| Hotline: 0983.970.780

Người dân còn chủ quan, lơ là trong phòng chống sốt xuất huyết

Thứ Tư 25/05/2022 , 16:37 (GMT+7)

TP.HCM Sáng 25/5, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện Hóc Môn trước bối cảnh số ca mắc tăng.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện Hóc Môn sáng 25/5. Ảnh: Đ.H.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện Hóc Môn sáng 25/5. Ảnh: Đ.H.

Tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, đoàn kiểm tra ghi nhận vẫn còn tình trạng tồn tại nhiều địa điểm nguy cơ chưa được xử lý, trong khi người dân vẫn còn chủ quan, lơ là với dịch bệnh sốt xuất huyết.

Đơn cử như xung quanh khu nhà trọ Tổ 125, ấp Tam Đông 3, đoàn kiểm tra tìm thấy rất nhiều vật chứa nước có lăng quăng xung quanh nhà của người dân. Đáng chú ý, chỉ hơn một tháng trước khu vực này có một trường hợp tử vong do sốt xuất huyết nhưng người dân vẫn còn lơ là với việc phòng bệnh.

"Khi biết có người tử vong do sốt xuất huyết, gia đình tôi có mua thêm bình xịt muỗi nhưng không ngủ mùng (màn) do không quen", bà Trần Thị Nhung, người dân Tổ 125, ấp Tam Đông 3 cho hay.

Bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, nguyên tắc xử lý khi có một ổ dịch, có người tử vong do sốt xuất huyết là trong vòng bán kính 200m y tế địa phương phải tiến hành phun xịt muỗi, dọn dẹp vệ sinh môi trường thường xuyên.

“Qua kiểm tra chúng tôi thấy chỉ cách nhà của người tử vong do sốt xuất huyết khoảng 10m có một điểm nuôi gà, trong đó có nhiều lăng quăng, chưa kể khu vực xung quanh có nhiều rác thải, gáo dừa chứa nước không được dọn dẹp. Điều này là vô cùng nguy hiểm và dịch bệnh sẽ tiếp tục lây lan”, bác sĩ Lê Hồng Nga nói.

Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết, từ đầu năm đến nay huyện Hóc Môn ghi nhận có 47 ổ dịch với 747 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 139% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, đã có 1 trường hợp trên địa bàn tử vong do sốt xuất huyết. Ngoài ra, huyện Hóc Môn vẫn còn 886 điểm nguy cơ cần xử lý.

Lý giải nguyên nhân Hóc Môn là 1 trong 5 địa phương có số ca sốt xuất huyết cao nhất Thành phố từ đầu năm đến nay, bà Lê Thụy Mỵ Châu chia sẻ, huyện Hóc Môn có trên 50% diện tích đất sản xuất nông nghệp, vẫn còn một số hộ gia đình trữ nước bằng lu, hồ để sử dụng cho việc chăn nuôi, dùng tưới cây cảnh… tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển. 

Trong khi đó, công tác kiểm tra, xử lý điểm nguy cơ sốt xuất huyết của huyện, xã, thị trấn chưa được thường xuyên, chưa kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ gia đình không chấp hành biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, nhân sự thực hiện công tác phòng, chống dịch tại các Trạm y tế xã, thị trấn còn thiếu so với tình hình phức tạp của dịch bệnh, yêu cầu phải xử lý nhanh trong khi khối lượng công việc nhiều; các xã thiếu người tham gia dẫn đường tiếp cận các hộ gia đình, không đủ người tham gia diệt lăng quăng…

Còn nhiều vật chứa nước có lăng quăng xung quanh nhà của người dân. Ảnh: Đ.H.

Còn nhiều vật chứa nước có lăng quăng xung quanh nhà của người dân. Ảnh: Đ.H.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cũng nhìn nhận, vẫn còn sự chủ quan của người dân và sự vào cuộc chưa quyết liệt của địa phương trong công tác phòng chống dịch. Qua kiểm tra, vẫn còn nhiều điểm nguy cơ có lăng quăng, trong đó có cả trường học.

Ông Hưng yêu cầu, trong thời gian tới, lãnh đạo huyện Hóc Môn cần có sự sâu sát hơn trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết, giảm thiểu tối đa số ca mắc và tử vong trên địa bàn.

Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho rằng, dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết có diễn biến phức tạp hơn, do đó, công tác phòng chống dịch cần được chú trọng.

“Vẫn còn sự lơ là, chủ quan của người dân đối với dịch bệnh sốt xuất huyết. Trong đó, thói quen, lối sống, điều kiện sống của người dân là những yếu tố khiến nguy cơ phát sinh các ổ muỗi, làm cho dịch sốt xuất huyết lây lan”, ông Đức nói.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu lãnh đạo địa phương cần làm tốt hơn công tác quản lý địa bàn, nắm bắt thực trạng, theo dõi sát tình hình dịch bệnh, chỉ đạo nhiều cơ quan, đoàn thể cùng phối hợp dồn sức chống dịch.

“Trong công tác phòng, chống dịch bệnh khâu tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức là vô cùng quan trọng. Việc truyền thông cần đi vào thực chất, không chỉ dừng lại ở hình thức. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt của các cơ quan chức năng cũng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục từ đó góp phần giúp người dân điều chỉnh ý thức, thay đổi hành vi”, ông Đức nhấn mạnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm 2022, TP.HCM ghi nhận 8.481 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 28% với cùng kỳ năm 2021 là 6.639 ca. Số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay đã là 7 trường hợp.

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Người bị tiểu đường nên ăn gì thay cơm trắng?

Cơm trắng có chỉ số đường huyết cao, không tốt cho người tiểu đường. Vậy người bị tiểu đường nên thay cơm bằng thực phẩm gì?

Lá lốt có tác dụng gì với sức khoẻ?

Lá lốt không chỉ giúp hương vị của món ăn thêm thơm ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe và còn có tác dụng điều trị một số loại bệnh.