Thay đổi thói quen xấu của ngư dân
Ngày 7/7, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng Ban quản lý Cảng cá Bình Định tổ chức hội thảo vận động ngư dân đưa rác thải từ biển về cảng cá.
Theo bà Vũ Thị Hồng Ngân, cán bộ Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, qua điều tra, đánh giá tác động của chất thải nhựa trong hoạt động sản xuất của lĩnh vực thủy sản tại Việt Nam, rác thải từ các nghề đánh bắt thủy sản trên biển rất nhiều, nhưng từ trước đến nay ngư dân chưa có thói quen đưa rác thải về bờ để xử lý, mà hầu hết đều cho xuống biển.
Hiện nay, Việt Nam đã tham gia hiệp ước quốc tế về giảm rác thải đại dương, vì vậy ngư dân phải thay đổi thói quen xả rác xuống biển. Bởi, trong chuyến biển, mỗi tàu cá thải ra đại dương rất nhiều loại rác thải như: Ngư lưới cụ bị hư hỏng, khay đựng cá, phuy nhựa chứa nước ngọt, dây thừng; trong khai thác còn cho nhiều rác thải sinh hoạt như chai nhựa, can nhựa đựng nước, vỏ gói mì tôm, túi nilon, thùng xốp…
Đáng quan ngại, rác thải nhựa rất khó phân hủy, hiện chưa được ngư dân thu gom nên chúng cứ lênh đênh trên biển từ năm này sang năm khác, tạo áp lực lớn cho môi trường biển. Tình trạng này cũng dễ thấy tại các cảng cá. Đã đến lúc ngư dân phải ý thức môi trường biển bị ô nhiễm thì nguồn lợi thủy sản sẽ giảm dần, thậm chí khi quốc tế tiến tới không thu mua thủy sản đánh bắt tại những vùng biển bị ô nhiễm thì khi ấy ngư dân mới thấy thiệt hại thuộc về phần mình.
“Hội thảo này nhằm nâng cao ý thức cho ngư dân về việc làm vệ sinh cho đại dương bằng cách thu gom hết các loại rác thải thường khi được xả ra biển thì nay thu gom lại, mang về bờ bán ve chai”, bà Vũ Thị Hồng Ngân chia sẻ.
Gặp rác dễ hơn gặp cá
Theo ông Phạm Tuấn Anh, cán bộ Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản, nhiều khi ngư dân nghĩ một cái đót thuốc là hoặc một gói dầu gội đầu, với khối lượng nhỏ như vậy quẳng xuống đại dương mênh mông thì chẳng mấy tác hại. Thế nhưng đó là những loại rác không phân hủy nên nếu dồn lại hàng chục năm thì đại dương sẽ ngập ngụa rác. Hiện không ít vùng biển ngư dân đi đánh bắt gặp rác dễ hơn gặp cá.
Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Bình Định hiến kế: Mỗi chuyến biển, nếu ngư dân không xả rác xuống biển mà thu gom lại mang về cảng cá, cảng cá có nhiệm vụ phân loại rồi đưa đi tiêu hủy thì đại dương sẽ giảm được áp lực về môi trường.
"Khi ngư dân thu gom rác thải trên tàu cá mỗi chuyến biển mang về cảng, chúng tôi sẽ phân ra loại rác thải nào có thể tái chế, tái sử dụng để bán cho các cơ sở thu mua phế liệu; loại rác hữu cơ dễ phân hủy sẽ được tận dụng xử lý làm phân bón; loại rác thải khó phân hủy sẽ được đưa đi xử lý tiêu hủy...", ông Thiện đề xuất.
Ngư dân Phan Thanh Trưởng ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn, Bình Định), chủ tàu cá mang số hiệu BĐ 91057 TS (770 CV) hành nghề lưới vây, bộc bạch: “Trong quá trình đánh bắt, tôi thấy trên biển có rất nhiều rác thải, nào là ngư lưới cụ bị hư hỏng, vỏ chai nước, lon bia, túi nhựa…
Lâu nay ngư dân không có thói quen gom những loại rác thải này mang về bờ mà cứ thoải mái ném hết xuống biển, bởi không biết làm như vậy môi trường biển sẽ bị ô nhiễm, dẫn tới nguồn lợi thủy sản giảm dần. Bây giờ chúng tôi đã biết được điều này, và sẽ bỏ thói quen cũ mà mang hết rác về để cảng cá xử lý nhằm giữ gìn môi trường biển”.
Tại hội thảo, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản đã trao tặng cho ngư dân những thùng đựng rác thải ra trên tàu cá và bọc lưới để thu gom rác dưới biển, đồng thời hướng dẫn sử dụng. Sự hưởng ứng mạnh mẽ của ngư dân về việc thu gom rác thải trên biển hi vọng thời gian tới đây môi trường biển sẽ được gìn giữ tốt hơn.