện canh tác ngô trong nước.

Tại hội thảo, anh Hoàng Trọng Ngãi, nông dân ở xã Đức Bác, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), địa phương đã canh tác hơn 120 ha ngô CNSH kể từ 2015 chia sẻ: Anh và bà con địa phương lựa chọn trồng giống ngô CNSH do kháng được sâu bệnh, khả năng chống chịu tốt với điều kiện thiên nhiên, thời tiết bất thuận.

Còn anh Nguyễn Thanh Phong, nông dân trồng ngô tại huyện Nam Đàn (Nghệ An) cho biết: Các giống ngô CNSH đã giúp kháng các loại sâu trong khi đối với các giống ngô thường, đặc biệt vào điều kiện nhiệt độ cao như tại Nghệ An thì bị sâu phá hoại gần như toàn bộ.

Nhờ vào việc không phải phun thuốc trừ sâu, gia đình anh tiết kiệm được chi phí mua thuốc, chi phí phun thuốc, năng suất tăng tới 20% so với trước... 

Ông Nguyễn Xuân Định, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam gợi mở: Theo Quyết định số 429/QĐ-TTg ban hành ngày 24/3/2021 về việc phê duyệt Đề án phát triển CNSH ngành nông nghiệp đến năm 2023, một trong các mục tiêu tới năm 2030 là làm chủ được một số CNSH thế hệ mới, tạo ra sản phẩm quy mô và phát triển số lượng doanh nghiệp CNSH trong lĩnh vực nông nghiệp thêm tối thiểu 30%.

Điều này cho thấy phát triển và ứng dụng CNSH trong nông nghiệp là định hướng chung để bắt kịp xu hướng của thế giới.

Hội Nông dân Việt Nam, VSTA và Tổ chức ISAAA sẽ tiếp tục thảo luận và phối hợp xây dựng các hoạt động nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân về tiềm năng, lợi ích cây trồng CNSH cũng như giải quyết các khó khăn trong nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Nông dân nhận thưởng 43 triệu đồng nhờ trồng lúa giảm phát thải

KIÊN GIANG Mới đây, một số nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được tiền thưởng từ 2,6 – 43 triệu đồng khi tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải.