Chuông báo cháy reo, giọng phát thanh viên hối hả bằng cả ba thứ tiếng Anh, Nhật, Việt về tình huống khẩn. Nhân viên khách sạn Sofitel Hà Nội nhốn nháo nhưng đại biểu của Hội nghị “Triển vọng toàn cầu của cây trồng biến đổi gen” không một ai rời khỏi ghế.
Dường như còn có thứ quan trọng hơn cả hỏa hoạn níu giữ mọi người lại: Tranh luận về vấn đề an toàn của cây trồng công nghệ sinh học. Hội nghị do Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) và Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) đồng tổ chức. Ngay từ đầu, bài phát biểu của Tiến sĩ Clive James - nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch của ISAAA đã gây sự chú ý bởi khẩu hiệu in đậm: “Dành tặng cho 1 tỉ người đói nghèo và sự sống còn của họ”.
Tiến sĩ Clive James cho biết 2012 là năm của nhiều cột mốc: Diện tích cây trồng công nghệ sinh học gia tăng gấp 100 lần từ 1,7 triệu ha năm 1996 lên 170 triệu ha; Diện tích canh tác toàn cầu cây trồng sinh học đạt 170,3 triệu ha với mức tăng 10,3 triệu ha so với 2011; Cây trồng công nghệ sinh học giúp xóa đói giảm nghèo bằng cách giúp đỡ trên 15 triệu nông dân nhỏ và gia đình của họ với tổng số trên 50 triệu người, những người nghèo nhất thế giới. Có hai nước mới lần đầu tiên đưa cây trồng công nghệ sinh học vào canh tác là Sudan (đối với bông Bt) và Cuba (đối với ngô Bt).
Tuy nhiên Đức và Thụy Điển không trồng khoai tây “Amflora” vì loại này bị cấm bán trên thị trường, Ba Lan không được tiếp tục trồng ngô Bt vì những hạn chế về quy định. Do đó trong 28 nước canh tác cây trồng công nghệ sinh học có 20 nước đang phát triển và 8 nước công nghiệp (năm 2011 có 19 nước đang phát triển và 10 nước công nghiệp đang canh tác cây trồng công nghệ sinh học).
Ngô công nghệ sinh học trong phòng thí nghiệm
“Cây trồng công nghệ sinh học là rất cần thiết nhưng không phải là giải pháp duy nhất. Việc tuân thủ các tập quán canh tác nông nghiệp tốt như luân canh và quản lý tính kháng là điều cần thiết cho cây trồng công nghệ sinh học cũng giống như đối với cây trồng truyền thống”, Tiến sĩ Clive James nhấn mạnh. Đến phần thảo luận, vị Chủ tịch ISAAA liên tục nhận được những chất vấn của các nhà khoa học, nhà báo cũng như cả người tiêu dùng, như: Tại sao các nước đang phát triển lại mở rộng diện tích cây trồng công nghệ sinh học còn các nước công nghiệp thì quay lưng? Tại sao lại có chuyện dư luận rằng hàng loạt nông dân Ấn Độ tự tử vì bị lệ thuộc vào giống bông công nghệ sinh học? Tại sao lại biến người tiêu dùng Việt Nam thành những con chuột thí nghiệm khi cả chục năm nay nhập khẩu đậu tương có nguồn gốc biến đổi gen về mà không hề công bố? Tại sao lại đánh tráo khái niệm cây trồng biến đổi gen thành cây trồng công nghệ sinh học...
Tựu chung vẫn là xung quanh vấn đề an toàn của công nghệ mới này khiến cho vị tiến sĩ phải phân bua rằng: “Trong cuộc sống không có cái gì 100% là an toàn cả. 2 năm trước ở Đức có mấy chục người chết và hàng ngàn người nhập viện vì nhiễm vi khuẩn Ecoli trong giá sống. Tôi đảm bảo rằng nếu đó là vụ giá đỗ công nghệ sinh học sẽ có hàng trăm đài báo nhảy vào cuộc, đưa tin dài kỳ chứ không phải chỉ có một số ít tờ đưa như vậy. Tại sao cây trồng công nghệ sinh học lại phải chịu điều tiếng? Vì nó quá mới dù độ an toàn của nó còn cao hơn cả công nghệ thông thường thậm chí công nghệ hữu cơ vì sử dụng ít chất BVTV. Chúng ta phải dựa vào khoa học để đưa thông tin cho người dân và để họ có sự chọn lựa”.
Khu vực thử nghiệm ngô công nghệ sinh học
+ “Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học không có điều khoản nào bắt buộc phải dán nhãn lên các sản phẩm cây trồng sinh học khi được bày bán. Vậy Việt Nam bắt buộc dán nhãn để làm gì? Người tiêu dùng làm gì có trình độ để phân tích, cắt nghĩa mà đó là việc của các cơ quan khoa học. Dán nhãn vô hình chung sẽ gây tâm lý rằng sản phẩm đó nguy hiểm nên người dân sẽ sợ”. - Giáo sư Lê Đình Lương + “Cần có hệ thống quản lý có trách nhiệm, chặt chẽ nhưng không gây phiền hà cho các nước đang phát triển, nhỏ và nghèo. Việt Nam cần tiếp nhận sự chia sẻ thông tin với thế giới để học kinh nghiệm chứ không thể cứ cái gì cũng làm từ đầu, rất mất thời gian. Nếu không sớm áp dụng cây trồng công nghệ sinh học Việt Nam sẽ gánh chịu áp lực, người tiêu dùng sẽ không được dùng hàng giá rẻ hơn”. - TS Clive James |
Chính vì thế mà TS James rất đề cao vai trò của truyền thông: “Cách nâng cao nhận thức cho người dân không gì dễ hơn những câu chuyện sinh động, những chuyến tham quan, hội thảo, trao đổi với những người nông dân đã ứng dụng công nghệ này. Tôi nghĩ nên thiết lập những trung tâm thông tin ở các viện nghiên cứu để đảm bảo nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy. Chúng tôi đi khắp các nước để truyền đạt thông điệp, để trao đổi và tôn trọng ý kiến của họ rồi mọi người có thể theo công nghệ sinh học, công nghệ truyền thống hay công nghệ hữu cơ tùy ý thích. Trước khi được tuyên truyền, giải thích 90% mọi người có cái nhìn tiêu cực với cây trồng công nghệ sinh học nay thì ngược lại, 90% đã nhìn nó với ánh mắt thiện cảm: Nếu đưa một công nghệ mới vào áp dụng mà chưa có chiến dịch truyền thông cho dân chúng hiểu cặn kẽ sẽ gây một phản ứng bất lợi”.
Đồng quan điểm này, nhưng với tư cách là người địa phương nên giáo sư đầu ngành về di truyền học, ông Lê Đình Lương đưa nhận xét sâu hơn: “Thương mại hóa cây trồng công nghệ sinh học ở Việt Nam chậm có nhiều lý do nhưng quan trọng nhất là người ta lo ngại độ an toàn của nó. An toàn là vấn đề bao trùm những chính sách của nhà nước với cây trồng công nghệ sinh học, các hội nghị về cây trồng công nghệ sinh học cũng như dư luận xung quanh nó. Vậy cây trồng công nghệ sinh học là cơ hội hay thách thức? Các phương tiện thông tin đại chúng cần vào cuộc để tác động mạnh đến chính sách, đến dư luận. Tôi quan niệm ý chí chính trị là yếu tố quyết định đến việc thương mại hóa cây trồng công nghệ sinh học ở Việt Nam hiện nay”.