| Hotline: 0983.970.780

Phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19

Thứ Sáu 04/09/2020 , 16:24 (GMT+7)

Khi mắc sốt xuất huyết cần đến cơ sở y tế để điều trị kịp thời, tránh trường hợp lo ngại dịch Covid-19 mà khiến bệnh diễn tiến nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Nhiều trường hợp bệnh diễn tiến nặng khi nhập viện trễ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhiều trường hợp bệnh diễn tiến nặng khi nhập viện trễ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Không tự chữa sốt xuất huyết tại nhà

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC), đỉnh dịch sốt xuất huyết năm nay sẽ rơi vào tháng 10-11 với số người mắc không cao như những năm trước. Dù vậy, người dân không nên chủ quan với dịch bệnh này.

Từ đầu năm 2020 đến đầu tháng 9, toàn TP. HCM có 11.404 trường hợp sốt xuất huyết, trong đó 6.277 trường hợp phải nhập viện và 5.217 trường hợp điều trị ngoại trú. So với cùng kỳ năm 2019, số ca mắc năm nay giảm, tuy nhiên dịch bệnh này có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây.

Đơn cử, trong hai tháng gần đây, trung bình số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần là 500 ca. Đặc biệt, trong tuần 35, tại 31 phường, xã thuộc 13 quận huyện trên địa bàn TP. HCM ghi nhận 40 ổ dịch sốt xuất huyết phát sinh.

Tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM cũng ghi nhân nhiều trường hợp nhập viện do sốt xuất huyết. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị cho khoảng 60 bệnh nhi nội trú và ngoại trú. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, đang điều trị nội trú cho 25 ca mắc sốt xuất huyết; trong đó có một số ca diễn tiến nặng.

TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết (Bệnh viện Nhi đồng 1) cho biết, trong thời gian qua có nhiều ca mắc sốt xuất huyết có biến chứng nặng. Do đó, người dân không nên chủ quan với dịch bệnh, đặc biệt trong thời gian này, khi có nhiều dịch bệnh đang lưu hành như Covid-19, bạch hầu… Tránh để dịch chồng dịch.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là người dân vì ngại đến bệnh viện trong thời gian dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Do đó, nhiều người tự mua thuốc về uống dẫn đến bệnh không những không giảm mà diễn tiến càng nặng hơn.

Mới đây nhất là trường hợp một nữ bệnh nhân (16 tuổi, ngụ quận 7) đã tử vong do mắc sốt xuất huyết. Được biết, bệnh nhân được gia đình đưa đến nhập viện tại Bệnh viện Quận 4 ngày 29/7, sau đó tình trạng bệnh chuyển biến xấu nên được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM điều trị. Tuy nhiên, đến ngày 8/8, bệnh nhân tử vong. Đây là trường hợp tử vong do sốt xuất huyết đầu tiên tại TP.HCM trong năm nay.

Còn tại Hà Nội, cũng đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Trường hợp đầu tiên là nam bệnh nhân 17 tuổi đưa đưa đến nhập viện tại khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) do mắc sốt xuất huyết nặng. Bệnh nhân được ép tim, đặt ECMO, hồi sức tích cực, tuy nhiên bệnh nhân đã tử vong do suy đa tạng.

Trường hợp thứ hai là một bệnh nhân 57 tuổi, nhập viện tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân tử vong là sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, sốt dengue và ngộ độc paracetamol.

May mắn hơn 3 trường hợp trên, một nữ bệnh nhân 20 tuổi, ngụ quận 11 (TP.HCM) sốt cao liên tục 3 ngày nhưng chỉ đến tiệm thuốc tây gần nhà mua thuốc hạ sốt vì ngại đến bệnh viện mùa dịch Covid-19. Sau 3 ngày không giảm sốt kèm thêm tình trạng cơ thể mệt mỏi không thuyên giảm, bệnh nhân đến Bệnh viện Quận 11 (TP.HCM) khám kịp thời. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân trong tình trạng máu cô đặc rất nhiều do mắc sốt xuất huyết Dengue.

“Chỉ cần đến bệnh viện trễ hơn là bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng nguy kịch”, bác sĩ Phạm Anh Tuấn, phụ trách Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Quận 11 (TP.HCM) nhận định.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, trong thời gian qua đơn vị cũng tiếp nhận nhiều trường hợp sốt xuất huyết nhưng lại đến khám trễ, do đó tình trạng bệnh ngày càng nặng hơn.

Theo bác sĩ Phong, khi có dấu hiệu sốt xuất huyết, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp theo diễn tiến bệnh và tùy từng đối tượng để có lời khuyên người bệnh có thể điều trị tại nhà hoặc nhập viện.

“Sốt xuất huyết có thể trở nặng vào ngày thứ 5 đến ngày thứ 7 sau khi khởi phát bệnh. Do đó, ở giai đoạn này người bệnh đã giảm sốt, thậm chí hết sốt nhưng đây lại là thời điểm có thể xuất hiện các biến chứng bất thường nguy hiểm.

Trong trường hợp có nôn ói, chảy máu cam, xuất huyết, đau bụng nhiều, đi ngoài phân đen, trẻ em tay chân lạnh... cần đến cơ sở y tế ngay, tránh để lại hậu quả đáng tiếc xảy ra. Không vì lo sợ Covid-19 mà không đi khám, bởi hiện nay tất cả cơ sở y tế đều được trang bị hệ thống khai báo y tế, sàng lọc,  khu vực khám bệnh có triệu chứng hô hấp được tách biệt riêng, hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn tốt nên người dân có thể hoàn toàn yên tâm”, bác sĩ Phong cho biết.

Phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19

Sốt xuất huyết và Covid-19 đều là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra. Dấu hiệu ban đầu của cả hai bệnh đều giống nhau như sốt, đau đầu, đau mỏi người, đau cơ… khiến nhiều người nhầm lẫn. Đồng thời, cả hai bệnh đều diễn tiến nặng khi người bệnh có bệnh nền nặng, dễ dẫn đến nguy cơ tử vong cao.

Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền khác nhau. Sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền (thời gian ủ bệnh trung bình từ 3-10 ngày), còn Covid-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn (thời gian ủ bệnh trung bình từ 4-14 ngày).

Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết là buồn nôn, nôn mửa, phát ban, xuất hiện nhiều vết mẩn đỏ trên da, giảm bạch cầu… nặng sẽ dẫn đến hôn mê, suy tim. Còn Covid-19 có biểu hiện rõ nhất là ho, viêm phổi, đau họng, khó thở, ngạt mũi, mất vị giác, tiêu chảy… khi bệnh diễn tiến nặng sẽ dẫn đến suy hô hấp, cơn bão Cytokine, suy đa tạng, sốc nhiễm khuẩn, đông máu, đột quỵ…

Đa số trường hợp mắc sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày. Tuy nhiên, khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao. Do đó, theo các chuyên gia dịch tễ, khi có bất cứ biểu hiện bệnh, yếu tố dịch tễ cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Ngày 4/9, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, các ổ dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam cũng như các tỉnh, thành phố khác đến nay đã được khống chế.

“Chúng ta sẽ tăng cường khả năng xét nghiệm, phát triển thêm sinh phẩm chẩn đoán kháng nguyên nhanh. Đồng thời, triển khai chiến dịch “5K” - Chung sống an toàn với đại dịch Covid-19: Khẩu trang; Khử khuẩn (sát khuẩn tay); Khoảng cách; Không tập trung đông người; Khai báo y tế trên quy mô toàn quốc, tạo thói quen cho người dân trong trạng thái bình thường mới”, ông Long nêu.

Xem thêm
Tập thể dục vào sáng và tối giảm nguy cơ ung thư ruột kết hơn 10%

Hoạt động thể chất vào các thời điểm khác nhau trong ngày có thể dẫn đến những kết quả khác nhau cho sức khỏe về lâu dài.

Nguyên nhân gây bệnh tim mạch và cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch.

Người bị tiểu đường nên ăn gì thay cơm trắng?

Cơm trắng có chỉ số đường huyết cao, không tốt cho người tiểu đường. Vậy người bị tiểu đường nên thay cơm bằng thực phẩm gì?

Lá lốt có tác dụng gì với sức khoẻ?

Lá lốt không chỉ giúp hương vị của món ăn thêm thơm ngon mà còn rất tốt cho sức khỏe và còn có tác dụng điều trị một số loại bệnh.