UBND huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) vừa mới có báo cáo về tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại trang trại chăn nuôi heo của hộ gia đình ông Trịnh Xuân Thường tại thôn Ia Sa (xã Hbông, huyện Chư Sê). Theo đó, huyện Chư Sê yêu cầu các phòng ban và UBND xã Hbông khẩn trương vào cuộc kiểm tra và giải quyết dứt điểm sai phạm của trang trại chăn nuôi heo.
Người dân treo băng rôn phản đối
Được biết, trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao của hộ gia đình ông Trịnh Xuân Thường được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tại Quyết định số 1217/QĐ-UBND ngày 13/12/2018. Trang trại heo được đầu tư, xây dựng cách đây khoảng 5 năm, gồm 2 khu chăn nuôi heo riêng biệt, mỗi khu có quy mô 4.800 con/lượt nuôi. Điều đáng nói, trại heo gây ô nhiễm nằm cách khu dân cư chưa đầy 1km.
Hiện tại, gia đình ông Thường đang chăn nuôi heo ở giai đoạn tháng thứ 3 của lứa nuôi. Trong thời gian qua, gia đình ông Thường cũng đã đầu tư các công trình cơ bản theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Tuy nhiên, mùi hôi từ các dãy chuồng nuôi heo xử lý chưa hiệu quả, đồng thời thảm thực vật xung quanh trang trại không còn dẫn đến mùi hôi bay xa.
Quá bức xúc, hàng chục hộ dân đã tập trung treo băng rôn phản đối tình trạng ô nhiễm, mùi hôi thối bốc ra từ trại heo của gia đình ông Trịnh Xuân Thường.
Theo phản ánh của các hộ dân, hệ thống xử lý nước thải của trại heo này hoạt động kém hiệu quả, các hồ chứa được làm theo kiểu bể lọc, lót bạt đơn giản và không được che phủ kỹ lưỡng. Từ đó dẫn đến việc mùi hôi thối bốc ra nồng nặc. Đặc biệt, vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối khiến người dân khó thở và buồn nôn.
Không chỉ gây mùi hôi thối, chất thải từ trang trại heo này làm cho đất đai canh tác của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ghi nhận thực tế cho thấy, khoảng gần 3ha đất trồng lúa và hoa màu của người dân làng Tnung (xã Hbông) cũng bị nhiễm bẩn, chết héo.
Trước tình hình trại heo gây ô nhiễm trong thời gian dài, nhiều hộ dân đã không ít lần phản ánh đến chính quyền địa phương và chủ trang trại. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có biện pháp cải thiện đáng kể nào được thực hiện. Điều này khiến các hộ dân cảm thấy bất mãn và phẫn nộ.
Để xoa dịu sự phẫn nộ của người dân, ngày 3/5, UBND xã Hbông đã có buổi làm việc với chủ trang trại chăn nuôi heo và các hộ dân. Tại buổi làm việc, ông Trịnh Xuân Thường đã ký cam kết với người dân trong thời gian 20 ngày sẽ khắc phục xong tình trạng hôi thối phát ra từ trang trại. Nếu không khắc phục xong sẽ chấm dứt hoạt động chăn nuôi heo.
Chính quyền cam kết xử lý dứt điểm
Trước những sai phạm trên, UBND huyện Chư Sê đã yêu cầu hộ gia đình ông Trịnh Xuân Thường khẩn trương áp dụng các giải pháp xử lý mùi hôi hiệu quả, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, hoàn thiện thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với trang trại quy mô lớn.
Mặt khác, để trang trại hoàn thiện hơn các giải pháp bảo vệ môi trường, nhất là vấn đề mùi hôi thối bốc ra, gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khoẻ của người dân, UBND huyện Chư Sê đề nghị các Sở, ngành giới thiệu các trang trại chăn nuôi heo có công nghệ xử lý mùi hiệu quả để áp dụng trên địa bàn. Đồng thời, xem xét làm việc với đơn vị hợp tác chăn nuôi gia công ngừng tái đàn đối với trang trại của ông Thường cho đến khi áp dụng biện pháp xử lý mùi hiệu quả nhất, không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Bà Rmah H’bé Nét, Chủ tịch UBND huyện Chư Sê cho biết, huyện đã có văn bản giao các phòng ban và UBND xã Hbông khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý và giải quyết dứt điểm hành vi vi phạm của trang trại.
“Chúng tôi rất quan tâm đến lợi ích, đời sống cũng như sức khỏe của người dân. Quan điểm của huyện sẽ chỉ đạo quyết liệt các phòng ban cũng như đoàn liên ngành kiểm tra kỹ các trang trại liên quan đến ô nhiễm môi trường để xử lý dứt điểm”, bà Nét thông tin.
Bà Lương Thị Tuyết Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai) cho biết, đa số trang trại chăn nuôi hiện này chưa đầu tư đúng mức cho hệ thống xử lý chất thải, dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Tuy nhiên, mức chế tài xử phạt còn thấp, chỉ ở mức 1 - 3 triệu đồng đối với việc gây ô nhiễm nên chưa đủ sức răn đe đối với các chủ trang trại.
Bà Vinh cho rằng, trong thời gian tới các Bộ, ngành sớm sửa đổi và ban hành các quy định mới để có thể thực hiện tốt hơn trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, đề nghị hạn chế các dự án đầu tư chăn nuôi mới tại những nơi có mật độ chăn nuôi cao.