Khác biệt xưa và nay
Xin ông cho biết tỉnh Lạng Sơn đã có những chính sách gì để phát triển lâm nghiệp được như hiện nay?
Lạng Sơn có diện tích tự nhiên 831.018 ha, trong đó rừng và đất lâm nghiệp 602.496 ha nên xác định lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội nhất là các vùng khó khăn, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh ủy đã ban hành các Nghị quyết số 29 giai đoạn 2011–2020; số 30 giai đoạn 2021 – 2030, cùng với sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành trong tỉnh người dân cơ bản đã tiếp cận được hết các cơ chế, chính sách liên quan đến lâm nghiệp, tạo ra kết quả khá rõ nét.
Mỗi năm sản lượng nhựa thông của tỉnh khoảng 40.000 tấn, thu trung bình từ 1.000-1.200 tỷ tùy thời giá; hoa hồi khoảng 15.000 tấn khô, thu trung bình hơn 2.000 tỷ; gỗ khoảng 700.000m3 thu hơn 1.000 tỷ. Nói chung, chính sách của trung ương và địa phương về lâm nghiệp cơ bản đã ổn nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng bởi tư duy của nhiều người dân còn thấp…
Ngày xưa nhắc đến Đình Lập là huyện nghèo nhất tỉnh, còn ngày nay thì sao thưa ông?
Trước đây, Đình Lập là một trong những huyện nghèo của tỉnh, việc sản xuất lâm nghiệp chủ yếu là nhỏ lẻ, manh mún, kém áp dụng tiến bộ khoa học cũng như kết nối sản xuất và thị trường, chưa thiết lập được hệ thống quản lý rừng bền vững. Hiện nay việc phát triển lâm nghiệp tại Đình Lập khá đồng đều. Ở xã Bắc Lãng có gia đình anh chị Hiếu Thủy đã đầu tư trồng 120 ha keo với mục đích kinh doanh gỗ lớn, sau 12 năm mới khai thác và có xưởng chế biến gỗ khép kín.
Tôi hy vọng rằng sau khi giải quyết được chuyện đói nghèo thì bà con sẽ trồng rừng gỗ lớn, sau keo, thông có thể là cây bản địa như lim chứ không phải là chuyện trồng vài năm rồi chặt bán ngay lúc gỗ đang còn nhỏ như hiện nay. Đình Lập là địa phương tiên phong của tỉnh về việc cấp chứng chỉ rừng, trong năm 2022 đã cấp được trên 4.500 ha VFCS/PEFC, dự kiến năm 2024 cấp khoảng 4.500 ha nữa.
Đi thực tế ở Đình Lập tôi thấy bây giờ bà con mới phát triển lâm nghiệp kiểu khai thác nhanh nên dù đất rộng, như trung bình ở xã Kiên Mộc mỗi hộ 10-20 ha, ở xã Bắc Xa mỗi hộ 30-40 ha mới chỉ cho kinh tế ở mức khá, thưa ông?
Trước đây đa số bà con sản xuất lâm nghiệp kiểu quảng canh, cậy đất rộng, cậy vào ưu thế của điều kiện tự nhiên bởi trồng thông không phải chăm sóc nhiều, khi cây đã khép tán rồi sẽ hạn chế các loài cây phát triển dưới tán nên chỉ việc tập trung vào bảo vệ rừng, quản lý sao cho không bị cháy. Hiện một số địa bàn việc phát triển lâm nghiệp đã được đầu tư theo hướng thâm canh, dần hình thành vùng nguyên liệu tập trung, giúp chất lượng, giá trị rừng trồng ngày một tăng.
Các lực lượng chức năng, đặc biệt là kiểm lâm địa phương đã tuyên truyền, hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật, chuyển từ kinh doanh rừng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng gỗ lớn để nâng cao hiệu quả; chủ động thiết lập các hình thức liên kết để hỗ trợ nhau và tạo vùng nguyên liệu tập trung, ổn định.
Tuy nhiên do đặc thù chu kỳ kinh doanh trong lĩnh vực lâm nghiệp dài, đầu tư cần phải đủ lớn, trong khi hiện nay tiềm lực kinh tế của bà con còn có hạn, cuộc sống chủ yếu dựa vào đồi rừng, do vậy cũng cần phải có thu nhập nhanh dẫn đến việc khai thác rừng sớm.
Ông thấy tư duy làm rừng xưa và nay có gì khác nhau?
Xưa trồng chỉ một nhát cuốc là xong, không có cuốc hố theo kích cỡ 40x40cm như bây giờ, thậm chí nhiều gia đình còn làm đất toàn diện, dùng máy móc cày bừa đàng hoàng; Thứ hai là về giống, trước đây bà con chưa thật sự quan tâm đến chất lượng giống, nhưng bây giờ dân rất chú trọng yếu tố giống, phải đến những vườn có đầy đủ nguồn gốc không còn mua lung tung nữa.
Thứ ba là việc chăm sóc đã thay đổi hoàn toàn, có bón lót, thúc đầy đủ, rồi làm đường băng cản lửa, đường giao thông chia ô bàn cờ thậm chí các hộ gia đình đã biết liên kết với nhau để phòng cháy, chữa cháy rừng hay biết liên kết cùng khai thác để dễ vận chuyển, dễ bán. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều hộ vẫn chưa thực sự canh tác áp dụng theo tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Chứng chỉ rừng đã có nhưng chưa phát huy tác dụng
Liên quan đến chứng chỉ rừng tôi có làm việc với chính quyền xã họ nói đã cùng kiểm lâm thuyết phục bà con tham gia nhưng lúc thuyết phục thì bảo làm theo để có giá thu mua cao hơn mà hiện tại chưa thấy gì nên bắt đầu nản. Ông thấy chuyện đó thế nào?
