| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân ven đầm Đề Gi khấm khá nhờ nuôi hàu

Thứ Ba 03/12/2024 , 17:09 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Nghề nuôi hàu không những mang lại lợi ích kinh tế, cải thiện môi trường nước mà còn tạo việc làm cho lao động nông nhàn tại địa phương.

Đối tượng dễ nuôi, ít dịch bệnh

Theo ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Bình Định), nghề nuôi hàu Thái Bình Dương ở Bình Định phát triển mạnh trong 3 năm qua, tập trung tại đầm Đề Gi thuộc xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) và xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ).

Hàu là loài nhuyễn thể có giá trị dinh dưỡng cao, sinh sống khá phổ biến ở vùng cửa sông. Do bị khai thác ồ ạt trong thời gian dài nên loài thủy sản giá trị này đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Nghề nuôi hàu đã làm “hồi sinh” vật nuôi thủy sản giàu dinh dưỡng và góp phần làm phong phú thêm đối tượng nuôi tại Bình Định.

Ông Nhân cho hay: Hàu dễ nuôi, ít tốn công chăm sóc, sống chủ yếu nhờ vào nguồn tảo đơn bào, chất hữu cơ phù du lơ lửng có sẵn trong nước, do vậy đối tượng này còn giúp làm sạch môi trường nước. Vùng đầm Đề Gi trải dài từ huyện Phù Mỹ đến huyện Phù Cát thích hợp với việc nuôi hàu. Nhiều hộ dân ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) và xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) đã nuôi hàu thành công.

Lồng bè nuôi trồng thủy sản trong đầm Đề Gi thuộc xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Lồng bè nuôi trồng thủy sản trong đầm Đề Gi thuộc xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

“Nuôi hàu không khó, chủ yếu chọn địa điểm có chất lượng nước phù hợp là nuôi thành công. Yếu tố tiên quyết là phải chọn vùng nuôi có độ mặn ít biến động để hàu phát triển tốt. Vùng nước thích hợp để nuôi hàu phải có độ mặn ổn định từ 25 - 30 phần nghìn, vùng nước có độ mặn khoảng từ 20 - 22 phần nghìn vẫn nuôi hàu được nhưng hàu sinh trưởng, phát triển không tốt lắm”, ông Phạm Thanh Nhân cho hay.

Theo ông Trần Phong, cán bộ thủy sản xã Cát Khánh, hiện trên địa bàn xã có 53 hộ nuôi thủy sản lồng bè trên đầm Đề Gi. Trong đó có 22 hộ nuôi cá bớp và 2 hộ nuôi cá bớp xen cá chim và hàu trong vùng đầm gần cầu Đề Gi, 20 hộ nuôi chuyên hàu và 9 hộ nuôi sò trong đầm Đề Gi.

Theo chỉ dẫn của anh Phong, chúng tôi tìm gặp anh Đào Văn Phương ở thôn An Quang Tây, người đầu tiên nuôi hàu ở xã Cát Khánh. Anh Phương vào nghề nuôi thủy sản lồng bè trên biển đã 10 năm nay, 2 năm đầu khởi nghiệp anh nuôi cá mú gần cầu Đề Gi, sau đó theo hướng dẫn của các “đàn anh” đi trước trong nghề, anh chuyển sang nuôi hàu đã 8 năm nay.

“Tôi nuôi hàu đã 8 năm rồi, trước mùa mưa bão năm nay tôi đã bán hết hàu để tránh thiệt hại do mưa lũ. Tôi thường xuyên nuôi 3.000 kết hàu. Kết nuôi hàu được làm bằng nhựa, giống như kết đựng cá của ngư dân nhưng nhỏ hơn, mỗi kết nuôi được 3kg hàu giống. Sau 2 tháng nuôi, khi hàu bắt đầu lớn tôi sang bớt ra kết khác nuôi tiếp để hàu có không gian sinh trưởng. Giống hàu tôi nuôi đều có nguồn gốc từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III ở Khánh Hòa, bên cạnh đó hiện nay đã có nhiều cơ sở tư nhân bán hàu giống”, anh Phương cho hay.

