| Hotline: 0983.970.780

Những công trình cấp nước 'hai trong một'

Thứ Ba 28/11/2023 , 11:00 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Nhờ có những dự án nước sạch 'hai trong một', không những nước sinh hoạt của người dân được đảm bảo theo tiêu chí NTM mà hoạt động sản xuất cũng được đáp ứng.

Lựa chọn tối ưu cho vùng khô khát

Xã Cam Chính nằm ở vùng Cùa, không xa trung tâm huyện Cam Lộ của tỉnh Quảng Trị. Trước nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nhiều loại cây trồng mới xuất hiện đòi hỏi phải có nguồn nưới tưới ổn định.

Trong khi đó, tại xã Cam Chính sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn nước tự chảy, không có hệ thống thủy lợi tưới chủ động. Điều này khiến cho việc tìm một nguồn nước tưới ổn định trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Là vùng được thiên nhiên ưu đãi, nguồn nước ngầm ở vùng Cùa được coi là báu vật. Không chỉ dồi dào, chất lượng nguồn nước ở đây dù được lấy ở tầng đất nào cũng được đánh giá tốt hơn nhiều so với các vùng lân cận.

Những đài nước trên cao phát huy hiệu quả giúp cuộc sống sinh hoạt và canh tác của người dân thuận lợi. Ảnh: Võ Dũng.

Những đài nước trên cao phát huy hiệu quả giúp cuộc sống sinh hoạt và canh tác của người dân thuận lợi. Ảnh: Võ Dũng.

Từ những năm 2001 - 2002, trước tình trạng mật độ dân cư vùng Cùa ngày càng tăng, tổ chức Đông - Tây hội ngộ đã đầu tư xây dựng tại thôn Mai Đàn, xã Cam Chính một công trình cấp nước sạch. Nước khoan sâu hàng chục mét được hút lên đài nước trên cao sau đó dẫn về tận thôn xóm, vùng sản xuất. Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng, hệ thống đường ống bị hư hỏng, không sử dụng được. Năm 2016, huyện Cam Lộ đã đầu tư sửa chữa hệ thống đường ống dẫn nước phục vụ nhu cầu tưới tiêu cây công nghiệp của thôn nhưng nước sạch của người dân vẫn chưa được đảm bảo.

Bài liên quan

Trước tình hình đó, năm 2022, Carlsberg Việt Nam đã tài trợ kinh phí thực hiện công trình nâng cấp hệ thống cấp nước sạch tại thôn Mai Đàn. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư, phối hợp với chính quyền địa phương triển khai. Các hạng mục công trình gồm bổ sung 1 giếng khoan; các van điều tiết và tuyến ống cấp nước dài gần 1.000 m được làm mới. Kể từ đó, nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân thôn Mai Đàn được đáp ứng.

Ngoài ra, tại xã Cam Chính, từ năm 2013 đến 2016, địa phương này còn được đầu tư xây dựng 2 đài nước tại thôn Mai Lộc và thôn An Trung. Đến nay, các đài nước trên địa bàn xã Cam Chính đang phát huy hiệu quả và phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho gần 500 hộ dân (gần 1/2 dân số toàn xã). Riêng đài nước Mai Đàn đáp ứng nhu cầu tưới cho gần 10 ha cây trồng cạn.

“Trước đây, cứ 2 năm chúng tôi lại lấy nguồn nước giếng khoan đi kiểm nghiệm. Từ thời điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao, cứ 6 tháng xã lại đem nước đi kiểm nghiệm 1 lần. Điều rất đáng mừng là nước khoan ở độ sâu hàng chục mét nhưng lại đảm bảo chất lượng, không nhiễm phèn, không nhiễm mặn, không nhiễm vôi, đáp ứng đủ tiêu chí nước sạch. Trong thời điểm địa phương đưa một số cây trồng mới vào trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế thì các đài nước này lại càng cho thấy giá trị”, ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cam Chính chia sẻ.

Được sử dụng guồn nước đảm bảo chất lượng, giá rẻ nên người dân Cam Chính rất phấn khởi. Ảnh: Võ Dũng.

Được sử dụng guồn nước đảm bảo chất lượng, giá rẻ nên người dân Cam Chính rất phấn khởi. Ảnh: Võ Dũng.

Cũng theo ông Hà, ở vùng Cùa, để người dân được sử dụng nước sạch tập trung là rất khó khăn vì chưa có công trình nào được đầu tư. Tuy nhiên, với việc các đài nước này hoạt động hiệu quả và chất lượng nguồn nước ổn định đã giúp địa phương có 100% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.

“Ba đài nước này có tổng dung tích khoảng trên 50m3 nhưng cơ chế bơm nước và đẩy nước về khu dân cư hoàn toàn tự động. Vì vậy, chỉ khi mất điện dài ngày thì các hộ dân mới phải chịu cảnh mất nước sinh hoạt, sản xuất nhưng nguồn điện ở đây cũng tương đối ổn định…”, ông Nguyễn Văn Hà cho hay.

Nguồn nước sạch siêu rẻ

Gia đình bà Nguyễn Thị Hòa về thôn An Trung, xã Cam Chính sinh sống 15 năm nay. Với người dân thôn An Trung, chi phí cho nước sạch là thứ rẻ nhất, mỗi gia đình nhiều lắm cũng chỉ mất chưa đến 100.000 tiền nước mỗi tháng. Không mấy khi gia đình bà và các hộ dân trong thôn phải chật vật vì thiếu nước. Nước luôn trong tình trạng dồi dào nên các hộ dân chỉ cần sắm thêm một bồn nước inox nhỏ là có thể yên tâm.

“Vì đường ống được lắp đến tận ngõ các hộ dân nên chi phí đầu tư bắt ống vào nhà cũng không đáng kể. Hợp tác xã cũng chỉ thu 4.000 đồng/1 m3 nên 100% hộ dân trong thôn đều sử dụng nguồn nước này”, bà Hòa cho biết.

Cũng kể từ khi các đài nước đi vào hoạt động ổn định, người dân canh tác các loại cây công nghiệp cần nước tưới thường xuyên tại xã Cam Chính mới dám đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm. Giá nông sản lúc lên cao, lúc xuống thấp, nhưng với người nông dân, chăn nuôi và trồng trọt vẫn là nguồn thu nhập chính. Do nước là tài nguyên đang ngày càng khan hiếm nên việc đầu tư cho tưới tiết kiệm là điều hết sức cần thiết.

Nhờ có các đài nước trên cao, người dân Cam Chính yên tâm đầu tư tưới nhỏ giọt phục vụ sản xuất. Ảnh: Võ Dũng.

Nhờ có các đài nước trên cao, người dân Cam Chính yên tâm đầu tư tưới nhỏ giọt phục vụ sản xuất. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Trần Diện, thôn Mai Đàn có 0,3 ha hồ tiêu đang cho thu hoạch. Ông đã từng nghĩ đến việc bỏ những cây trồng thường xuyên cần nước tưới chủ động để chuyển sang các cây trồng khác. Có lúc ông lại nghĩ đến phương án khoan giếng để tưới tràn cho vườn tiêu hoặc xây bể trên cao để làm hệ thống tưới nhỏ giọt. Tuy nhiên, cả ba phương án đều đẩy chi phí sản xuất tăng cao, trong khi giá tiêu lại bấp bênh. Nhờ có các đài nước hoạt động ổn định, cách đây ít năm, gia đình ông Diện quyết định đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Theo ông Diện, do tận dụng được sức nước từ trên cao của đài nước nên gia đình ông không phải xây lắp bể dự trữ, chi phí vì thế giảm đáng kể, hiệu quả kinh tế vườn tiêu tăng lên.

“Mấy năm nay nắng hạn khốc liệt, nếu không có hệ thống tưới nhỏ giọt này thì chi phí tưới vườn hồ tiêu sẽ rất lớn. Tưới nhỏ giọt vừa tiết kiệm nước lại không mất tiền xây lắp bồn, gia đình tôi cũng như nhiều hộ trồng cây hưởng lợi rất lớn và yên tâm đầu tư”, ông Diện cho hay.

Để vận hành các đài nước này, sau khi nhận bàn giao từ các chương trình dự án, UBND xã Cam Chính đã giao cho HTX nông nghiệp Cam Chính vận hành. Hợp tác xã sẽ thu 4.000 đồng/m3 nước để chi phí tiền điện, công vận hành và sửa chữa hệ thống đường dẫn, máy móc khi có sự cố xảy ra. Để các đài nước này vận hành trơn tru và hiệu quả, việc duy tu, bảo dưỡng thiết bị đã được thực hiện thường xuyên. Vì vậy, hệ thống máy móc tại các đài nước luôn sẵn sàng phục vụ nhu cầu của người dân về nước sinh hoạt và sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cam Chính cho biết thêm, dự án 3 hồ bản Chùa có 1 hợp phần thực hiện tại xã đã hoàn thiện sắp bàn giao đưa vào vận hành. Khi hợp phần này đi vào hoạt động, Cam Chính sẽ có thêm 1 đài nước tự động với dung tích 70m3 để cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Một số diện tích cây trồng sẽ có nước tưới ổn định để người dân yên tâm sản xuất. Đây cũng là điều hết sức quan trọng để thu hút các doanh nghiệp lớn về địa bàn đầu tư, liên kết với nông dân xây dựng các dự án sản xuất nông nghiệp lớn.

Hợp phần từ dự án 3 hồ bản Chùa đi vào hoạt động sẽ góp thêm động lực vào thu hút đầu tư vào nông nghiệp tại xã Cam Chính. Ảnh: Võ Dũng.

Hợp phần từ dự án 3 hồ bản Chùa đi vào hoạt động sẽ góp thêm động lực vào thu hút đầu tư vào nông nghiệp tại xã Cam Chính. Ảnh: Võ Dũng.

“Xung quanh dự án 3 hồ bản Chùa chúng tôi đang có 2,5 ha cây ném đã được chứng nhận VietGAP. Nhiều diện tích cây công nghiệp, cây hàng năm của địa phương cũng đang chờ nguồn nước tưới để chủ động sản xuất. Vì vậy, dự án 3 hồ bản Chùa đi vào vận hành sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với người dân Cam Chính. Các đài nước được đầu tư từ trước tới nay mang lại nhiều giá trị cho vùng đất này”, ông Hà cho biết.

“Tại xã Cam Thủy và Cam Nghĩa hiện cũng có 3 đài nước "hai trong một" đang hoạt động và đều phát huy hiệu quả. Ở những vùng khô hạn như thế này, việc người dân được sử dụng nước sạch tập trung là rất khó khăn nên chúng tôi xem đây là phương án tối ưu để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân”, ông Phạm Viết Thanh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cam Lộ cho biết.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

'Nông dân số' ở làng cổ Đường Lâm

Từ mục đích lưu giữ kỷ niệm trên Tiktok, anh Chế 'Ba Vì' dần chuyển đổi những nội dung trên kênh sang giới thiệu nông sản, bán hàng để tăng thu nhập cho gia đình.

Chương trình OCOP là 'cú hích' phát triển kinh tế vùng nông thôn

HẢI PHÒNG Chương trình OCOP và những sự hỗ trợ xung quanh như là một cú hích cực kỳ quan trọng để giúp cho nông dân nâng tầm giá trị sản phẩm của mình làm ra.