| Hotline: 0983.970.780

Ngư trường dồi dào hải sản, ngư dân kiếm gần trăm triệu đồng mỗi ngày

Thứ Bảy 11/02/2023 , 16:47 (GMT+7)

HÀ TĨNH Vươn khơi đầu năm, ngư dân Hà Tĩnh trúng đậm nhiều mẻ cá đù, cá cơm, ghẹ..., bình quân mỗi ngày thu gần trăm điệu đồng.

Empty

Cá cơm xuất hiện sớm dự báo ngư trường khai thác hải sản năm 2023 ở Hà Tĩnh rất dồi dào. Ảnh: TN.

Những chuyến cập bến đầu năm mới, ngư dân Hà Tĩnh phấn khởi ra mặt khi tàu thuyền nào cũng đầy ắp tôm, cá.

Ông Nguyễn Viết Hùng, Phụ trách Phòng Quản lý khai thác (Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh) cho hay, những ngày đầu năm Quý Mão, thời tiết ở Hà Tĩnh tương đối thuận lợi, ngư trường dồi dào ghẹ, cá, đặc biệt là sự xuất hiện sớm của loài cá cơm – loài cá làm thức ăn cho các loài hải sản có giá trị khác như cá hố, cá thu… Điều này báo hiệu một năm khai thác hải sản sẽ có nhiều sự khởi sắc so với các năm trước.

“Ước tính từ 31/1 (tức mùng 10 tháng Giêng) đến nay, ngư dân Hà Tĩnh khai thác đạt 3.000 tấn hải sản, thu về khoảng 160 tỷ đồng. Trúng đậm nhất là những mẻ cá cơm, cá đù, cá hố, ghẹ…”, ông Hùng nói.

5 ngày gần đây, hầu như ngày nào thuyền của ông Lê Xuân Tiến (60 tuổi), trú xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên trở về bờ cũng đầy ắp cá trong khoang.

Thuyền của ông Tiến đánh bắt vùng lộng, cách bờ khoảng 6 – 7 hải lý. Thông thường cứ 2h sáng hàng ngày chiếc thuyền công suất 115CV của ông ra khơi với tổng số 10 lao động. Đến khoảng đầu giờ chiều cùng ngày thuyền cập bến đổ hàng.

Empty

5 ngày qua, thuyền của ngư dân Tiến khai thác được khoảng 10 tấn cá đù, thu về gần 400 triệu đồng. Ảnh: Hương Thành. 

Theo thống kê của UBND xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, toàn xã hiện có hơn 250 tàu, thuyền các loại, trong đó đánh bắt gần bờ có 87 phương tiện. 40 ngày đầu năm 2023, ngư dân toàn xã đánh bắt được hơn 100 tấn thủy, hải sản các loại, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Cá chúng tôi về ngày nào được thương lái thu mua hết tại bến ngày đó. 5 ngày vừa rồi thuyền tôi trúng đậm cá đù. Ước sản lượng khoảng 10 tấn, bán với giá dao động từ 20.000 - 60.000 đồng/kg, tùy loại cá lớn nhỏ, thu về gần 400 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi thuyền viên có thu nhập 15 - 20 triệu đồng”, ông Tiến phấn khởi nói.

Theo chia sẻ của ngư dân có gần 40 năm gắn bó với biển, để đánh bắt trúng luồng cá như vậy, ngoài may mắn cần có kinh nghiệm và máy dò. Khi phát hiện luồng cá lớn, ông Tiến lái thuyền chặn lối di chuyển của chúng, tiếp đó thả lưới dài 300m bao vây, tạo thành hình vòng cung. Với mẻ cá nặng 3-4 tấn, các ngư dân phải hợp sức kéo cả tiếng đồng hồ mới đưa được lưới cá lên, chất đầy khoang.

“Ngư dân ai cũng gắn bó với biển hàng chục năm rồi nên không thấy mệt. Đầu năm khai xuân, đánh bắt được nhiều như vậy, chúng tôi rất phấn khởi”, ông Tiến chia sẻ.

Chung niềm vui, tàu cá của ông Nguyễn Văn Bê, xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân những ngày này cũng thu về nhiều mẻ ghẹ tươi xanh, chắc nịch. Theo ông Bê, năm nay ghẹ xuất hiện sớm và khá dồi dào nên hoạt động khai thác rất thuận lợi.

Empty

Thương lái đến tận bến thu mua cá cho ngư dân. Ảnh: Hương Thành.

Để bảo vệ ngư trường, cộng đồng ngư dân Xuân Liên thống nhất không sử dụng các loại lưới mắt nhỏ, kích điện, đặc biệt, hải sản có giá trị kích thước nhỏ sau khi kéo lưới lên đều được thả trở lại biển để tiếp tục sinh sôi, phát triển.

Được biết, tổng số tàu cá toàn tỉnh Hà Tĩnh đã đăng ký có 2.957 chiếc, trong đó tàu hoạt động tại vùng lộng, vùng khơi (chiều dài từ 12m trở lên) có 617 chiếc, làm các nghề câu, vó, mành, vây, lồng bẫy, chụp mực và là đội tàu đóng góp phần lớn sản lượng, giá trị khai thác thủy sản của tỉnh.  Số còn lại chiếm hơn 80% hoạt động vùng biển ven bờ.

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.