| Hotline: 0983.970.780

Người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản

Thứ Sáu 13/10/2023 , 21:30 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Người dân nuôi trồng thủy sản cần thu gom rác sinh hoạt và chất thải như lưới, thức ăn thừa vào bờ xử lý, không trực tiếp vứt xuống biển, gây ô nhiễm môi trường.

Bãi biển ở thôn Bình Lập rất nhếch nhác. Ảnh: KS.

Bãi biển ở thôn Bình Lập rất nhếch nhác. Ảnh: KS.

Chúng tôi đến bãi biển thuộc thôn Bình Lập, xã Cam Lập, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) chứng kiến chất thải như túi ni lông, lưới, thức ăn thừa như vỏ sò, ốc và thùng nhựa nằm la liệt trên bãi biển. Mỗi khi gió thổi lên là mùi hôi thối rất khó chịu, còn dưới biển sóng ập vào bờ mang theo nhiều rác thải.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này, một phần người dân thực hiện vệ sinh lồng nuôi tôm hùm không thu gom xử lý. Thứ nữa là người dân nuôi trồng thủy sản trên biển chưa ý thức trong việc bảo vệ môi trường, còn tình trạng vứt rác sinh hoạt, túi ni lông xuống biển.

Theo người dân địa phương, tại bãi biển thuộc thôn Bình Lập, thông thường sau khi thu hoạch xong, các lồng bè được kéo vào bờ vệ sinh để chuẩn bị cho vụ nuôi mới, thay vì những chất thải được thu gom xử lý. Nhưng nhiều người dân lại vứt lưới tôm hùm, thức ăn thừa như vỏ sò, ốc và thùng nhựa xả trực tiếp xuống bãi biển. Nhất là lớp hàu bám trên các lồng bè đổ trực tiếp xuống biển đã biến bãi biển thành một bãi nhếch nhác.

Người dân nuôi trồng thủy sản cần ý thức trong việc bảo vệ môi trường biển. Ảnh: ĐT.

Người dân nuôi trồng thủy sản cần ý thức trong việc bảo vệ môi trường biển. Ảnh: ĐT.

Ông Lê Văn Tòa, 88 tuổi, một người dân ở xã Cam Lâm cho biết, trước đây, vùng biển này hoang sơ, trong lành và rất đẹp. Nhưng nay, ông tiếc rằng vùng biển trở nên ô nhiễm, bốc mùi hôi thối gây mất cảnh quan.

Còn chị Nguyễn Thị Hoa, cũng là người dân ở xã Cam Lập cho rằng, bãi biển ở đây bị ô nhiễm bởi người dân chưa ý thức trong việc bảo vệ môi trường biển. Do có tình trạng ô nhiễm nên 2 năm nay, nhiều người dân địa phương không dám tắm biển vì sợ ngứa da.

Cũng theo người dân thôn Bình Lập và lãnh đạo UBND xã Cam Lập, việc vệ sinh lồng bè này đến từ nhiều vùng nuôi trên vịnh Cam Ranh.

Từ đó khiến khu vực biển, mặt tiền của thôn Bình Lập ngập ngụa rác, gây mất cảm giác an lành và sạch sẽ. Người dân địa phương đang nỗ lực thu gom rác sinh hoạt và không xả thải xuống biển như trước, tuy nhiên, tình hình ô nhiễm vẫn tiếp tục tồn tại.

Ông Lê Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND TP Cam Ranh cho biết, tình trạng rác sinh hoạt tấp vào bãi biển xã Cam Lập diễn ra đình kỳ hàng năm theo mùa gió, triều cường và dòng nước thủy triều cuốn vào. Rác thải cũng thay đổi liên tục, lúc tấp vào xã Cam Lập, lúc tấp vào xã Cam Bình khiến cho công tác chuẩn bị ứng phó, thu dọn của địa phương trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Với tinh thần rác tới ở đâu, thành phố chỉ đạo các địa phương xử lý đến đó, nhưng nếu lượng rác quá lớn, vượt khả năng các địa phương, thành phố sẽ huy động lực lượng và phương tiện hỗ trợ để xử lý ngay.

Nhiều người dân chưa ý thức trong việc bảo vệ môi trường biển. Ảnh: KS.

Nhiều người dân chưa ý thức trong việc bảo vệ môi trường biển. Ảnh: KS.

Theo ông Lê Ngọc Thạch, lượng rác sinh hoạt này phát sinh từ hoạt động nuôi trồng thủy sản tự phát trên biển, không chỉ tại từ vùng biển Cam Ranh mà nhiều nơi khác bị cuốn về tấp vào.

Qua thực trạng rác thải sinh hoạt tràn lan trên biển, ông cho rằng, một số người dân và những hộ có phương tiện đánh bắt thủy sản, đặc biệt các hộ nuôi trồng thủy sản trên biển chưa ý thức bảo vệ môi trường, còn tình trạng vứt rác xuống biển vô tội vạ, không thu gom, xử lý theo quy định.

Đối với việc nâng cao ý thức người dân trên địa bàn TP Cam Ranh trong việc bảo vệ môi trường biển, Chủ tịch UBND TP Cam Ranh cho biết, mấy năm nay, Thành ủy TP Cam Ranh đã có nghị quyết, chuyên đề chuyên tuyên truyền về nội dung này, trong đó chú trọng đối tượng tuyên truyền là những người nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, Hội Nông dân, Hội phụ nữ các cấp trên địa bàn cũng đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền thường xuyên cho người dân, tuy nhiên đâu đó vẫn còn bà con chưa ý thức được vấn đề bảo vệ môi trường biển.

Về lâu dài để khai thác tiềm năng, lợi thế từ biển, cũng như đảm bảo cảnh quan môi trường, lãnh đạo TP Cam Ranh đang làm việc với Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III xây dựng đề án mang tính chất chuyên nghiệp, dài hạn và hiệu quả về việc bố trí, sắp xếp lại tất cả các hoạt động nuôi trồng thủy sản đảm bảo theo quy định pháp luật và quy hoạch. Từ đó vừa phát triển kinh tế biển, chuyển đổi phương thức nuôi trồng trong loại hình kinh tế biển theo mô hình mới kết hợp với du lịch phù hợp quy hoạch, đồng thời đảm bảo phát triển chuỗi du lịch theo quy hoạch của thành phố đối với các dự án phát triển trong đất liền.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.