| Hotline: 0983.970.780

Ứng dụng công nghệ giúp chăn nuôi ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh

Thứ Ba 19/12/2023 , 14:16 (GMT+7)

Nhiều năm qua, không ít trang trại heo, gà tại Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) miễn nhiễm với dịch bệnh do ứng dụng hiệu quả tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào chăn nuôi.

Đầu tư công nghệ nuôi chuồng lạnh khép kín giúp người nuôi chủ động kiểm soát, ngăn chặn tối đa mầm bệnh và các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Ảnh: Minh Sáng.

Đầu tư công nghệ nuôi chuồng lạnh khép kín giúp người nuôi chủ động kiểm soát, ngăn chặn tối đa mầm bệnh và các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Ảnh: Minh Sáng.

Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu, xã Suối Rao, huyện Châu Đức (BR-VT) hiện đang nuôi 80 ngàn con gà trong chuồng lạnh trên diện tích gần 7.000m2.

Ông Phạm Hồng Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu cho biết: “Với công nghệ nuôi chuồng lạnh khép kín này đã giúp doanh nghiệp chúng tôi chủ động kiểm soát, ngăn chặn tối đa mầm bệnh và các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Nhờ vậy, tỷ lệ hao hụt cũng thấp hơn so với các mô hình chăn nuôi khác”.

Theo ông Thanh, trong chăn nuôi khâu quan trọng nhất là môi trường và phòng chống dịch bệnh. Nếu người nuôi giải quyết được hai vấn đề này chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả.

Tương tự, trang trại heo tại ấp Sơn Tân, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức hiện đang nuôi khoảng 400 heo thịt, 100 heo nái và 200 heo cai sữa. Trang trại này cũng đang áp dụng mô hình chăn nuôi heo công nghiệp với thiết kế chuồng trại được nâng cao sàn nuôi cách mặt đất khoảng 70cm, xung quanh chuồng có lắp đặt hệ thống quạt thông gió.

Ông Phan Công Luận, kỹ thuật viên trang trại chăn nuôi heo xã Sơn Bình, huyện Châu Đức cho biết, trại nuôi theo quy mô công nghiệp, tự cung tự cấp giống nên bảo đảm môi trường, tỷ lệ hao hụt ít, các bệnh trên heo cũng ít xảy ra nên giúp kiểm soát được chất lượng.

“Trang trại chúng tôi được cán bộ thú y địa phương thường xuyên hướng dẫn cách phòng, tránh dịch bệnh, tham gia các đợt tiêm vacxin và ghi chép đầy đủ nhật ký chăn nuôi, thực hiện nghiêm vệ sinh chuồng trại, phun xịt tiêu độc khử trùng, tuân thủ các quy định về vùng nuôi an toàn dịch bệnh. Nhờ vậy, đàn heo của trang trại luôn khỏe mạnh, phát triển tốt và không phát sinh dịch bệnh”, ông Luận chia sẻ.

Công ty TNHH Trang Linh (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng thành công nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ số và đầu tư công nghệ cao phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Minh Sáng.

Công ty TNHH Trang Linh (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng thành công nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ số và đầu tư công nghệ cao phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Minh Sáng.

Điển hình trong việc đầu tư công nghệ cao phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Công ty TNHH Trang Linh (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng thành công nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ số vào chăn nuôi.

Đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên được tỉnh BR-VT công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với quy mô 3.600 con heo nái và 100.000 con heo thịt, thời gian qua, doanh nghiệp này đã đầu tư ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi heo nhằm phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Trang trại đã xây dựng các hệ thống chuồng lạnh và sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi.

Giám đốc Phạm Trường Giang khẳng định: “Mô hình chuồng lạnh có nhiệt độ ổn định, cách ly với bên ngoài nên đàn heo phát triển tốt, ít phát sinh dịch bệnh, heo không phải dùng kháng sinh, giảm chi phí và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thịt rất thơm ngon. Ưu điểm nữa là không phải xử lý nước thải, nên rất thân thiện với môi trường”. 

Theo anh Giang, một công nghệ mới về vacxin và thuốc trong chăn nuôi cũng được công ty đang áp dụng thành công và hiệu quả, đó là máy tiêm không dùng kim (súng bắn vacxin). Giải pháp này đáp ứng phúc lợi động vật và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Sử dụng vacxin đa giá (tiêm 1 mũi phòng nhiều bệnh) nhằm tăng tỷ lệ tiêm phòng, giảm nguy cơ stress do số lần tiêm ít hơn, giảm thời gian và chi phí.

Xây dựng các hệ thống chuồng lạnh và sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi có nhiều ưu điểm, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, giảm được một số bệnh thông thường. Ảnh: Minh Sáng.

Xây dựng các hệ thống chuồng lạnh và sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi có nhiều ưu điểm, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, giảm được một số bệnh thông thường. Ảnh: Minh Sáng.

Để thực hiện mô hình nuôi heo bằng đệm lót sinh học, công ty đã đầu tư 800 triệu đồng/năm để mua trấu và men vi sinh. Áp dụng công nghệ này có nhiều ưu điểm, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, giảm được một số bệnh thông thường. Đàn heo không cần phải tắm trong suốt thời gian chăm sóc nên không phát sinh nước thải gây ô nhiễm môi trường và tiết kiệm được nhân công lao động.

Chất thải của vật nuôi được phân hủy hoàn toàn ngay trong chuồng dưới tác dụng đệm lót vi sinh. Môi trường chuồng nuôi trong lành, không có mùi hôi thối, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh khu vực nuôi.

Xây dựng hiệu quả các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh

Để triển khai xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, ngành chăn nuôi tỉnh BR-VT đã khuyến khích các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển dần sang chăn nuôi quy mô trang trại tập trung, bảo đảm an toàn sinh học, có kiểm soát, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trong việc giám sát dịch bệnh đối với bệnh đăng ký chứng nhận, công nhận vùng an toàn dịch bệnh...

Tính đến nay, toàn tỉnh BR-VT đã xây dựng được 17 vùng an toàn dịch bệnh và 86 cơ sở an toàn dịch bệnh động vật được cơ quan thú y công nhận. Trong kế hoạch chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của tỉnh BR-VT, xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh là một trong bảy mục tiêu để đảm bảo phát triển chăn nuôi của tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Quả thơm bên dòng Hương Giang

Thừa Thiên - Huế Ở vùng đất cố đô Huế có nhiều nơi trồng được thanh trà nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng bậc nhất chỉ có thể ở Thủy Biều, một ngôi làng bên dòng sông Hương.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất