Kim Sơn là huyện miền biển duy nhất của tỉnh Ninh Bình. Nơi đây được coi là thủ phủ của nghề trồng cói đan lát, chính vì thế từ xa xưa người dân ở vùng quê này đã biết dùng thân cây cói để lợp nhà chứ không dùng rơm rạ như các vùng đất khác trên cả nước. |
Nhà lợp bằng thân cây cói có độ bền cao hơn rơm, rạ lại có chi phí thấp vì tận dụng được nguồn cói thừa ở địa phương. |
Mái nhà lợp bằng cói thường có độ dày từ 0,5 đến 1 m, nhờ kết cấu này mà trong nhà luôn mát mẻ về mùa hè và sự ấm áp khi mùa đông. |
Trên nóc nhà có những ụ cói nhỏ được bện chặt vào xà nhà để bắt chặt mái, vừa để đảm bảo an toàn mỗi khi gió bão và cũng là để trang trí cho ngôi nhà. |
Những căn nhà mái cói cũng thường được xây dựng kiểu kiến trúc đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, bên trong ngôi nhà là hệ thống rui, mè bằng gỗ được cố định vô cùng chắc chắn |
Ông Ngô Văn Phi (xóm 17, xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn) chủ một ngôi nhà lợp bằng mái cói cho biết: Ngôi nhà của gia đình ông xây dựng từ năm 1958, thông thường cứ 30 năm sẽ sửa chữa nhà, thay mái một lần. Nhà ông thay mái lần gần đây nhất chi phí hết 30 triệu đồng. Mái cói hiện đắt hơn trước vì người dân ít trồng cói, không mua được cói loại để tận dụng. So với lợp ngói, căn nhà ông Phi lợp cói hết gấp đôi số tiền lợp ngói |
Cũng theo ông Phi, lý do không lợp mái nhà bằng ngói hay tôn là vì không mát bằng lợp mái bổi. Ngoài ra, lợp cói có độ bền cao hơn lợp mái ngói, bên cạnh đó gia đình ông cũng muốn giữ lại kiến trúc cổ của căn nhà độc đáo mà ông cha để lại. |
Hiện đối với nhiều gia đình ở huyện Kim Sơn, nhà mái cói vẫn là mái ấm với họ trong suốt nhiều thập kỷ đã qua... Nhiều nhà do không có điều kiện xây nhà mới nên vẫn ở nhà mái cói, nhưng nhiều nhà vẫn quyết giữ lại căn nhà kỷ niệm của gia đình, đó cũng là một nét văn hóa độc đáo hiếm hoi còn lưu giữ được ở vùng quê ven biển duy nhất của tỉnh Ninh Bình |