| Hotline: 0983.970.780

Ngư Thủy Bắc và lộ trình giảm nghèo bền vững

Thứ Ba 07/11/2023 , 18:26 (GMT+7)

Quảng Bình Vượt lên khó khăn, thách thức, xã Ngư Thủy Bắc từng bước đi lên, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) là xã vùng biển bãi ngang, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất ngư nghiệp gần bờ nên đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, vất vả.

Theo ông Trần Kim Trung, Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc, để từng bước nâng cao đời sống cho người dân, thay đổi bộ mặt nông thôn thì phải có những chính sách đòn bẩy, gắn chặt việc giảm nghèo bền vững, thoát nghèo với nhiệm vụ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

“Chính quyền xã đã căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên trong ban chỉ đạo, các ngành, đoàn thể để hướng dẫn, đôn đốc nhân dân thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, huy động nguồn lực và tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả để tạo nên phong trào lớn”, ông Trung nói.

Có nguồn vốn vay ưu đãi, ngư dân vùng biển bãi ngang mua sắm ngư lưới cụ, nâng cấp thuyền để ra khơi. Ảnh: T.Phùng.

Có nguồn vốn vay ưu đãi, ngư dân vùng biển bãi ngang mua sắm ngư lưới cụ, nâng cấp thuyền để ra khơi. Ảnh: T.Phùng.

Ở Ngư Thủy Bắc, điều kiện kinh tế của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Toàn xã có gần 1.100 hộ dân, chủ yếu sống dựa vào việc khai thác biển ven bờ nên thu nhập thấp và bấp bênh. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 50% tổng số hộ. Vì vậy, nhiệm vụ giảm nghèo, thoát nghèo được chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu.

Nhờ có được nguồn vốn vay ưu đãi, ngư dân trong xã cùng nhau sắm sửa ngư lưới cụ, sửa chữa lại tàu thuyền để đảm bảo ra khơi bám biển được dài ngày. Ngư dân Ngô Văn Hậu cho chúng tôi hay, trước đây gia đình dùng thuyền công suất nhỏ để làm nghề lưới ven biển. Sau này nhờ có nguồn vốn vay nên mua được lưới tốt, nâng cấp thuyền với máy khỏe hơn.

“Thay vì đi biển trong ngày thì tôi cùng hai bạn thuyền khai thác trên biển được 2 ngày. Sản lượng đánh bắt tăng lên, chi phí đi biển giảm xuống nên thu nhập cho mọi người cũng tăng lên đáng kể”, ông Hậu hồ hởi nói.

Đến nay, Ngư Thủy Bắc có đội tàu thuyền khoảng 430 chiếc. Sản lượng đánh bắt trong năm khoảng 1.000 tấn. Ông Trần Kim Trung cho hay, bà con đã chuyển nghề nhanh, từ đánh đèn sang câu mực, lưới mực, lưới tôm hùm, xúc cá trắng… có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập trong khai thác đánh bắt.

Sản lượng đánh bắt tăng đã cải thiện thu nhập cho ngư dân vùng biển bãi ngang. Ảnh: T.Phùng.

Sản lượng đánh bắt tăng đã cải thiện thu nhập cho ngư dân vùng biển bãi ngang. Ảnh: T.Phùng.

Trong những năm gần đây, xã Ngư Thủy Bắc chủ trương phát triển nuôi cá lóc nước ngọt, nuôi ếch… để phát huy tiềm năng nuôi trồng thủy sản trên vùng cát ven biển. Từ những hộ nuôi ban đầu, sau gần 10 năm quy hoạch ngành nghề, toàn xã có khoảng 350 hộ nuôi trồng thủy sản trên tổng diện tích khoảng 19ha.

Gia đình ông Trần Văn Đô có 3 hồ nuôi cá lóc thương phẩm. Ông Đô cho hay, mỗi năm, từ nuôi cá, gia đình cũng có nguồn lãi trên 100 triệu đồng. Không chỉ thoát nghèo mà hiện gia đình đã vươn lên khá giả, làm được nhà kiên cố, mua sắm tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, đời sống ngày càng được nâng cao.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh từ nuôi trồng thủy sản ven biển, từ mô hình nuôi cá lóc trên cát, đến nay người dân Ngư Thủy Bắc có thu nhập cao hơn so với trước đây. Theo tính toán của nhiều ngư dân, hàng năm, sản lượng cá lóc thương phẩm được xuất bán trung bình khoảng 2.000 tấn.

“Với giá bán bình quân 50 ngàn đồng/kg, mỗi năm doanh thu từ cá lóc của toàn xã khoảng 100 tỷ đồng. Số tiền này đã tạo nên cho các thôn, các gia đình sự đổi mới, khởi sắc”, ông Trung nhìn nhận.

Ngư dân xã Ngư Thủy Bắc phát triển nuôi cá lóc trên cát, cho doanh thu mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng. Ảnh: T.Phùng.

Ngư dân xã Ngư Thủy Bắc phát triển nuôi cá lóc trên cát, cho doanh thu mỗi năm khoảng 100 tỷ đồng. Ảnh: T.Phùng.

Thời gian tới, Ngư Thủy Bắc tiếp tục hỗ trợ 24 hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn vay vốn từ 12 - 14 triệu đồng mỗi hộ để nuôi ngan đen. Bà con sẽ có thêm nguồn thu nhập đáng kể và có thêm định hướng phát triển chăn nuôi, tạo sinh kế mới trên vùng cát.

Phát triển vững chắc về kinh tế là động lực để làm tốt nhiệm vụ giảm nghèo bền vững. Từ tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm cao, đến nay, Ngư Thủy Bắc đang phấn đầu đến cuối năm sẽ giảm xuống còn 6,5%.

Giảm nghèo bền vững và gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, nhân dân đóng góp ngày công, hiến đất, hiến tài sản theo tinh thần tự nguyện. Được biết, từ năm 2020 đến nay, tổng giá trị do nhân dân ở Ngư Thủy Bắc đóng góp tính thành tiền đạt hơn 1,1 tỷ đồng.

Xem thêm
Tàu cá vi phạm về VMS còn nhiều, Thủ tướng yêu cầu xử lý triệt để

Nếu không xử phạt nghiêm minh các trường hợp tàu cá vi phạm quy định về VMS, khả năng gỡ được cảnh báo 'thẻ vàng' IUU trong năm 2024 là rất thấp.

Cần Thơ đề xuất dự án chống ngập, sạt lở bảo vệ gần 2.800ha nội ô

TP Cần Thơ vừa đề xuất Chính phủ đầu tư Dự án chống ngập, chống sạt lở, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ gần 2.800ha.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.