Tại thời điểm thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 trên toàn thế giới các doanh nghiệp chế biến lâm sản gặp khó khăn khiến giá thu mua chưa đảm bảo. Tuy nhiên hiện tập đoàn Hào Hưng đã xây dựng trạm thu mua và thông báo thu mua toàn bộ gỗ đã được cấp chứng chỉ rừng với giá cao hơn giá thị trường từ 3-10 % tùy loại sản phẩm.
Đồng thời theo tiến độ được phê duyệt, dự án nhà máy gia công, sản xuất các sản phẩm từ nhựa thông tại huyện Đình Lập với tổng mức đầu tư 122,5 tỷ đồng do Công ty TNHH Rosin Industries Việt Nam đang đầu tư, dự kiến đi vào sản xuất ổn định từ quý III năm 2024 cũng sẽ là đầu ra cho việc thực hiện bán nhựa thông có chứng chỉ rừng. Chứng chỉ rừng do doanh nghiệp họ bỏ tiền ra duy trì cho bà con và dù có được cấp hay không đi chăng nữa vẫn cần tuyên truyền cho bà con phải sản xuất rừng bền vững.
Tôi có thấy thực trạng là giá nhựa thông rất bấp bênh, chủ yếu ta mới bán thô sang Trung Quốc chứ chưa chế biến sâu để gia tăng giá trị, thưa ông?
Hiện trên địa bàn Lạng Sơn có 3 cơ sở chế biến nhựa thông trong đó 2 ở huyện Lộc Bình liên doanh với Trung Quốc đang hoạt động nhưng chưa hết công suất và 1 ở huyện Đình Lập liên doanh với Hàn Quốc, công nghệ cao, đang trong quá trình hoàn thiện. Nếu khai thác đúng công suất thì chúng có thể đáp ứng thoải mái cho sản lượng nhựa thông của tỉnh nhưng hiện cơ bản thị trường của ta vẫn phụ thuộc xuất thô vào Trung Quốc và từ hồi Covid đến nay giá bán khá thấp. Về khai thác nhựa thông, thời gian qua kiểm lâm cũng đã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân áp dụng thâm canh rừng trồng, chỉ khai thác khi cây đã đủ tuổi để cho năng suất, sản lượng cao.
Trong phát triển kinh tế từ lâm nghiệp thì vai trò của kiểm lâm ra sao, thưa ông?
Kiểm lâm địa bàn là lực lượng thường xuyên gần dân, bám dân, bám địa bàn, tham mưu cho chính quyền cơ sở trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng. Làm tốt việc sử dụng phát triển rừng thì mới làm tốt được việc quản lý bảo vệ rừng.
Phải khẳng định trong phát triển kinh tế lâm nghiệp thì vai trò của lực lượng kiểm lâm là đặc biệt quan trọng. Bên cạnh thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về lâm nghiệp, thì việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất lâm nghiệp quảng canh sang thâm canh; hướng dẫn ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các loại giống mới, phát triển nông lâm kết hợp, trồng dược liệu dưới tán rừng để nâng cao hiệu quả, giá trị sử dụng đất; phổ biến các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào lâm nghiệp...
Tuy nhiên biên chế cho lực lượng kiểm lâm còn rất mỏng, toàn tỉnh được giao chỉ tiêu 191 người nhưng thực tế mới có 177 người (3 năm nay chúng tôi không thi tuyển đủ công chức). Mỗi cán bộ kiểm lâm địa bàn hiện đang phải quản lý ít nhất 2 xã, mà có những xã rộng tới cả chục ngàn ha đất lâm nghiệp, đường sá di chuyển rất khó khăn, nơi ăn chốn ở tại chỗ cho họ vẫn chưa có, do vậy việc phát huy vai trò có lúc, có thời điểm vẫn còn những hạn chế nhất định. Rồi dù đã có ưu đãi ngành, thâm niên nghề nhưng vẫn không thấm vào đâu.
Một số trường hợp khi vào ngành rồi nhưng do khó khăn, vất vả, trang thiết bị thiếu thốn, áp lực, trách nhiệm công việc cao (không cố ý làm sai mà chỉ vô ý thôi trách nhiệm đã rất nặng nề, đặc thù nghề nguy hiểm) nên đã xin chuyển sang các ngành khác hay xin nghỉ.
Đó cũng là trăn trở của chúng tôi. Làm sao phải giữ được cán bộ, làm sao tuổi của cán bộ phải đủ 3 tầng lớp. Chính sách cho kiểm lâm theo tôi cần phải tốt hơn nữa và phải coi đó là một nghề nguy hiểm độc hại, như vừa rồi cháy rừng ở các tỉnh đã có những kiểm lâm hi sinh. Hệ thống kiểm lâm trên toàn quốc phải được đồng nhất về chính sách, cơ cấu tổ chức, có được đầy đủ quyền để phát huy được hết những chức năng, nhiệm vụ.
Xin cảm ơn ông!