| Hotline: 0983.970.780

Người dân chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới

Thứ Hai 11/12/2023 , 09:39 (GMT+7)

Hàng chục ngàn m2 đất được người dân tự nguyện hiến để xây dựng các công trình giao thông, công cộng góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ở xã miền núi Sơn Bua.

Sơn Bua là xã miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 2 của huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi). Ảnh: L.K.

Sơn Bua là xã miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao thứ 2 của huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi). Ảnh: L.K.

Xã Sơn Bua (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo đứng thứ 2 của huyện với trên 65%. Đa số người dân ở đây đều là người đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn gặp muôn vàn khó khăn. Thế nhưng, điều khá bất ngờ khi đến nơi đây là cơ sở hạ tầng được đầu tư khá bài bản; các tuyến đường bê tông được trải dài đến tận thôn, xóm. Đây chính là kết quả từ sự đồng hành của người dân cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới (NTM).

Trong suốt thời gian từ năm 2011 đến nay, tại xã Sơn Bua đã có gần 60 hộ dân tình nguyện hiến đất với tổng diện tích trên 50.000m2 để xây dựng các công trình công cộng, đường giao thông nông thôn. Với những con số này, Sơn Bua chính là địa phương đi đầu ở huyện Sơn Tây trong phong trào hiến đất để góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Toàn xã có đến 49 hộ dân được UBND tỉnh Quảng Ngãi khen thưởng về hành động ý nghĩa này.

Ông Cao Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Tây bộc bạch, để người dân tình nguyện hiến đất thì đầu tiên, cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong. Khi những con đường được hình thành trên diện tích đất hiến đã cho thấy được hiệu quả rõ nét khi việc đi lại, vận chuyển nông sản của bà con thuận lợi hơn. Thấy vậy, người dân cũng đồng tình thực hiện theo. Bản thân ông Chung cũng 2 lần hiến đất với diện tích hơn 1.700m2 để làm đường từ xóm Ông Me đi vào khu dân cư Nước Toa (thôn Măng He, xã Sơn Bua).

Là huyện miền núi còn khó khăn nhưng cơ sở hạ tầng giao thông ở xã Sơn Bua được đầu tư khá đồng bộ. Ảnh: L.K.

Là huyện miền núi còn khó khăn nhưng cơ sở hạ tầng giao thông ở xã Sơn Bua được đầu tư khá đồng bộ. Ảnh: L.K.

Không chỉ hiến đất làm đường giao thông, nhiều công trình công cộng ở xã Sơn Bua như nhà văn hóa, khu vui chơi, sân thể, thao, trường học cũng lần lượt mọc lên trên những diện tích đất của các cá nhân, hộ gia đình.

Ngoài ra, công trình nhà bán trú, khu vui chơi thể thao của Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Tiểu học và THCS Sơn Bua cũng được xây dựng nhờ đất hiến của 3 cá nhân là ông Đinh Văn Đôi, Đinh Văn Thuộc và Đinh Văn Que với diện tích hơn 1.000m2. Nhờ khu bán trú này mà việc học tập, sinh hoạt của các em học sinh thuận lợi hơn, đặc biệt là những em học sinh ở xa.

Nhà bán trú cho các em học sinh ở xã Sơn Bua được xây dựng trên phần đất hiến của người dân đã tạo điều kiện để các em có nơi sinh hoạt tốt hơn. Ảnh: L.K.

Nhà bán trú cho các em học sinh ở xã Sơn Bua được xây dựng trên phần đất hiến của người dân đã tạo điều kiện để các em có nơi sinh hoạt tốt hơn. Ảnh: L.K.

Thầy Huỳnh Văn Thành, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Sơn Bua cho biết, qua tuyên truyền của các cấp chính quyền, Đảng ủy, người dân đồng tình ủng hộ hiến đất làm nhà bán trú cho học sinh. Nhà trường hiện có 7 phòng bán trú, trong đó dãy hiến đất thì có 1 bếp ăn và 4 phòng bán trú. Tổng số học sinh ở lại bán trú là hơn 170 em, nhà trường đang vận động thêm 40 em vào bán trú.

Theo ông Hồ Văn Thịnh, Chủ tịch UBND xã Sơn Bua, những năm qua, trong các buổi họp tổ, thôn, khu dân cư, chính quyền xã luôn chú trọng công tác tuyên truyền đến bà con về mục đích, ý nghĩa của phong trào xây dựng NTM. “Nhờ vậy, người dân hiểu và đều đồng tình hưởng ứng để chung tay, góp sức cùng nhau thay đổi bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Với sự đi đầu của cán bộ, đảng viên, đến nay, đã có hàng chục cá nhân hiến đất để xây dựng công trình giao thông, công cộng trên địa bàn. Thấy công trình nào triển khai vướng đất đai, hoa màu các hộ đều chấp nhận nhường đất để thực hiện. Trong trường hợp công trình lớn quá, ảnh hưởng đến nhiều diện tích thì xã cũng nghiên cứu, hỗ trợ chút ít cho bà con để tránh thiệt thòi”, ông Thịnh nói.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.