Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại sáng 28/9, TS. Nguyễn Thị Thanh Hương, đại diện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) cho biết, tổng kinh phí triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh dại ở người trong giai đoạn 2017-2021 lên tới hơn 23 tỷ đồng.
Trong số này, khoảng 11 tỷ đồng là ngân sách nhà nước do Bộ Y tế cấp, và hơn 10 tỷ đồng là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tài trợ, còn lại là nguồn hỗ trợ từ các tổ chức khác như Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC)...
Ngoài ra, từng địa phương cũng chi một khoản ngân sách lớn cho phòng chống bệnh dại trên người. Điển hình, như Điện Biên chi hơn 5,5 tỷ đồng, Lào Cai hơn 2,7 tỷ, Thanh Hóa hơn 2,3 tỷ...
Dù được cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, người dân vẫn chịu thiệt hại không nhỏ từ bệnh dại. Tổng phí tổn người dân phải trả cho điều trị dự phòng trong giai đoạn 2017-2021 lên tới hơn 3,8 nghìn tỷ đồng.
Trung bình một năm, hơn 500.000 người bị chó cắn. Trong số đó, chó nhiều nhất (84%), sau đó là mèo (14%).
Tổng điều tra trên 377 ổ dịch dại giai đoạn 2017-2021, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương kết luận, đây là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm, ngoại trừ 2014 (dịch sởi), và 2021 (Covid-19). Một số điểm nóng về bệnh dại có thể kể đến như Tây Nguyên, miền núi phía Bắc và Nam bộ.
Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng thống kê, rằng độ tuổi dưới 15, và từ 25-49 tuổi, là những đối tượng nhiễm bệnh cao nhất. Trong đó, 100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vacxin phòng dại.
Dựa trên những phân tích trên, TS. Nguyễn Thị Thanh Hương đề xuất hai kiến nghị để đạt mục tiêu đề ra là không còn người tử vong vì bệnh dại đến năm 2030. Thứ nhất, là kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các đơn vị cung ứng cam kết chặt chẽ về số lượng, chủng loại cũng như thời gian phân bổ vacxin phòng bệnh.
Theo bà Hương, bệnh dại hoàn toàn có thể phòng trừ được, nếu tiêm vacxin. Tuy nhiên, hiện các cơ quan y tế đang phụ thuộc hoàn toàn vào các đơn vị tư nhân. Điều ấy gây khó khăn trong việc chủ động triển khai các kế hoạch.
Thứ hai, là về đấu thầu vacxin. Do đây là mặt hàng đặc biệt, nên bà Hương kiến nghị Bộ Tài chính có chính sách cụ thể để hỗ trợ các điểm tiêm công lập, giúp giá thành và người dân dễ tiếp cận hơn.
"Bên cạnh việc giảm số người bị chó cắn xuống còn từ 100.000 đến 200.000 mỗi năm, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT, và các Bộ, ban, ngành liên quan tích cực phòng ngừa, giảm nguy cơ bệnh dại trên chó, mèo. Chỉ có làm như vậy, ngành y tế mới có thể giảm tải được gánh nặng phòng ngừa bệnh dại trên người", bà Hương nhấn mạnh.
14 nhiệm vụ và giải pháp kỹ thuật được đề ra trong phòng, chống bệnh dại là: (1) Quản lý đàn chó, mèo; (2) Tiêm phòng vacxin dại cho chó, mèo; (3) Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm cho người; (4) Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng, chống bệnh dại; (5) Tuyên truyền nâng cao nhận thức, thái độ và thay đổi hành vi trong phòng, chống bệnh dại; (6) Điều tra, ứng phó, xử lý bệnh dại; (7) Giám sát bệnh dại trên động vật; (8) Giám sát bệnh dại trên người; (9) Tăng cường năng lực xét nghiệm; (10) Xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh; (11) Kiểm soát vận chuyển chó, mèo; (12) Nghiên cứu khoa học; (13) Hợp tác quốc tế; (14) Hợp tác nghiên cứu, sản xuất và cung ứng vacxin.