| Hotline: 0983.970.780

Ngô GMO vững chân trên nhiều địa bàn

Thứ Hai 02/07/2018 , 15:50 (GMT+7)

Từ khi được cấp phép đến nay, diện tích ngô biến đổi gen (GMO) phát triển chưa được như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Tuy nhiên, ngô GMO đã nhanh chóng có được chỗ đứng tại nhiều địa bàn và được nhiều nông dân tin tưởng nhờ hiệu quả kinh tế mà nó mang lại.
 

Dư dả thời gian đi làm việc khác

Ông Huỳnh Văn Đắng, nông dân ở ấp Quốc Phú, xã Quốc Thái (An Phú, An Giang) là người co thâm niên trồng ngô đã mấy chục năm nay. Có thời điểm, diện tích trồng ngô của gia đình ông lên tới hơn 40 ha.

08-33-52_ngo_gmo_duoc_nong_dn_tin_tuong
Ông Huỳnh Văn Đắng và ruộng ngô GMO

Năm 2016, do giá ngô xuống quá thấp, chỉ còn 3.300 - 3.400 đ/kg, ông chuyển toàn bộ diện tích sang trồng các loại cây màu khác như bí, ớt… Tuy nhiên, do trời mưa nhiều, sâu bệnh nở rộ, khiến cho cây màu bị thất thu nặng nề, gia đình ông Đắng thua lỗ tới 200 triệu đồng.

Tới vụ Đông Xuân 2017-2018, ông Đắng quyết định trở lại với cây ngô, nhưng không phải ngô lai như trước nữa mà là với ngô GMO. Giống mà ông Đắng lựa chọn là ngô 6919S của DEKALB. Đây là giống kháng thuốc trừ cỏ gốc Glyphosate và kháng 3 loại sâu hại chính gồm sâu khoang, sâu đục trái và sâu đục thân.

Đến nay, gia đình ông Đắng đã có 2 vụ liên tiếp trồng ngô GMO và đã thu được những hiệu quả không nhỏ về mặt kinh tế so với trồng ngô lai trước đây. Ông Đắng cho biết, với ngô GMO, ông đã tiết kiệm được khá nhiều công lao động và chi phí thuốc BVTV do chỉ phải phun xịt thuốc trừ cỏ một lần trong cả vụ. Tính ra, mỗi công ruộng (1.000 m2), gia đình ông giảm chi phí được khoảng 300 ngàn đồng so với giống ngô lai mà ông từng gieo trồng trước đây.

Ngoài ra, còn có cái lợi không nhỏ từ tăng năng suất do giống GMO rất ít sâu bệnh, trái đều. Còn với những giống ngô lai trước đây, gia đình ông thường bị mất 20 - 30% năng suất vì sâu bệnh. Nhờ vậy, dù giá ngô mấy năm nay giảm nhiều do ảnh hưởng chung của thị trường thế giới, nhưng nông dân trồng ngô GMO vẫn sống được. Ông Đắng cho rằng, giá ngô chỉ cần ở mức tối thiểu 4.000 đ/kg là nông dân có thể yên tâm.

Ngoài ra, do không phải mất quá nhiều công làm cỏ, phun thuốc trừ sâu như trước, vợ chồng ông Đắng có nhiều thời gian đi làm những công việc khác để tăng thêm thu nhập. Ông chia sẻ: “Trồng ngô thường, gia đình chúng tôi rất vất vả do phải phun nhiều loại thuốc khác nhau mà sâu vẫn phá bắp, ruộng đầy cỏ. Khi biết đến và trồng ngô GMO từ năm ngoái, tôi chỉ phải phun thuốc có một lần và không mất thời gian làm cỏ bằng tay, không phải thuê người làm. Lợi nhuận thu được cao hơn hẳn mà hai vợ chồng có nhiều thời gian hơn để đi làm việc khác”.
 

Chưa được như kỳ vọng

Tại Hội thảo “Ứng dụng cây trồng biến đổi gen – Hiện trạng và tiềm năng phát triển” do CropLife Việt Nam và Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa tổ chức ở An Giang, Thạc sỹ Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt) cho biết, đến năm 2017, diện tích ngô GMO ở nước ta là 28.500,1 ha, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2015 (12.424,6 ha). Sự gia tăng diện tích ngô GMO như trên là không nhanh như kỳ vọng.

Tuy nhiên, ngô GMO ở Việt Nam đã chứng tỏ hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội. Theo điều tra của Cục Trồng trọt, hiệu quả kinh tế của nông dân trồng ngô tăng thêm khoảng 75 USD/ha khi ứng dụng ngô GMO. Còn theo điều tra của DEKALB, lợi nhuận tăng do áp dụng ngô GMO so với ngô lai là gần 29%.

Chính vì vậy, ngô GMO đã tạo được chỗ đứng vững chắc tại nhiều địa phương. Theo bà Aruna Rachakonda, TGĐ DEKALB Việt Nam, ĐBSCL là khu vực ứng dụng ngô GMO nhanh và nhiều nhất hiện nay, tập trung tại các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp… Ở những khu vực khác, các tỉnh đã có nhiều diện tích ngô GMO là Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đăk Lăk, Đăk Nông, Sơn La, Vĩnh Phúc…

Bà Aruna cho biết thêm: “Đến nay, đã có hơn 125 nghìn nông dân lựa chọn giống ngô công nghệ mới giúp tăng thu nhập 20 - 30%. Với hiệu quả rõ rệt và phản hồi tích cực từ bà con, số nông dân tin tưởng và lựa chọn giống ngô công nghệ mới này dự báo sẽ còn tăng trong những năm tới”.

Ngoài những hộ nông dân nhỏ lẻ, đã có nhiều HTX tổ chức sản xuất ngô GMO trên quy mô lớn. Ông Trần Quang, GĐ HTX Nông nghiệp Xuân Tiến (Xuân Phú, Xuân Lộc, Đồng Nai) cho biết, ông đã tham gia trồng thử nghiệm giống ngô GMO từ năm 2013. Đến nay, toàn bộ 150 ha trồng ngô của HTX đều đã sử dụng giống GMO.

"Qua mấy năm sản xuất liên tục, năng suất ngô GMO của HTX rất ổn định ở mức khoảng 10 tấn/ha nhờ quản lý dịch hại tốt hơn so với ngô thường, một số diện tích đạt năng suất 12 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí trực tiếp, lợi nhuận đạt 27 - 30 triệu đ/ha. Đặc biệt, nhờ sản xuất tập thể quy mô lớn nên từ đầu mỗi vụ, HTX đã ký được hợp đồng tiêu thụ với giá từ 5.800 - 6.000 đ/kg tùy vụ", ông Quang chia sẻ.

Đến tháng 3/2018, Bộ NN-PTNT đã công nhận 16 giống ngô GMO, gồm: NK66Bt, NK66Bt/GT, NK66GT, NK4300Bt/GT, NK67Bt/GT, NK7328Bt/GT của Cty Syngenta Việt Nam; C919S, C919R, DK9955S, DK9955R, DK6818S, DK6818R, DK6919S, DK6919R, DK8868S của Cty DEKALB Việt Nam; C.P.501S của Cty TNHH Hạt giống C.P. Việt Nam.

 

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất