Trồng rừng theo lời Bác
Xã Tân Dân (TP Hạ Long, Quảng Ninh) sở hữu những ngọn đồi xanh ngút ngàn, dân cư nơi đây thưa thớt, không khí thoáng đãng, vắng vẻ, gần như không có tiếng ồn ào của xe cộ. Dọc theo quốc lộ 279, dưới chân đèo Hạ My, khu rừng lim lâu năm của ông Triệu Tài Cao, người dân tộc Dao, như nổi bật nhất vùng vì những cây lim ở đây cao vượt trội so với các khu lân cận.
Dưới tán rừng già, nhà ông Cao được xây cất đã lâu, nay thuộc loại cổ và sơ sài nhất thôn với chỉ hai gian nhỏ. Điểm nhấn trong căn nhà gỗ nhỏ nhắn là những bức ảnh đầy ắp kỷ niệm về những năm tháng giữ rừng được ông trang trọng đặt trên chiếc tủ nằm sát ban thờ.
Nhớ lại những năm 60 của thế kỷ trước, ông Cao thường đi cùng bố vào rừng để đào trầm mưu sinh. Tại đây, ông được tận mắt chứng kiến những cánh rừng lim bị phu trầm đào gốc, cưa đổ không thương tiếc. Kể từ đó, mong ước được sở hữu và bảo vệ khu rừng lim nhen nhóm từng ngày.
Đến năm 1968, theo lời kêu gọi của Bác Hồ về Tết trồng cây, ông Cao bắt đầu cùng gia đình dọn sạch khu đồi sau nhà để trồng những cây con đầu tiên. Thời gian đó, việc có được cây giống là vô cùng khó khăn. Để giải quyết việc này, trong nhiều tháng trời, ông mang theo đồ nghề, cơm nắm rong ruổi khắp khu rừng thẳm để tìm hạt giống lim đem về ươm mầm.
Nhờ thế, hàng loạt cây lim, sến, táu được trồng xen kẽ nhau sau khi ông Cao ươm thành cây non. Tuy nhiên, cây cứ phát triển cao đến đầu gối là tự chết dần. Nguyên nhân cũng bởi đất đai cằn cỗi và ông nhận ra lim là cây mọc tự nhiên, phát triển từ rừng nguyên sinh, rất khó để nhân giống, khó trồng, chậm lớn, và phải trồng cách xa nhau. Sau khi rút ra được nhiều kinh nghiệm trồng rừng, dần dần, khu rừng của ông cũng thành hình, cây mọc khỏe mạnh, không còn cây chết. Nói đến đây, gương mặt ông Cao như giãn ra.
Mỗi năm cây lim chỉ lớn được chừng một phân, trồng như thế đến bao giờ mới có ăn? Mặc kệ thiên hạ nói ra nói vào, ông Cao cương quyết không trồng những cây ngắn ngày mà chỉ trồng lim và một số cây gỗ lâu năm khác. Khi được hỏi sao ông không trồng keo, ông lắc đầu nói, keo là giống cây công nghiệp khoảng 5 năm cho thu hoạch, để lâu thì keo sẽ hỏng, trồng chỉ giải quyết được cái trước mắt. "Tôi trồng rừng là để cho đời sau, vì vậy phải trồng cây lâu năm", ông Cao cương nghị, hướng ánh nhìn về phía rừng lim sau nhà.
Vài năm trước, ngày nào ông Cao cũng cuốc bộ thăm rừng, tận tay sờ vào từng thân cây lim to đến 2 - 3 người lớn ôm, ông lại nở nụ cười hạnh phúc. Giờ đây, khi đã ở tuổi xưa nay hiếm và bệnh tuổi già, ông không còn đi thường xuyên được nữa. Lắm khi nhớ rừng, ông lại chống gậy, dò dẫm lên thăm đứa con tinh thần đang lớn lên từng ngày. Trong đó, có những cây lim quý được truyền đời gìn giữ như máu thịt của chính người cận vệ già.
UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao Bằng khen cho ông Triệu Tài Cao, là tấm gương tiêu biểu của thành phố trong việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Có tiền cũng không mua được rừng lim
"Trước năm 1992, khi nhà nước chưa khoanh vùng bàn giao đất rừng, việc trông giữ cây rất khó. Cây được bố tôi trồng cứ bị kẻ gian đến chặt hạ. Khi đó, nhà tôi cũng chẳng có cơ sở gì để giữ vì đã có sổ xanh, sổ đỏ gì đâu. Đến sau năm 1992, khi có chính sách giao đất, giao rừng cho các hộ dân, họ vẫn thi nhau chặt hạ cây tự nhiên để chuyển đổi trồng cây ngắn ngày như keo nhằm mau chóng thu tiền. Nhưng bố tôi vẫn kiên định, vẫn giục các con phải trồng thêm rừng, không được chặt hạ", anh Triệu Tiến Lộc (con trai út của ông Cao) tâm sự.
"Rừng là tài sản vô giá, là của cải để lại cho con cháu. Nếu để bán lấy tiền thì gia đình tôi đã bán cả rừng lim từ lâu rồi. Có người còn mang rất nhiều tiền tới tận nhà ngỏ ý muốn mua cả khu đồi nhưng tôi lắc đầu nhất quyết không bán. Rừng trồng cả đời người, tôi để đó sau này con cháu còn biết đâu là cây lim, cây táu, chứ bán đi rồi tiền tiêu cũng sẽ hết", ông Cao trải lòng.
