| Hotline: 0983.970.780

'Ngoại giao khẩu trang'

Thứ Ba 07/04/2020 , 08:57 (GMT+7)

Chính sách “ngoại giao khẩu trang” dường như bắt đầu từ hơn 2 tuần trước, khi Italy trở thành tâm điểm của đại dịch.

Khẩu trang y tế do Trung Quốc hỗ trợ được chuyển đến Milan, Italy, hôm 25/3. Ảnh: Xinhua.

Khẩu trang y tế do Trung Quốc hỗ trợ được chuyển đến Milan, Italy, hôm 25/3. Ảnh: Xinhua.

Giữa lúc bộn bề khó khăn, Trung Quốc vẫn phái chuyên gia y tế và gửi những mặt hàng cần thiết tới các nơi bị đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề ở châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á, dấy lên lo ngại Bắc Kinh có động cơ tiềm ẩn sau động thái này.

Trong bối cảnh nhân viên y tế trên khắp thế giới chật vật xoay xở để bệnh viện có đủ giường và nguồn cung thuốc men để đối phó virus corona, Trung Quốc, Đức, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cùng nhiều nước khác đã ra tay giúp đỡ. Tuy nhiên, chỉ nỗ lực của Bắc Kinh làm dấy lên phản ứng trái chiều.

Truyền thông Trung Quốc mô tả Bắc Kinh đang “quyết tâm đối phó đại dịch”. Còn giới phân tích gọi đây là chính sách “ngoại giao khẩu trang” và Trung Quốc sẽ khó “lấy lòng” phe chỉ trích ở phương Tây.

Covid-19 khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hồi tháng 12/2019 trước khi lan ra các khu vực khác ở Trung Quốc. Trung Quốc phải phong tỏa tỉnh Hồ Bắc, áp hạn chế đi lại với nhiều thành phố để kiểm soát dịch bệnh.

Chính sách “ngoại giao khẩu trang” dường như bắt đầu từ hơn 2 tuần trước, khi Italy trở thành tâm điểm của đại dịch Covid-19, Bắc Kinh nhanh chóng phái nhóm chuyên gia y tế đầu tiên cùng hàng tấn vật tư y tế thiết yếu tới hỗ trợ Rome. Lúc này, dịch bệnh tại Trung Quốc đã hạ nhiệt.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Luo Zhaohui cho biết, Bắc Kinh đã hỗ trợ khẩn cấp, bao gồm dụng cụ xét nghiệm và khẩu trang, cho 83 quốc gia bởi nước này “đồng cảm và sẵn sàng cung cấp những gì có thể”. Trung Quốc còn muốn chia sẻ kinh nghiệm chống dịch với thế giới.

Trong khi đó, các bệnh viện ở Đức cho biết họ đang tiếp nhận những bệnh nhân nguy kịch vì Covid-19 từ Italy và Pháp. Quân đội Mỹ tại châu Âu cung cấp thuốc và thiết bị y tế như giường bệnh, đệm và giá treo 4 cạnh từ căn cứ ở thành phố cảng Livorno, Italy, cho vùng dịch Lombardy ở miền bắc nước này. Mỹ còn cam kết hỗ trợ y tế hơn 100 triệu USD cho các quốc gia, bao gồm cả "địch thủ" Iran.

Ngày 26/3, Ủy ban châu Âu thông báo phân bổ 38 triệu euro cho lĩnh vực y tế và 373 triệu euro cho phục hồi kinh tế và xã hội ở vùng Tây Balkan “để khẳng định Liên minh châu Âu (EU) luôn kề vai sát cánh với khu vực” trong cuộc chiến chống Covid-19.

Trung Quốc sau đó mở rộng phạm vi giúp đỡ ở châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á. Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc hỗ trợ nhân đạo trong một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu nhưng theo giới chức Bắc Kinh, đây là lần có quy mô lớn nhất kể từ năm 1949.

Chính sách “ngoại giao khẩu trang” này đang khiến phương Tây lo ngại. Phe chỉ trích cho rằng Trung Quốc đang tìm cách đánh lạc hướng sự chú ý khỏi cáo buộc nước này che giấu thông tin về dịch bệnh ở Vũ Hán, khiến thế giới ứng phó chậm trễ.

Marcin Przychodniak, nhà phân tích tại Viện Ba Lan về Các vấn đề Quốc tế, nhận định các nước nhận hàng từ Trung Quốc, đặc biệt là ở Trung và Đông Âu, sẽ cảm kích nhưng song song với đó là lo ngại về động cơ kinh tế, chính trị ẩn sau.

Lô khẩu trang y tế do Mỹ hỗ trợ ở Milan, Italy. Ảnh: EPA.

Lô khẩu trang y tế do Mỹ hỗ trợ ở Milan, Italy. Ảnh: EPA.

Josep Borrell, cao ủy EU về Đối ngoại và An ninh, hôm 23/3 cũng lên tiếng cảnh báo về chiến dịch quyền lực mềm của Bắc Kinh, kêu gọi châu Âu “phải thận trọng nếu có yếu tố địa chính trị trong khủng hoảng, bao gồm ý định gây ảnh hưởng thông qua chiến lược chính trị hào phóng”.

Miwa Hirono, chuyên gia về hỗ trợ nước ngoài của Trung Quốc tại Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản, nhận định khác với khi hỗ trợ Tây Phi trong đại dịch Ebola năm 2014 - 2016, chính sách “ngoại giao khẩu trang” lần này bị gắn với giả định “Trung Quốc đang cố giành quyền lãnh đạo thế giới bằng cách cải thiện hình ảnh, tăng quyền lực mềm bằng cung cấp khẩu trang”.

Bà Hirono cho rằng động cơ của Trung Quốc không nên lý giải đầy đủ theo cách đó.

“Nhiều quốc gia khác cũng đề nghị hỗ trợ. Mọi bên đều muốn cải thiện hình ảnh, không chỉ Trung Quốc. Nếu luôn liên hệ mọi hành động của Trung Quốc với ý định giành quyền lãnh đạo thế giới mà không tính đến bối cảnh hay lịch sử viện trợ, chúng ta sẽ không thể thấy bản chất thật sự của vấn đề”.

Ngoài Trung Quốc, Italy còn nhận sự hỗ trợ từ Cuba, Nga. Moscow còn sẵn sàng giúp nếu Washington cần. Cuba cử các nhóm bác sĩ tới giúp Venezuela, Nicaragua, Suriname, Jamaica và Grenada. Hàn Quốc tặng hơn 15.000 dụng cụ xét nghiệm cho Philippines. Đài Loan tuyên bố gửi 100.000 khẩu trang cho Mỹ mỗi tuần, cam kết quyên góp 1 triệu khẩu trang cho Paraguay sau khi Trung Quốc đưa ra đề nghị tương tự.

Do đó, những đề nghị của Trung Quốc không giúp ích nhiều trong cải thiện hình ảnh trên thế giới, bà Hirono nói.

“Về ngắn hạn, các nước nhận khẩu trang và thiết bị y tế sẽ cảm kích Trung Quốc. Về dài hạn, khó có thể tưởng tượng họ sẽ rơi vào quyền lực mềm của Trung Quốc chỉ vì các thùng khẩu trang”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất