| Hotline: 0983.970.780

Người đam mê sáng tạo

Thứ Tư 10/02/2021 , 15:17 (GMT+7)

Ông xòe đôi bàn tay sần chai sạm bảo: Máy ép miến tôi đã làm ra cả nghìn cái, chỉ riêng huyện Tam Đường mua đã mấy trăm máy rồi...

Ông Vũ Hữu Lê kể những máy móc do ông chế tạo. Ảnh: Thái Sinh.

Ông Vũ Hữu Lê kể những máy móc do ông chế tạo. Ảnh: Thái Sinh.

Hẹn hò mãi mới gặp được ông, đây là lần thứ hai tôi đến Công ty TNHH Cơ khí và xây lắp Hồng Hà tỉnh Yên Bái do ông Vũ Hữu Lê làm giám đốc. Mới đó đã 10 năm, khi ấy ông mới 76 tuổi, để viết bài “Vua nấm” ở Yên Bái, còn năm nay ông đã bước vào tuổi 86 rồi. Ông bảo: Chẳng mấy nỗi là đến tuổi 90 anh ạ…

Ông sinh năm 1935 tại xã Y Sơn, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, năm 1950 khi mới 15 tuổi ông tham dự lớp học cầu đường vừa học vừa làm các tuyến đường Tuyên Quang - Yên Bái phục vụ chiến dịch Tây Bắc cho đến ngày giải phóng Điện Biên Phủ, sau đó thì làm tuyến đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan. Ông cười tít mắt kể lại chuyện khi đang làm tuyến đường sắt thì được gọi về làm công tác hộ đê ở Thái Bình.

Vốn sinh ra ở miền núi chẳng biết gì về bão lụt, đêm ấy mưa bão to lắm, mọi người được lệnh lên đê trực chiến, do không hiểu về bão miền xuôi thế nào trong lúc mọi người đi về mé đê phía trong đồng, ông lại đi về phía đê ngoài đồng. Bão ập đến, ông không thế nào đi nổi, với thân hình thấp bé ông phải nằm rạp xuống đất bò lổm ngổm trên sườn đê nếu không sẽ bị bão cuốn tung lên trời. 

Từ năm 1957 đến năm 1958 ông được cử đi học lớp kỹ thuật Giao thông công chính, sau đó thì được điều lên Yên Bái tham gia phong trào diệt hạn hán, xây dựng hơn 100 công trình thủy lợi, những công trình đáng nhớ nhất: Đông Cuông, Minh Quân, Lũng Cúc Phường… Khi kể lại những ngày tháng lăn lộn trên các công trình thủy lợi đôi mắt ông bừng sáng như trở lại tuổi thanh niên say mê, sôi nổi: Mới đó hơn 60 năm rồi, thời gian trôi đi nhanh quá…

Chiếc máy tiện giúp ông Lê chế tạo ra những cỗ máy làm chè, ép miến.

Chiếc máy tiện giúp ông Lê chế tạo ra những cỗ máy làm chè, ép miến.

Với tư chất của người thông minh ham học hỏi, ngày lao động tối học bổ túc văn hóa, có những hôm đi công tác ông phải đạp xe hơn 80km từ Lục Yên về thị xã Yên Bái để không bỏ buổi học. Thấy ông là người thông minh và ham học nên ông được cử sang Liên Xô học ở Viện Nông nghiệp Bạch Nga -Gorky chuyên ngành cơ khí chế tạo phục vụ nông nghiệp từ năm 1964 - 1971. Sau khi tốt nghiệp kỹ sư về nước ông được điều về công tác tại Nhà máy Cơ khí Hoàng Liên Sơn với chức vụ phó giám đốc, đến năm 1974 thì được đề bạt làm giám đốc, điều hành hơn 600 công nhân cho đến năm 1990 thì rũ áo quan trường về làm dân khi mới 55 tuổi.

Nhà máy sản xuất theo kế hoạch, mỗi năm làm ra khoảng 200.000 cuốc, xẻng, 4.000 xe cải tiến, trung đại tu 300 ô tô… Ông cười bảo: Ngày ấy đói lắm, cả nước đều đói, đói vàng mắt, tết đến kiếm cho mỗi công nhân cân thịt đã mướt mồ hôi, phải nhặt sắt vụn hàn thành những chiếc kiềng bán ra ngoài với giá 4.000 đồng một cái mới có tiền mua thịt cho anh em công nhân ăn tết. Khổ thế!

Máy vò chè đã làm nên tên tuổi ông Vũ Hữu Lê.

Máy vò chè đã làm nên tên tuổi ông Vũ Hữu Lê.

Tôi hỏi ông: Cớ gì ông rũ áo từ quan về nhà buôn sắt vụn? Ông lắc đầu chua chát như không muốn nhắc lại câu chuyện buồn hơn 30 năm trước, ấy là lúc ông quyết định phá cái vòng “cơ chế” đã thít chặt quá lâu. Nói là nhà máy mà không có máy móc, chủ yếu là gò hàn, muốn mua máy móc thì nhà nước không có tiền, ông đã lấy than và một số vật tư khác để đổi lấy máy móc. Thế là vi phạm, là chạm vạch đỏ… ba lần kiểm điểm với những lời buộc tội rất nặng nề. Nản quá, ông xin thôi làm giám đốc về buôn bán sắt vụn.

Ông lắc đầu: Hai mươi măm làm giám đốc và phó giám đốc tôi không có một thước đất nào, ra về gần như tay trắng, sau ba năm buôn bán sắt vụn, rèn cuốc xẻng… tôi dành dụm mua được cái máy tiện 8 triệu đồng phục vụ cho những dự định và sáng tạo của tôi…

Hồi ấy các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang là vùng chè trọng điểm của cả nước, sản xuất chè đen, chè xanh xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu, Trung Đông… Các nhà máy chè lừng danh một thời của ngành chế biến chè Việt Nam như Trần Phú, Nghĩa Lộ, Liên Sơn, Âu Lâu, Yên Bái… đều nhập thiết bị và máy móc của Nga trị giá hàng trăm tỷ đồng. Những hộ nông dân sản xuất chè ra chỉ bán chè búp tươi cho các nhà máy, nhiều người muốn chế biến chè nhưng không đào đâu ra tiền để mua máy móc, họ khao khát những chiếc máy chè mi ni vừa với sản xuất hộ gia đình.

 Nồi chưng cất tinh dầu quế.

 Nồi chưng cất tinh dầu quế.

Sau những ngày đi buôn sắt vụn lang thang trong các vùng quê, ông thấy nhu cầu của nông dân cần những cỗ máy làm chè đã thổi bùng ý chí và khát vọng sáng tạo của ông. Sẵn có tay nghề cơ khí, ông đến một số nhà máy chè xin phép họ được tìm hiểu về các cỗ máy làm chè, rồi đo vẽ lại tỉ mỉ từng chi tiết với quyết tâm chế tạo ra những cỗ máy sản xuất chè phục vụ nông dân.

Công ty Cơ khí Hồng Hà ra đời từ một con ngõ nhỏ, nhìn ra cánh đồng đầy ao chuôm mùa mưa thì ngập lụt của thành phố Yên Bái chẳng mấy người biết đến. Khi những cỗ máy vò chè đầu tiên ra đời được bán ra chỉ với 32 triệu so với máy do Liên Xô sản xuất giá 200 triệu đã khiến người dân đổ xô đến mua máy móc của ông ngày một đông. Ông không còn nhớ đã chế tạo ra mấy ngàn máy vò chè mi ni, máy vò từ  5 - 20 tấn/ngày cũng vài trăm chiếc, khoảng 50 dây chuyền chế biến chè hoàn chỉnh từ 5 - 15 tấn/ngày. Đỉnh điểm từ năm 1996 đến năm 1998 ông chế tạo cung cấp cho nông dân hơn 500 máy vò chè, khách hàng của ông ở khắp vùng núi phía Bắc như Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Lai Châu rồi tận Lâm Đồng cũng đến mua máy của ông.

Máy đóng bịch nấm do ông Lê chế tạo năm 76 tuổi.

Máy đóng bịch nấm do ông Lê chế tạo năm 76 tuổi.

Những bịch nấm đóng từ máy.

Những bịch nấm đóng từ máy.

Sở dĩ người dân mua nhiều máy của ông là bởi: Rẻ, bền, dễ sử dụng, dễ sửa chữa, với những người kinh tế khó khăn thì ông bán hàng trả chậm không tính lãi. Ông thành thật: Đối với người nông dân trình độ hạn chế thì máy móc càng phải dễ sử dụng, nếu dùng bảng điều khiển thì bằng đánh đố họ… Bởi thế, mấy chục năm qua ông luôn đồng hành với người nông dân không tính thiệt hơn.

Ngồi nói chuyện với ông luôn bị ngắt quãng bởi những cuộc điện thoại từ khắp nơi gọi về, hơn chục năm nay người trồng quế Yên Bái được sử dụng máy băm quế, nồi chưng cất tinh dầu quế, vùng trồng sắn, đao riềng thì ông chế tạo máy nghiền bột sắn, máy ép miến, người chăn nuôi thì có lò nhiệt cho úm gà…

Ông xòe đôi bàn tay sần chai sạm bảo: Máy ép miến tôi đã làm ra cả nghìn cái, chỉ riêng huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu mua đã mấy trăm máy rồi, hai tỉnh Hà Giang, Thái Bình mua khoảng 300 máy, tỉnh Bắc Kạn cũng vài trăm cái, nồi chưng cất tinh dầu quế 400 cái, nồi hấp làm nấm 40 cái… Nghĩa là dân cần máy nào thì tôi tìm hiểu chế tạo bằng được giúp họ. Nói rồi ông cười khơ khơ, đôi mắt tít lại rất sảng khoái, thật khó tin nổi đó là nụ cười của ông già đã sắp 90 tuổi vẫn còn rất khỏe và vang lắm.

Ông Vũ Hữu Lê giới thiệu những phần thưởng Chứng nhận bảo hộ độc quyền.

Ông Vũ Hữu Lê giới thiệu những phần thưởng Chứng nhận bảo hộ độc quyền.

Trên tường nhà ông treo rất nhiều bằng khen và Chứng nhận bảo hộ độc quyền, trong đó có Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, 2 Huân chương Lao động hạng Ba và 10 Chứng nhận bảo hộ độc quyền còn giấy khen thì nhiều không tính xuể. Ông khoe: Tôi đã 3 lần tham gia Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, năm 1963 được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huân chương Lao động hạng Ba, năm 2015 được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng thêm Huân chương lao động hạng Ba nữa, Đại hội thi đua yên nước năm 2020 tôi chỉ thiếu đúng một phiếu là được phong Anh hùng Lao động…

Một số hình ảnh máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp do ông Vũ Hữu Lê chế tạo.

Một số hình ảnh máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp do ông Vũ Hữu Lê chế tạo.

Nói rồi ông cười vô tư: Như thế để nhắc nhở mình phải cố gắng nhiều hơn nữa. Chẳng việc gì phải buồn, người anh hùng trong lòng dân mới quan trọng. Tôi có cả chục ngàn nông dân dùng máy móc của tôi, họ nhớ và nhắc đến tôi là được rồi… 

  • Làng Nủ trước ngày khánh thành
    Phóng sự 14/12/2024 - 21:19

    40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.

  • Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’
    Phóng sự 14/12/2024 - 10:15

    Hạt muối sạch của HTX Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.

  • Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh
    Phóng sự 12/12/2024 - 10:57

    YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.

  • Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao
    Phóng sự 06/12/2024 - 14:00

    Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.

  • Lãng du - những ấn tượng khó phai
    Phóng sự 06/12/2024 - 10:18

    Miền núi phía Bắc luôn níu chân du khách, từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cho đến những sản vật đặc trưng, cùng sự nồng hậu của người dân địa phương.

  • Cây vàng trên Mỏ Vàng
    Phóng sự 06/12/2024 - 06:00

    Trời còn đẫm sương đêm, ông Đặng Nho Hưng (thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng) đã thức giấc, mượn người lên đồi dọn thân củi quế chuẩn bị cho một mùa mới...

  • Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng
    Phóng sự 05/12/2024 - 15:15

    Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

  • Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung
    Phóng sự 05/12/2024 - 14:00

    Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.

  • Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin
    Phóng sự 05/12/2024 - 06:00

    Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

  • Canh giữ linh hồn của rừng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:53

    Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng.

  • 'Cá thần' dưới chân thác Trăng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:50

    Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

  • Đem hoa quả xứ người lên đất dốc
    Phóng sự 04/12/2024 - 13:45

    Thuở ban đầu, Sơn La chỉ toàn ngô, sắn và cây lâm nghiệp, tìm đỏ mắt không thấy bơ, nhãn, chứ đừng nói đề huề như bây giờ.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng bộ hệ thống thủy lợi là 'chìa khóa' bảo vệ ĐBSCL

ĐBSCL Các công trình thủy lợi ở ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát, ngăn mặn và đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.