Trải qua hàng chục năm, cây mọc tươi tốt, hạt rơi xuống, cây lại mọc lên. Cứ thế, giờ đây rừng lim nhà ông đã có đến hàng trăm cây, những cây lớn có đường kính khoảng trên 50cm. Rừng lim của gia đình ông có diện tích khoảng 30ha. Hiện nay, khu rừng có trên 3.000 cây dó bầu, trong đó, có gần 800 cây trên 20 năm tuổi. Bên cạnh đó là 400 cây lim và các loại cây khác như dổi, đinh, sến, táu... phủ xanh cả quả đồi rộng, tạo ra dưỡng khí trong lành cho khu vực xung quanh và là nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã.
"Rừng của gia đình tôi là rừng đầu nguồn, có những cây lớn giữ được đất, giữ được nước nên không lo việc sạt lở. Khi mình giữ được cánh rừng như thế này, khí hậu xung quanh rất trong lành. Mỗi buổi sáng thức dậy cảm thấy rất khỏe mạnh, sảng khoái. Đấy chính là lợi ích khi giữ được cánh rừng", anh Lộc vui vẻ nói.
Nhờ tâm huyết và cách làm của ông Cao, hiện nhiều loại cây bản địa quý hiếm của phường Hoành Bồ (TP Hạ Long) đang được gìn giữ, bảo tồn nguồn gen quý hiếm để bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường. Với hàng trăm, hàng nghìn cây gỗ lớn, rừng của ông Triệu Tài Cao chính là khối tài sản vô giá mà ông để dành cho con cháu và thế hệ mai sau.
“Giờ tôi đã chia rừng cho 5 người con trai để cùng nhau tham gia bảo tồn, chăm sóc. Tôi thường dặn chúng nó, kể cả khi tôi chết đi thì nhất quyết không được bán cây lim nào”, ông Cao nghiêm nghị nói.
Anh Lộc xúc động kể lại lời ông Cao thường nói với các con rằng: "Nếu bị đứt tay, đứt chân, chảy máu thì các con có đau không? Cái cây nó cũng như con người vậy, khi bị những lưỡi cưa, lưỡi dao cứa qua lớp vỏ vào từng thớ gỗ, cũng đau lắm chứ!".
Làm kinh tế dưới tán rừng lim
Con trai út của ông Cao, anh Triệu Tiến Lộc, hiện là người con duy nhất sống cùng ông. Được ông truyền cho tình yêu với rừng, hàng ngày, cứ mỗi khi đi làm về, anh Lộc lại tranh thủ "tuần tra" xuyên khu rừng để đánh già tình hình cây cối.
Theo anh Lộc, bên trong cánh rừng lâu năm có rất nhiều nguồn lợi để thu hoạch như cây tre (chặt bó tre hoặc khai thác măng), cây dược liệu. Vì vậy, dưới tán rừng lim sau nhà, anh Lộc cũng đã triển khai trồng 5,5ha cây thuốc các loại như khôi tía, trà hoa vàng, ba kích... Đây đều là những cây có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập mỗi năm khoảng gần 150 triệu đồng cho gia đình, giúp anh Lộc trang trải cuộc sống, chăm sóc vợ con và người cha đáng kính.
"Nếu mà bán một vài cây lim, tôi sẽ có ngay trong tay mấy trăm triệu để để xây nhà mới, sắm sửa các thứ, nhưng tâm nguyện của bố cũng là của tôi. Lời bố căn dặn không được bán dù chỉ một nhành cây như in đậm trong tâm trí mỗi người con chúng tôi, bởi bao công sức giữ rừng suốt gần 60 năm qua, giờ chặt đi thì đau lắm, tiếc lắm", anh Lộc nói, giọng đầy kiên định.
Ông Hồ Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết, hộ gia đình ông Triệu Tài Cao rất đặc biệt và là điển hình trong việc bảo vệ, phát triển rừng của địa phương. Hiếm có gia đình nào giữ được khu rừng lim với giá trị cao như vậy, vì người dân của xã từ lâu đã chuyển đổi sang trồng keo hay những cây kinh tế ngắn ngày.
"Khu rừng nhà ông Cao đã được phê duyệt làm điểm du lịch sinh thái, tuy nhiên vì kinh tế eo hẹp, các con của ông Cao chưa thực hiện được. Chúng tôi cũng có kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ trong thời gian tới", ông Thủy nói.
Anh Lộc cho biết, gia đình đã có dự định biến rừng lim làm điểm du lịch sinh thái từ rất lâu, nhưng còn vướng mắc vì vấn đề tài chính. Để làm được điều đó, cần cải tạo cảnh quan xung quanh, thuê nhân lực để làm và dựng các điểm dừng chân cho du khách. Đối với gia đình anh Lộc, trước mắt cũng không thể có một số tiền lớn để đầu tư quá nhiều, mặc dù có một số cái có thể tận dụng từ tự nhiên được.
Đến khi được giao đất, giao rừng để tự quản lý, nhiều đêm nằm ngủ, một tay vắt lên trán, tay kia nắm chặt, ông Cao lại đau đáu nỗi niềm, rằng giá như ông có thể giữ lại được nhiều rừng hơn cho thế hệ con cháu sau này.