| Hotline: 0983.970.780

Người có nhiều sáng tạo thâm canh và chọn lọc các giống nhãn quý

Thứ Ba 11/09/2018 , 06:01 (GMT+7)

Chỉ với 2 lao động chuyên canh 0,5ha nhãn, mỗi năm gia đình anh Phi “bỏ ống” được trên 200 triệu đồng. Để luôn có được nguồn thu nhập cao nói trên, anh Phi đã kết hợp thâm canh nhãn ăn quả đặc sản, với sản xuất kinh doanh cây nhãn giống.

Không sinh ra và lớn lên từ cái “nôi” nhãn tiến vua, nhưng anh Nguyễn Văn Phi ở thôn Bình Lăng, xã Tiền Phong, huyện Ân Thi, Hưng Yên, có khá nhiều sáng tạo trong thâm canh và chọn lọc các giống nhãn quý hiếm.

09-44-54_cy_nhn_trong_theo_phuong_php_moi
Anh Phi bên cây nhãn trồng theo phương pháp mới

Để luôn có được nguồn thu nhập cao nói trên, anh Phi đã kết hợp thâm canh nhãn ăn quả đặc sản, với sản xuất kinh doanh cây nhãn giống. Theo đó, trong 0,5ha ruộng canh tác chuyển đổi, anh Phi đã qui hoạch 0,35ha trồng nhãn khai thác quả và 0,15ha gieo ươm, chiết/ghép kinh doanh cây nhãn giống.

Trên diện tích nhãn ăn quả, anh Phi chỉ chọn trồng các giống nhãn có giá trị kinh tế cao như, nhãn đường phèn, nhãn lồng và nhãn cùi. Để cây sinh trưởng, phát triển nhanh, sớm cho sản lượng quả cao, anh Phi đã bồi đất theo hình nấm và trồng ghép 3 cây nhãn giống/1 nấm đất theo thế chân kiềng, trong đó các ngọn cây được ghép chụm với nhau.

Khi vết ghép liền thân và cây nhãn sinh trưởng ổn định, tiến hành cắt bỏ 2 ngọn cây yếu, để lại 1 ngọn cây giống khoẻ làm thân chính. Cách làm này đã tạo ra 1 cây nhãn được nuôi từ 3 gốc cây giống (trồng chân kiềng), giúp cho cây nhãn sinh trưởng, phát triển rất nhanh, chống đổ rất tốt, sau trồng 3 - 4 năm đã cho thu quả cao sản.

Tuy nhiên, trong một số năm đầu trồng nhãn, gia đình anh Phi đã gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm nhãn quả. Do quê anh không phải là địa phương trọng điểm sản xuất nhãn của tỉnh, lại ở khá xa trung tâm huyện lỵ, nên không được nhiều người biết đến. Để khắc phục các hạn chế nêu trên, anh Phi đã chủ động mang nhãn quả của gia đình, đi tham gia các hội thi bình tuyển nhãn trong tỉnh, và các hội chợ xúc tiến thương mại trên địa bàn.

Kết quả, 1 cây nhãn của gia đình anh đã được Sở NN-PTNT Hưng Yên cấp chứng nhận là cây đầu dòng. Kết hợp với tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, sản phẩm nhãn của gia đình anh đã được nhiều người tiêu dùng biết tới, được các thương lái tìm đến hợp đồng bao tiêu ổn dịnh.

Trong sản xuất cây giống, anh Phi cũng phải tìm mua rất nhiều sách báo chuyên về nhân giống cây ăn quả, đặc biệt là về cây nhãn. Sau đó tự gieo/ươm, chiết/ghép cây giống trong vườn nhà. Và cũng phải trải qua hàng trăm lần thất bại, anh Phi mới chiết/ghép thành công cây nhãn trong mọi điều kiện thời tiết, tỷ lệ sống của cây giống sau ghép đạt gần 100%.

Nhờ vậy, ngoài tự sản xuất kinh doanh cây nhãn giống tại gia đình, anh Phi còn thường xuyên được các nhà vườn trong và ngoài tỉnh, tìm đến hợp đồng thuê ghép nhãn, với thù lao hơn 1 triệu đồng/ngày.

Dù vậy, anh Phi vẫn tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, sưu tầm, chọn lọc các giống nhãn ưu tú khác biệt, về gieo trồng, khảo nghiệm trong vườn nhà. Sau nhiều năm tìm tòi, đánh giá anh đã chọn được 1 giống nhãn có thể ra hoa, đậu quả ngay cả khi thời tiết mùa đông ấm nóng, mà không cần tác động thêm bất kỳ biện pháp kỹ thuật nào.

Vườn nhãn của anh Phi luôn được mùa

Theo anh Phi, để có được cây nhãn giống tốt, nhà làm vườn cần chọn mua các cây khoẻ, thân mập, lá xanh dày, vết ghép không sần sùi và đúng giống (giống nhãn cùi, lá có màu xanh đậm, phiến lá phẳng, có 8 - 10 lá đơn/1 lá kép. Giống nhãn lồng, lá khá to, phiến lá gồ ghề, có 12 - 14 lá đơn/1 lá kép. Nhãn đường phèn, cành non có màu tím, có 10 - 12 lá đơn/1 lá kép. Giống nhãn nước chỉ có 6 - 8 lá đơn/1 lá kép).

Anh Phi cho rằng: “Giàu nghèo không phải do số phận, vượt được lên chính mình mới là quan trọng”. Ví như anh ở tuổi niên thiếu đã bị hen suyễn khá nặng, nhìn thân hình gầy gò ốm yếu, ai cũng ái ngại lo cho cuộc sống của anh sau này.

Nhưng không thể phó mặc cuộc đời cho số phận, anh Phi đã kiên trì luyện tập thể dục dưỡng sinh, vượt qua được bệnh tật, tạo được sức khoẻ dẻo dai, lao động sáng tạo, làm ra hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Một vài thành tích nổi bật của anh Phi mới đạt được trong những năm gần đây là: Giành giải Khuyến khích hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Hưng Yên lần thứ nhất (năm 2016), cho giải pháp trồng cây ăn quả bằng phương pháp mới. Được Đài Tiếng nói Việt Nam tặng thưởng 1 điện thoại Smartphone dành cho thính giả tham gia chương trình đặc biệt ngày 2/9/2013. Anh cùng gia đình mỗi năm sản xuất được hơn 10 tấn nhãn quả và trên 5.000 cây nhãn giống. Hiện tại đã ở tuổi 55, nhưng anh Phi vẫn không ngừng lao động.

"Thâm canh nhãn phải gắn với hệ sinh thái VAC hoặc kết hợp với 1 ngành nghề sản xuất phụ nào đó, mới có thể cho thu nhập cao bền vững", anh Phi chia sẻ.

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm