| Hotline: 0983.970.780

Người dẫn dắt chương trình Sind hóa đàn bò ở Trà Vinh

Thứ Tư 20/09/2023 , 14:51 (GMT+7)

Đó là ông Lưu Văn Phúc, Trưởng phòng Chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh, với vai trò dẫn dắt thực hiện thành công chương trình Sind hóa đàn bò ở địa phương.  

Với tâm huyết của mình, ông Phúc xuống từng địa phương, thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, gặp gỡ tiếp xúc từng người chăn nuôi phân tích và vận động người dân để tham chương trình nâng cao tầm vóc đàn bò tỉnh nhà. Ảnh: Hồ Thảo.

Với tâm huyết của mình, ông Phúc xuống từng địa phương, thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, gặp gỡ tiếp xúc từng người chăn nuôi phân tích và vận động người dân để tham chương trình nâng cao tầm vóc đàn bò tỉnh nhà. Ảnh: Hồ Thảo.

Xây dựng được mạng lưới 400 dẫn tinh viên

Tốt nghiệp năm 1993 chuyên ngành Chăn nuôi thú y (Trường Đại học Cần Thơ), để thỏa lòng đam mê với nghề, ông Lưu Văn Phúc xin về làm việc tại Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh.

Không giấu được niềm vui của mình, ông Phúc bộc bạch: Bản thân luôn ao ước khi học xong ra trường sẽ đem những kiến thức, kinh nghiệm áp dụng vào lĩnh vực mà mình được đào tạo. Làm việc ở đây đúng chuyên ngành, với kinh nghiệm đã học, bản thân rất tự tin là sẽ vực dậy việc Sind hóa đàn bò của tỉnh nhà, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Theo ông Phúc, chăn nuôi bò là truyền thống có từ lâu đời và cũng là vật nuôi chính của tỉnh Trà Vinh. Sau khi tái lập tỉnh năm 1993, tổng đàn bò là 50.000 con, đa phần là giống bò vàng Việt Nam có tầm vóc nhỏ, năng suất thịt rất thấp.

Để cải thiện năng suất cho người nuôi, từ năm 1995, tỉnh Trà Vinh đã thực hiện Chương trình "Nâng cao tầm vóc đàn bò" do Cục Khuyến nông (tiền thân Trung tâm Khuyến nông Quốc gia ngày nay) hỗ trợ bằng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB).

Còn nhớ, khi chương trình được triển khai trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, với tập quán chăn nuôi lâu đời của đồng bào dân tộc Khmer là nuôi chăn thả và phối giống theo cách tự nhiên truyền thống không kiểm soát.

Vì vậy, khi vận động tham gia chương trình, bà con rất băn khoăn không biết khi tham gia phối giống nhân tạo rồi bò cái sẽ sinh sản như thế nào nên rất e ngại tham gia.

Đến năm 2022, tỉnh Trà Vinh có 400 dẫn tinh viên được trải đều khắp các huyện trong tỉnh, sẵn sàng phục vụ cho bà con chăn nuôi. Ảnh: Hồ Thảo.

Đến năm 2022, tỉnh Trà Vinh có 400 dẫn tinh viên được trải đều khắp các huyện trong tỉnh, sẵn sàng phục vụ cho bà con chăn nuôi. Ảnh: Hồ Thảo.

Với tâm huyết của mình, ông Phúc xuống từng địa phương, thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Gặp gỡ tiếp xúc từng người chăn nuôi phân tích, vận động họ tham gia phối giống bằng phương pháp nhân tạo. Ông cũng không thu tiền công và cấp hỗ trợ thức ăn hỗn hợp cho bò cái mang thai, tiêm phòng miễn phí…

Kết quả ngoài mong đợi, sau 9 tháng 10 ngày bò cái đẻ con ra những chú bê lai Sind đều khỏe mạnh, trọng lượng sơ sinh tăng lên đáng kể. Từ 15 - 17kg (đàn bò vàng) lên 20-23kg (bò lai Sind) rồi cứ như thế, nhiều bà con chăn nuôi bò cũng được mắt thấy tai nghe thông qua các cuộc tham quan, học tập, tổng kết mô hình.

Người chăn nuôi thấy được lợi ích của phương pháp thụ tinh nhân tạo nên tiếp tục tham gia phối giống. Đến năm 2000, đàn bò của tỉnh Trà Vinh đạt 52.000 con với 60% được lai Sind. Đến năm 2005 đạt trên 113.000 con, đây là mức tăng trưởng khá cao so với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL thời điểm đó.

Giai đoạn năm 2002 - 2004, thực hiện tinh thần Nghị quyết 3 của Chính phủ về phát triển kinh tế trang trại, UBND tỉnh Trà Vinh có chính sách ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế trang trại. Toàn tỉnh có khoảng 2.600 trang trại, trong đó có 390 trang trại nuôi bò với tốc độ phát triển hơn 33%.

"Số lượng đàn bò trang trại cũng không ngừng đạt mức tăng nhanh, cá biệt có trang trại với tổng đàn lên đến 150 bò cái sinh sản. Trong đó, thụ tinh nhân tạo đạt trên 70%, lợi nhuận bình quân đối với 1 con bò thịt lai Sind sau 12 tháng tuổi đạt gần 2 triệu đồng, ông Phúc phấn khích kể.

Phát huy những kết quả đạt được, Chương trình phát triển đàn bò lai Sind và bò thịt giai đoạn 2006-2010 tăng nhanh một cách đáng kể, từ 125.000 con (năm 2006) lên 150.000 con (năm 2010).

Ông Phúc chia sẻ: Ban đầu trên địa bàn tỉnh chỉ có 3 dẫn tinh viên được gửi đào tạo từ các cơ sở của Cục Chăn nuôi về phục vụ cho bà con nhưng với tốc độ phát triển đàn bò một cách nhanh chóng. Bản thân luôn đau đáu làm thế nào để tăng nhanh số lượng dẫn tinh viên đáp ứng nhu cầu của địa phương. Thế rồi Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp cùng Trường Đại học Trà Vinh mở các lớp và trực tiếp giảng dạy - đào tạo dẫn tinh viên. Ông Phúc tham gia trực tiếp công việc giảng dạy, đến nay tỉnh đã xây dựng mạng lưới với hơn 400 dẫn tinh viên trải đều khắp các huyện trong tỉnh, sẵn sàng phục vụ cho bà con chăn nuôi.

Nhờ công tác gieo tinh nhân tạo nên tầm vóc đàn bò được tăng lên một cách rõ rệt. Ảnh: Hồ Thảo.

Nhờ công tác gieo tinh nhân tạo nên tầm vóc đàn bò được tăng lên một cách rõ rệt. Ảnh: Hồ Thảo.

Mục tiêu 300.000 con bò lai giống ngoại

Theo nhiều hộ chăn nuôi tại địa phương, chương trình trên không chỉ cải thiện được tầm vóc của giống bò địa phương, tránh xảy ra tình trạng đồng huyết, dẫn đến việc chậm phát triển mà còn chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Minh, người nuôi bò ở ấp Thanh Trì B, xã Đa Lộc, huyện Châu Thành cho biết: Trước đây, gia đình nuôi giống bò vàng (bò cỏ ở địa phương) khoảng 4-6 con, nhưng giống bò này nhỏ, trọng lượng thấp nên hiệu quả kinh tế không cao.

Nhờ thạc sĩ Lưu Hữu Phúc (Trung tâm Khuyến nông tỉnh) xuống hỗ trợ kỹ thuật và tiến hành phương pháp thụ tinh nhân tạo cho 2 con bò cái. Kết quả đem lại ngoài mong đợi. Sau 2 năm, gia đình được thêm 2 con bê lai và chỉ sau 6 tháng đã có bò xuất bán với giá từ 10-15 triệu đồng/con, rất phấn khởi.

Còn theo ông Lê Hoài Luân, ở ấp Trì Phong, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, gia đình ông đã nuôi bò thịt nhiều năm nhưng không đạt hiệu quả. Nhờ Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ, cụ thể là ông Phúc xuống tư vấn nên ông quyết định chuyển sang nuôi 100% bò lai BBB cho hiệu quả kinh tế cao, giúp đời sống gia đình ông ổn định hơn.

Ông Lâm Quang Thảo, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trà Vinh cho biết: Ông Lê Văn Phúc là một cán bộ nói luôn đi đôi với làm, tiên phong trong công việc, biết vận dụng lý thuyết vào thực tiễn để tạo uy tín nghề nghiệp, hỗ trợ tích cực cùng với đơn vị hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là giúp nông dân cải thiện chất lượng đàn bò.

Ông Luân cho biết: Sau 18 tháng nuôi, bò lai BBB đạt trọng lượng khoảng 370- 380kg và có thể xuất chuồng. Nếu nuôi đến 24 tháng, chúng có thể đạt trọng lượng trên 400kg và tỷ lệ thịt cũng cao hơn bò thường.

Bò lai BBB có trọng lượng gấp 1,5 - 2 lần so với các giống bò lai thông thường khi xuất chuồng, và có tỷ lệ thịt cao hơn do đó thương lái rất ưa chuộng loại này. Có thể nhận thấy chế độ ăn uống của giống bò này không có gì khác biệt so với bò thịt thông thường, người chăn nuôi có thể linh hoạt trong việc phối hợp các loại thức ăn như ngô, cám gạo, cám công nghiệp dành riêng cho bò thịt, cỏ, rơm... tùy theo điều kiện của họ.

Từ những đóng góp tích cực trên, ông Phúc đã trở thành điểm sáng trong các phong trào thi đua yêu nước của cơ quan, đơn vị và địa phương. Là viên chức tiêu biểu, điển hình có vai trò dẫn dắt thực hiện thành công Chương trình Sind hóa đàn bò của Trà Vinh, đóng góp quan trọng cho sự thành công của ngành nông nghiệp tỉnh này trong 30 năm qua.

Cũng theo ông Lâm Quang Thảo, thực hiện chương trình cải tạo đàn bò theo hướng Sind hóa chuyên thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo cùng với việc xây dựng mạng lưới dẫn tinh viên cơ sở, từ năm 1995 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn như vốn Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ngân sách tỉnh, hàng năm, đơn vị hỗ trợ người nuôi bò gieo tinh nhân tạo từ 30.000 - 50.000 liều tinh.

"Sự thành công của chương trình gieo tinh nhân tạo không chỉ là thành quả trong việc nâng cao chất lượng đàn bò và tăng thu nhập cho người dân, mà còn là ví dụ điển hình về cách ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào ngành chăn nuôi để đạt được hiệu suất cao và bền vững", ông Thảo nhấn mạnh.

Tỉnh Trà Vinh đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 đạt 300.000 con bò, tập trung vào lai các giống bò nhập ngoại như Charolais, BBB, Red Angus, Brahman, Droughtmaster, Limousine,... để tạo ra những con bò có trọng lượng cao hơn, nhanh tăng trọng và chất lượng thịt tốt.

Xem thêm
Cặp vợ chồng 30 năm nuôi vịt hiếm khi thất bại

HÀ NỘI Vợ chồng chị luôn nuôi 5.000 - 7.000 con vịt, mỗi ngày xuất bán vài trăm con, không chỉ khắp Hà Nội mà còn xuyên miền Trung vào tận Tây Nguyên.

Trồng ớt Jalapeno hướng tới xuất khẩu

SƠN LA Bà con tại bản Bó Hạc, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn (Sơn La) đang thử nghiệm giống ớt mới trong vụ đông và liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.