Ngư dân thu hoạch hàu nuôi tại đầm Đề Gi thuộc xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ngư dân thu hoạch hàu nuôi tại đầm Đề Gi thuộc xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Thu nhập khá

Cũng theo anh Phương, trước đây, khi nghề nuôi hàu ở đầm Đề Gi mới chỉ có 1 - 2 người nuôi thì giá hàu rất cao, càng về sau giá hàu càng giảm dần. Ví như trước đây hàu thương phẩm (hàu sữa) có giá đến 45.000đ/kg, về sau giá ngày càng giảm dần xuống còn 40.000đ/kg, rồi 30.000đ/kg, nay chỉ còn 25.000đ/kg. Hàu tôm (hàu nuôi ngắn ngày bán làm thức ăn cho tôm) hiện chỉ có giá 5.000đ/kg.

“Bây giờ người nuôi chủ yếu nuôi hàu tôm bởi ngắn ngày, chỉ gần 3 tháng nuôi là thu hoạch. Còn nuôi hàu thương phẩm phải 6 tháng mới thu hoạch”, anh Phương cho hay.

Theo nhiều hộ nuôi hàu ở xã Cát Khánh, nuôi hàu là hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao với mức lãi bình quân mỗi năm từ 15 - 80 triệu đồng/ha. Không chỉ vậy hàu còn giúp làm sạch môi trường nước.

Ngoài xã Cát Khánh (huyện Phù Cát), ở xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) ven đầm Đề Gi trước đây cũng phát triển mạnh nghề nuôi hàu với khoảng 50 hộ nuôi. Theo ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thành, hầu hết hộ nuôi hàu ở địa phương này tập trung tại thôn Vĩnh Lợi 1, số khác rải rác ở thôn Hưng Tân và thôn Mỹ Lợi 2. Hiện nay do vùng nước nuôi hàu đã cạn tảo, hàu bị chết nhiều nên hộ nuôi hàu ở xã Mỹ Thành đã giảm bớt.

Tập kết hàu để bán cho thương lái. Ảnh: V.Đ.T.

Tập kết hàu để bán cho thương lái. Ảnh: V.Đ.T.

Theo anh Đào Văn Phương, người có thâm niên 8 năm nuôi hàu ở xã Cát Khánh, con hàu sợ nhất là ốc lông, mỗi kết hàu mà lọt vào 2 con ốc lông là chẳng mấy chốc hơn 3kg hàu nuôi trong kết sẽ bị ốc ăn sạch. Do đó, hằng ngày người nuôi phải thuê lao động nhàn rỗi tại địa phương kiểm tra các kết nuôi để loại trừ ốc lông nhằm bảo toàn hàu nuôi, đồng thời làm vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ.

Anh Phương cho biết thêm: So với các đối tượng hải sản nuôi biển khác, chi phí nuôi hàu thấp hơn, kỹ thuật nuôi đơn giản hơn. Người nuôi chỉ cần vệ sinh khu vực nuôi, loại bỏ các loại ốc và giáp xác (cua, còng, cáy) là những loài thường ăn hàu giống; vớt rác, cạo, tẩy các loại rong ký sinh trên vỏ hàu. Vùng nuôi tảo càng nhiều thì hàu càng nhiều sữa, thị trường càng ưa chuộng. Đặc biệt, môi trường nguồn nước trong vùng nuôi hàu được thanh lọc tốt hơn.

“Trước đây, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III ở Khánh Hòa đã triển khai nhiều dự án nuôi hàu tại Bình Định. Nhờ đó, người nuôi hàu ở Bình Định tiếp cận được quy trình nuôi giúp nghề nuôi hàu phát triển”, ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Bình Định chia sẻ.

Xem thêm
Chưa thể làm chợ đấu giá thủy sản khi ngư dân còn phụ thuộc đầu nậu

‘Khi nào giải quyết được việc bà con đi khai thác trên biển chủ động được kinh phí, không phụ thuộc vào nậu vựa thì mới có thể làm chợ đấu giá được’.

Xuất khẩu thủy sản mừng 10 tỷ USD và nghĩ về tương lai

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 hân hoan về đích 10 tỷ USD, thị trường vươn tới 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một thành tựu đáng mừng, song vẫn còn nhiều trăn trở.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.